Bà mẹ ở Hà Nội trầm cảm phải nhập viện tâm thần vì hậu Covid-19

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Trước đây, chị Lam từng có ý định hắt dầu nóng vào mặt, có lần chị đã uống thuốc quá liều để tự tử... Sau khi bị Covid-19, chị lại liên tục nghĩ đến chuyện "muốn chết".

Nghĩ mình mắc đủ thứ bệnh

Từ khi sinh được con trai, chị Vũ Thảo Quyên (41 tuổi, Hà Nội) cứ nghĩ mình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, áp lực nhất của cuộc đời. Tuy nhiên, Covid-19 ập đến khiến cuộc sống của chị xuất hiện những diễn biến khó lường.

Chị Quyên là ca bệnh mà TS. BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương mới thăm khám giữa tháng 3 vừa qua.

Chia sẻ về ca bệnh trên, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu kể rằng, chị Quyên lấy chồng rồi lần lượt sinh ba cô con gái. Gia đình chị thuộc vào hàng khá giả nên anh chồng động viên chị sinh thêm lần nữa, những mong "nhà có nếp tẻ". Biết chồng khao khát một đứa con trai, gia đình bên chồng thì thường xuyên hỏi "bao giờ đẻ nữa", chị Quyên vô cùng áp lực.

Bà mẹ ở Hà Nội trầm cảm phải nhập viện tâm thần vì hậu Covid-19 - 1

Bác sĩ Hồng Thu tư vấn cho người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, động viên người bệnh hậu Covid-19 (Ảnh: Minh Hoàng)

Để chắc ăn, vợ chồng chị Quyên bỏ ra cả tỷ đồng dắt díu nhau sang Thái Lan kiếm "cậu ấm". Tuy nhiên, lần xuất ngoại tìm con trai ấy không đạt được kết quả như ý muốn.

Về nước, chị lựa chọn một bệnh viện trong nước để tư vấn và cuối cùng cũng sinh được một bé trai kháu khỉnh. Suốt 4 năm qua, chị Quyên nghỉ việc ở nhà, toàn tâm toàn ý lo cho 4 đứa con.

Dịch bệnh bùng phát, người giúp việc nhà chị Quyên sợ Covid-19 nên bỏ về quê. Chẳng thể thuê được người ưng ý, một mình xoay xở làm mọi việc nội trợ, giám sát các con học hành, chị Quyên luôn rơi vào tình trạng quá tải.

Suốt hơn 2 năm dùng đủ cách để phòng chống dịch bệnh nhưng cuối cùng, chị Quyên vẫn mắc Covid-19. Người phụ nữ này không khó để vượt qua giai đoạn F0 nhưng lại chật vật đối diện với tình trạng hậu Covid-19.

Theo bác sĩ Thu, suốt 1 tuần trước khi đến khám, nữ bệnh nhân này bị mất ngủ. Chị luôn cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, cáu gắt nhiều hơn, dễ khóc, mất tập trung, nhớ nhớ quên quên, hay suy nghĩ tiêu cực. Đặc biệt, chị thường xuyên cảm thấy hồi hộp, lo lắng, căng thẳng.

Tình trạng lo âu quá mức khiến chị Quyên không thể tiếp tục duy trì công việc thường ngày. Chị lo mình mắc đủ thứ bệnh nguy hiểm.

Chồng chị đã đưa vợ đi khám tổng quát, khám hậu Covid-19 về tim phổi, khám tầm soát ung thư, siêu âm chụp chiếu kỹ càng. Các kết quả cho thấy chị Quyên không mắc bệnh gì nghiêm trọng về thể chất.

Sau mỗi lần như vậy, chị lại ra về với đơn thuốc dày đặc các loại thực phẩm chức năng, viên uống tăng cường miễn dịch, vitamin, thảo dược...

Tiếc rằng, dù đã bỏ ra cả núi tiền đi tìm bệnh và mua thuốc bổ nhưng bệnh nhân này vẫn mất ngủ và thường xuyên có suy nghĩ bi quan, tiêu cực, tình hình sức khỏe không được cải thiện.

Bác sĩ Thu nhận định, chị Quyên phải chịu áp lực trong suốt 2 năm dịch bệnh. Những áp lực này chưa được hóa giải thì chị lại gặp các di chứng hậu Covid-19 dẫn tới rối loạn lo âu nặng.

Bà mẹ ở Hà Nội trầm cảm phải nhập viện tâm thần vì hậu Covid-19 - 2

Nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị sức khỏe tâm thần sau khi khỏi Covid-19 (Ảnh: Minh Hoàng)

Theo bác sĩ Thu, thời gian vừa qua, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân tới khám tâm thần sau khi mắc Covid-19. Chị Quyên chỉ là một trong số đó. Nhiều người trước đây sức khỏe bình thường, khi mắc Covid-19 triệu chứng cũng rất nhẹ, nhưng hậu Covid-19 lại phải đối diện với nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bác sĩ Thu kể, một bệnh nhân nữ 37 tuổi mà chị tư vấn chia sẻ rằng, khi bị Covid-19 chị này gần như không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, sau khi khỏi, chị thường xuyên cảm thấy khó ngủ.

Có hôm vào lúc gần sáng, chị cảm giác trong họng có đờm, khó thở, tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực, run lẩy bẩy, vã mồ hôi, mệt rũ rượi. Sáng hôm sau, chị vội vã đi bệnh viện thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn hoảng sợ hậu Covid-19.

Chỉ muốn tự tử sau khi trở thành F0

Bên cạnh những bệnh nhân mới chưa từng thăm khám sức khỏe tâm thần, thời gian qua, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu nhận thấy, số bệnh nhân có tiền sử trầm cảm, lo âu bị tăng nặng hậu Covid-19 khá nhiều.

Gần đây nhất, bác sĩ Thu khám cho bệnh nhân Đặng Thị Lam (44 tuổi). Cách đây 6 năm, chị này tự nhiên thấy buồn chán, mệt mỏi, dễ cáu gắt và mất hết những sở thích cũ, lơ đễnh hay quên, ăn ngủ kém.

Từ một phụ nữ hoạt bát, chị Lam rơi vào u uất, chậm chạp, không muốn làm bất cứ việc gì. Có thời điểm, chị đun một chảo dầu nóng định hất vào mặt với ý định tự tử. Nhưng trong giây phút, hình ảnh hai đứa con khiến chị bừng tỉnh.

Trong suốt thời gian trầm uất đó, chị Lam liên tục tra cứu trên mạng các cách tự sát. Chị từng suýt uống thuốc chuột. Một lần, chị bắt chước cách tự sát bằng một loại thuốc giảm đau, hạ sốt. Chị uống một lúc mấy chục viên nhưng may mắn không hề hấn gì, chỉ thấy ngứa ở gan bàn chân.

Gia đình biết chuyện đã đưa chị đi bệnh viện thăm khám. Chị được bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm và cho thuốc điều trị. Chị uống thuốc rất đều đặn hàng ngày trong nhiều năm nay.

Đầu tháng 3, chị Lam không may bị mắc Covid với các triệu chứng rất nhẹ, không ho, không sốt. Mặc dù đã âm tính và được chồng con chăm sóc, động viên ân cần nhưng lúc nào chị cũng cảm thấy tủi thân, buồn chán vô cớ, dễ cáu kỉnh, dễ khóc, có khi khóc nức nở thành cơn.  "Đặc biệt, bệnh nhân lại nghĩ đến cái chết và cảm thấy chán nản cuộc sống này", bác sĩ Thu kể.

Bà mẹ ở Hà Nội trầm cảm phải nhập viện tâm thần vì hậu Covid-19 - 3

Với nhiều bệnh nhân có tiền sử trầm cảm, những ảnh hưởng giai đoạn hậu Covid-19 khiến họ ngã gục (Ảnh: Minh Hoàng)

Tại bệnh viện, chia sẻ với PV Dân trí, anh Trần Văn Đoàn (41 tuổi, Hà Nội) cho hay, suốt hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát, anh gần như ở nhà vì không dám ra ngoài tiếp xúc với ai. Anh dành phần nhiều thời gian cập nhật tin tức về Covid-19, tìm hiểu các biện pháp phòng tránh, lo tới mất ăn mất ngủ khi thấy bản thân hay các thành viên trong nhà hắt hơi, sổ mũi.

Đề phòng là vậy nhưng đến tháng 2/2022, Covid-19 cũng không "buông tha" cho gia đình anh. Việc trở thành 1 F0 khiến anh Đoàn gần như "gục ngã".

Mối lo toan đè nặng lên người đàn ông vốn gầy gò chỉ hơn 40 kg này. Anh tưởng tượng ra mình mắc đủ thứ bệnh và yêu cầu vợ đưa đi khám, tầm soát rất nhiều chuyên khoa. Anh uống thuốc chống trầm cảm hàng ngày nhưng vẫn cảm thấy cơ thể kiệt sức, mệt mỏi tột độ.

Bà mẹ ở Hà Nội trầm cảm phải nhập viện tâm thần vì hậu Covid-19 - 4

Bệnh nhân có tiền sử trầm cảm càng dễ bị tổn thương giai đoạn hậu Covid-19 (Ảnh: Minh Hoàng)

Đến ngày 21/3, người đàn ông này gần như "nằm bẹp" một chỗ nên được vợ đưa vào Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương. Các bác sĩ yêu cầu anh nhập viện điều trị nội trú.

Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu cho biết, các bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 chủ yếu mắc các triệu chứng rối loạn lo âu, trầm cảm. Bệnh nhân thường rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, dễ cáu, khó kiểm soát cảm xúc.

Nhiều người có triệu chứng của bệnh cơ thể (đau đầu, đau mỏi người, khó thở, mất ngủ…) thường nghi ngờ bản thân mắc bệnh nặng. Khi đi khám, bác sĩ ghi là theo dõi bệnh này, bệnh kia để làm xét nghiệm tầm soát, bệnh nhân lại hiểu rằng mình đang mắc bệnh đó, nên quyết đi khám để tìm nguyên nhân, tìm ra tên gọi cho căn bệnh của mình.

Bà mẹ ở Hà Nội trầm cảm phải nhập viện tâm thần vì hậu Covid-19 - 5

Thời gian qua, bác sĩ Thu liên tục tiếp nhận các bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 (Ảnh: Minh Hoàng)

 Nhiều người vì né tránh sự kỳ thị về bệnh tâm thần nên nhất định không chịu khám sức khỏe tâm thần. Chỉ vì quan niệm sai lầm, cho rằng bệnh tâm thần chỉ đơn thuần là "mất trí", họ cố tình lờ đi các biểu hiện đáng nghi hoặc đi khám các chuyên khoa khác. Bởi vậy, mà làm phát sinh những thiệt hại không đáng có.

Bác sĩ Thu đưa ra lời khuyên, nhiều triệu chứng hậu Covid-19 liên quan đến tâm trạng lo âu cấp tính. Thay vì hoang mang đi tầm soát xét nghiệm quá nhiều, bệnh nhân nên chủ động khám sàng lọc sức khỏe tâm thần. Chẳng hạn huyết áp cao do căng thẳng mệt mỏi thì phải chú trọng ưu tiên thuốc giảm lo âu và liệu pháp tâm lý.

Những bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hậu Covid-19 cần tập hít thở sâu để giảm ngay các cơn căng thẳng lo lắng, kèm theo uống thuốc chuyên khoa phù hợp tùy mức độ. Chỉ có vậy, bệnh nhân mới nhanh chóng cân bằng tinh thần, tìm lại niềm vui sống.

* Tên các bệnh nhân đã được thay đổi