Đồng Tháp:

Anh nông dân chế máy đắp bờ khiến nhà nông "thích mê"

(Dân trí) - Tốt nghiệp cơ khí nhưng anh Đế về nhà làm ruộng. Sau nhiều lần thuê nhân công đắp bờ không được, anh Đế chế tạo thành công chiếc máy đắp bờ có công suất bằng 10 nhân công lao động, nhờ đó giúp anh và bà con giảm chi phí đáng kể trong khâu đắp bờ.

Tháp tùng cùng ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông vượt hơn 20km đến ngã năm kênh Hồng Kỳ, tìm tới mảnh ruộng nơi anh Nguyễn Văn Đế đang hướng dẫn nhân công điều khiển chiếc máy đào đất đắp bờ do anh mày mò, chế tạo thành công.

Quan sát chiếc máy của anh Đế chế tạo, so với chiếc máy của anh Giang sáng chế, tuy hai chiếc máy có hai công năng khác nhau, nhưng “mỗi máy một vẻ, mười phân vẹn mười”. Qua trao đổi, anh Đế vui vẻ cho biết: Giữa năm 2015, chiếc máy này được chế tạo hoàn thành và đưa vào sử dụng đạt hiệu qủa cao. Nhiều người nghe tiếng đã thuê tôi đưa máy vào đào đắp bờ vùng, bờ thửa…”

Do nhiều lần không thuê được nhân công, anh Nguyễn Văn Đế chế tạo ra bộ phận đắp bờ rồi gắn vào chiếc máy cày thực hiện nhiệm vụ đắp bờ rất hữu dụng
Do nhiều lần không thuê được nhân công, anh Nguyễn Văn Đế chế tạo ra bộ phận đắp bờ rồi gắn vào chiếc máy cày thực hiện "nhiệm vụ" đắp bờ rất hữu dụng

Tôi hỏi: “Vì sao mà anh lại chế tạo ra chiếc máy này ?” Anh Đế chia sẻ: “Học xong Trường Đại học kinh tế kỹ thuật Cửu Long chuyên ngành cơ khí nông nghiệp khóa học 1986 - 1991, tôi không xin việc làm mà ở nhà tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông để làm ruộng. Trong suốt thời gian canh tác lúa, vì “tức khí” do kêu nhân công không được và chi phí đầu tư cao, nên cuối năm 2014, tôi đã nghiên cứu, thiết kế và tự chế tạo ra một chiếc máy đắp bờ ruộng. Giữa năm 2015, chiếc máy hoàn thành và đưa vào sử dụng…”

Hệ thống đào đấp đắp bờ được anh Đế chế tạo được gắn vào phía sau chiếc máy cày. Khi vận hành, máy đào đất đắp bờ ruộng có chiều ngang 3 tấc, chiều cao từ 2 tấc rưởi đến 3 tấc. Bình quân mỗi giờ máy sẽ đào đất đắp bờ được từ 800 - 1.000m, tiêu tốn nhiên liệu khoảng 1 lít dầu, giá thuê đào đắp mỗi mét từ 500 - 600đồng.

Nhờ chiếc máy đắp bờ này, công việc làm ruộng của anh Đế và bà con nông dân thuận lợi và tiết kiệm được nhiều chi phí
Nhờ chiếc máy đắp bờ này, công việc làm ruộng của anh Đế và bà con nông dân thuận lợi và tiết kiệm được nhiều chi phí

Anh Đế bày tỏ: “Máy này gồm ba bộ phận chính là: cuốc mặt bờ, bộ phận thứ hai là đưa đất lên đắp bờ, bộ phận thứ ba là cán và ép bờ. Hiệu quả làm bằng máy so với bằng tay thì hiệu quả rất cao. Máy này có thể chạy đắp một ngày từ 4.000 đến 6.000m tới. Trong khi đó, nhân công làm tay thì khoảng trên 10 người làm mới có được như vậy. Giá thành nó cũng rẻ hơn so với làm bằng tay…”

Ông Bùi Văn Trích ở ấp 3, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã thuê máy anh Đế đào đất đắp bờ 17.000m2 ruộng lúa của mình. Ông Trích rất hài lòng với hiệu quả của chiếc máy do anh Đế chế tạo. Ông Trích cho biết: “Anh Đế làm được cái máy đắp bờ, tôi cũng thấy và kêu về đắp bờ cho tôi và làm cho bà con trong xóm; Nhìn bờ ruộng thẳng tắp, không lên cỏ, ai cũng đều thích, nhất là chi phí so ra với thuê người làm tay thì máy này nó có lợi và nhẹ tiền hơn nhiều lắm”

Bờ được đắp thẳng tắp, chi phí giảm cả chục lần nên bà con rất thích chiếc máy của anh Đế
Bờ được đắp thẳng tắp, chi phí giảm cả chục lần nên bà con rất thích chiếc máy của anh Đế

Để có được chiếc máy hoạt động hiệu quả thiết thực trên, anh Đế đã trải qua nhiều tháng ngày miệt mài thiết kế, hàn tiện, lắp ráp và đầu tư trên 20 triệu đồng mua vật tư, nguyên liệu. Hiện tại, anh Đế đã chế tạo được 2 dàn máy đào đất đắp bờ ruộng, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân. Anh Đế đang tiếp tục đầu tư sản xuất ra thêm nhiều máy để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Anh Đế đang đề nghị các ngành chức năng xem xét cấp bằng công nhận sáng chế chiếc máy trên.

Ông Phùng Công Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông bày tỏ: “Hiện nay, Hội Nông dân huyện Tam Nông đang hướng dẫn cho anh Đế các bước, các trình tự thủ tục để được đăng ký bản quyền sáng chế bộ phận đắp bờ của anh trong thời gian sớm nhất”.

Trọng Trung