10.000 đồng cho thuốc ARV – “khoản đầu tư siêu lợi nhuận” của Chính phủ

Hiện nay, ARV là loại thuốc hữu hiệu nhất để điều trị HIV/AIDS. Tuy nhiên đến năm 2017, khi tài trợ thuốc kết thúc, nguy cơ đại dịch AIDS bùng phát trong cộng đồng là rất lớn nếu nguồn tài chính cho thuốc ARV không được đảm bảo liên tục.

Từ khi trường hợp đầu tiên xuất hiện vào những năm cuối của thế kỷ 20, hội chứng suy giảm hệ miễn dịch mắc phải ở người (AIDS) đã nhanh chóng lan rộng và gieo rắc nỗi khiếp sợ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, châu Á. Năm 2000, lần đầu tiên trong lịch sử, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp về một vấn đề liên quan tới sức khỏe, y tế: Đại dịch AIDS. Trong con mắt của các nhà làm chính sách thế giới, HIV/AIDS không chỉ dừng lại ở một vấn đề sức khỏe mà đã trở thành một mối đe dọa thường trực tới an ninh toàn cầu.

Kể từ đó, các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm các biện pháp chữa trị cho bệnh nhân nhiễm HIV cũng như phòng chống đại dịch AIDS lây lan. Cho tới nay, biện pháp hữu hiệu được nhiều quốc gia áp dụng là thuốc kháng vi-rút (thuốc ARV).

Nhiều loại thuốc ARV đã được cấp phát, sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay, mang lại hiệu quả tích cực trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng.
Nhiều loại thuốc ARV đã được cấp phát, sử dụng rộng rãi tại Việt Nam từ năm 2005 đến nay, mang lại hiệu quả tích cực trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của HIV/AIDS trong cộng đồng.

ARV – Loại thuốc “uống một bổ mười”

ARV (viết tắt của cụm từ Antiretroviral) là những thuốc có tác dụng làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể người. Ngay từ những năm 1990, ARV đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong việc điều trị cho người nhiễm HIV. Tại Việt Nam, thuốc được áp dụng rộng rãi từ năm 2005 và nhanh chóng đem lại nhiều hiệu quả.

Khi có chỉ định điều trị, người nhiễm HIV/AIDS cần được sử dụng thuốc ARV hàng ngày, liên tục cả đời và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu tuân thủ điều trị và cơ thể đáp ứng thuốc tốt, ARV sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong, giảm lây truyền HIV sang người khác bao gồm cả lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, người nhiễm HIV không phải nằm viện điều trị, giúp giảm các chi phí điều trị tại bệnh viện. Họ có khả năng phục hồi khả năng lao động, làm việc bình thường như những người khoẻ mạnh không nhiễm HIV, giúp tăng chất lượng cuộc sống của bản thân người nhiễm và gia đình, đóng góp cho xã hội.

Chi phí mua thuốc ARV – chỉ 10.000 đồng/ngày

Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV thực sự mang lại nhiều lợi ích cho bản thân người nhiễm HIV và cho cộng đồng. Ưu điểm nổi bật của thuốc ARV là chi phí mua thuốc điều trị cho một người nhiễm HIV chỉ khoảng 10.000 đồng/ngày.

Con số này rất thấp nếu so sánh với chi phí điều trị cho các trường hợp nhiễm HIV mắc bệnh cơ hội như lao, phổi, viêm gan… Điển hình như bệnh nhân mắc lao, chi phí trung bình chiếm tới 50.000 đồng cho một ngày điều trị. Con số này sẽ còn tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân không có bảo hiểm hay điều trị muộn khi bệnh tình đã nặng.

Trong khi đó, ARV giúp giảm hẳn nguy cơ mắc các bệnh cơ hội như lao ở người nhiễm HIV, đồng thời giảm thiểu khả năng lây lan giúp giảm số bệnh nhân nhiễm mới. Duy trì việc điều trị liên tục bằng thuốc ARV còn giảm thiểu được nguy cơ vi-rút đột biến và kháng lại thuốc ARV.

Chỉ với 10.000 đồng/ngày tiền thuốc ARV cho một người nhiễm HIV sẽ giúp gánh nặng chi phí của nhà nước cho việc điều trị bênh với người nhiễm HIV mới, chi phí điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, chi phí cho phác đồ điều trị bằng ARV bậc cao tốn kém gấp 5-10 lần…

Nói cách khác, 10.000 đồng cho thuốc ARV được ví như khoản đầu tư “siêu lợi nhuận” của Chính phủ.

Cam kết quốc tế của Chính phủ về phòng, chống HIV/AIDS

Có một sự thật là 95% kinh phí cho thuốc ARV tại Việt Nam từ trước tới nay tới từ nguồn tài trợ quốc tế. Tính tới năm tháng 6/2015, cả nước có khoảng 96.000 người đang điều trị ARV, trong đó có gần 5000 trẻ em. Tuy nhiên, một vấn đề cần tính toán là các nguồn tài trợ đang dần rút đi và tiến tới kết thúc hoàn toàn vào hết năm 2017.

Điều đó cũng có nghĩa là nếu Chính phủ không hành động kịp thời thì từ năm 2018, người nhiễm HIV – phần lớn thu nhập thấp, có tiền sử nghiện chích ma túy, mại dâm và không đủ khả năng tự chi trả số tiền 10.000 đồng/ngày tiền thuốc (tương đương 300.000 đồng/tháng) – sẽ không còn được cấp thuốc ARV miễn phí để phục vụ điều trị. Nguy cơ tử vong ở người nhiễm HIV sẽ tăng cao, đồng thời nguy cơ bùng phát dịch HIV/AIDS sẽ gia tăng và trở nên khó kiểm soát.

Ngày 25/10/2014, Việt Nam đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng mục tiêu 90 – 90 – 90 lo Liên hợp quốc khởi xướng, hướng tới kết thúc đại dịch AIDS ở Việt Nam. Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hưởng ứng mục tiêu này, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 có 90%  số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức rất thấp và ổn định.

Trước thách thức đặt ra, Chính phủ cần có giải pháp nhằm đảm bảo cho việc điều trị HIV bằng thuốc ARV được bền vững, ổn định, trước hết là nhằm bảo vệ tính mạng cho những người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng, đồng thời hướng đến hoàn thành cam kết quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS, giúp nâng cao vị thế và hình ảnh một Việt Nam tích cực, có trách nhiệm trong mắt bạn bè thế giới. Nếu đạt được các mục tiêu 90 – 90 – 90 thì đó là bước tiến lớn để Việt Nam kết thúc AIDS vào năm 2030.

Việt Anh