Thừa Thiên Huế:

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa

(Dân trí) - Ngày 7/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi lợi nhuận, Fulda, Đức (GEKE) đã tổ chức Lễ bàn giao Cổng, Bình phong, Non bộ tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế.

 

Điện Phụng Tiên là một trong năm miếu/điện quan trọng của triều Nguyễn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), có diện tích khá rộng và quy mô. Đây là nơi thờ tự các Vua và Hoàng hậu của triều Nguyễn (từ vua Gia Long đến vua Khải Định), là nơi nữ giới trong Hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hàng ngày.

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 1.

Điện Phụng Tiên gồm cổng, bình phong, non bộ, bể cạn được bảo tồn và phục hồi như xưa

 

Điện gồm có 5 công trình chính là Chính điện, Đông Tây Phối điện, Tả Hữu Tòng Viện. Lối vào Điện nổi bật với hệ thống kiến trúc tinh xảo như cổng, bình phong, bể cạn-non bộ… Trải qua hơn 180 năm, Điện Phụng Tiên đã được tu bổ nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử.

Trong thời kỳ chiến tranh, vào tháng 2/1947, công trình này đã bị hủy hoại hoàn toàn, chỉ còn lại hệ thống tường thành, cổng chính, bình phong, non bộ, bể cạn, năm cổng nhỏ phía bắc và bình phong phía sau của Điện nhưng trong tình trạng hư hại nhiều làm mất đi giá trị thẩm mỹ vốn có. Điều này đã làm giảm đáng kể giá trị nghệ thuật của toàn bộ công trình và sự hoang phế qua nhiều năm đã đe dọa các cấu trúc còn lại của điện.

Để bảo tồn những vết tích còn lại cũng như phục hồi các giá trị vật thể và phi vật thể của công trình này, ngày 29/9/2017 dự án hợp tác kể trên đã chính thức được thực hiện và kết thúc thành công vào ngày 31/12/2018 thông qua 2 giai đoạn với tổng ngân sách gần 4,3 tỷ đồng.

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 2.

Kỹ thuật vẽ fresco với nguyên tắc trung thành với nước màu ban đầu, vẽ trên nền vữa vôi còn ẩm ướt xưa dưới sự chia sẻ kinh nghiệm của bà Andrea Teufel, một chuyên gia bảo tồn có nhiều năm gắn bó với di tích Huế

 

Sau dự án, các công trình Cổng, Bình Phong, Non bộ, Bể cạn đã được bảo tồn và phục hồi hoàn chỉnh với những hoa văn, họa tiết tinh tế bằng “kỹ thuật vẽ fresco” (kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi còn ẩm ướt xưa) duới sự quản lý, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm của bà Andrea Teufel-chuyên gia bảo tồn GEKE cùng với các kỹ sư, kiến trúc sư, thợ nề, nghệ nhân của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Một thành công lớn của dự án là phát triển và áp dụng phương pháp mới để bảo tồn và phục hồi chân xác, thông qua việc sử dụng kỹ thuật nguyên bản trong xây dựng vữa màu và vẽ fresco. Các phương pháp can thiệp đã mang lại một cơ sở lý thuyết cơ bản, có thể được tham khảo để so sánh với các phương pháp phục hồi di tích. Đặc biệt, kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi tươi, lần đầu được sử dụng trong công tác bảo tồn và phục hồi, sẽ mang lại những lợi ích lớn cho các hoạt động bảo tồn sau này.

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 3.

Cổng điện Phụng Tiên

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 4.

Cổng trước lúc được phục hồi

 

Dự án thành công không những góp phần tôn tạo cảnh quan và không gian di sản hoàn chỉnh trong Quần thể Di tích Cô đô Huế, tạo ra một điểm nhấn mới thu hút khách tham quan mà còn đào tạo một đội ngũ kế cận am hiểu kỹ thuật bảo tồn, phục hồi truyền thống - kỹ thuật fresco.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế cho biết: “Thành công của dự án này tiếp tục khẳng định tình hữu nghị hợp tác phát triển bền chặt giữa hai nước Việt Nam và CHLB Đức nói chung và giữa Tỉnh TT-Huế và ĐSQ CHLB Đức nói riêng cũng như sự gắn kết giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tổ chức Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi lợi nhuận Fulda, Đức trong việc bảo tồn, phục hồi trang trí nội – ngoại thất các công trình kiến trúc, cung điện tại Quần thể Di tích.”

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 5.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát biểu

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 6.

Buổi lễ có sự tham dự của nhiều Bộ, Ban ngành quan trọng

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 7.

Cắt băng tại lễ bàn giao

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 8.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tham dự các hoạt động tại buổi lễ

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 9.

Đoàn đi mục sở thị hệ non bộ và bể cạn

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 10.

Những hoa văn, họa tiết xưa vẫn được giữ lại nguyên vẹn

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 11.

1 du khách Tây thích thú chụp ảnh lại bức bình phong lớn của điện Phụng Tiên

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 12.

Bức bình phong lúc xưa với nhiều cây cổ thụ mọc chen lấn

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 13.

Nóc trên cổng điện Phụng Tiên

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 14.

Bức tranh đắp nổi chim và sóc đang chơi đùa trên cây hoa

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 15.

Ông Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức (mặc áo dài) - đại diện nhà tài trợ từ Đức trò chuyện với các lãnh đạo

 

Phục hồi điện Phụng Tiên bằng kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi xưa - Ảnh 16.

Các khánh treo trên bộ mái cá hóa rồng và hoa văn đẹp mắt trên điện Phụng Tiên - ngôi điện có tuổi đời đúng 190 năm (1829-2019)

 

Bạch Châu – Đại Dương