Lời hẹn hai năm của… áo dài

(Dân trí) - Trong một lần cách đây khoảng 2 năm, họa sĩ Sĩ Hoàng đã sững sờ và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp những chiếc áo dài kỷ vật được bà Vi Kim Ngọc lưu giữ trong bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.

​Lời hẹn hai năm của… áo dài

Nhân kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2017, kỉ niệm Ngày Di Sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2017, bảo tàng Áo dài của họa sĩ Sĩ Hoàng phối hợp với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) tổ chức triển lãm: “Áo dài và câu chuyện một cuộc đời”.

“Hai bức ảnh bố mẹ tôi chụp ngày cưới, một bức mặc áo dài hôm đón dâu, một bức mặc ngày nhị hỷ, tức ngày lại mặt theo phong tục của người Hà Nội thời đó, đã ngay lập tức cuốn hút nhà thiết kế Sĩ Hoàng và ông ngỏ ý muốn có cuộc trưng bày tại Bảo tàng Áo dài”, bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu, con gái thứ của cố GS Nguyễn Văn Huyên kể lại lý do vì sao có cuộc triển lãm tại TPHCM.

Triển lãm đặc biệt này nói về cuộc đời của bà Vi Kim Ngọc, phu nhân GS Nguyễn Văn Huyên, cố Bộ trưởng Bộ Giáo Dục (1946 - 1975). Bà Vi Kim Ngọc là một phụ nữ xinh đẹp, suốt một đời gắn bó với chiếc áo dài Việt Nam.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên không thiên chủ đề áo dài, nội dung chính nói về cuộc đời và sự nghiệp của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Hai bảo tàng kết hợp được với nhau khi tình yêu dành cho chiếc áo dài của một người họa sĩ bắt gặp phẩm chất cao đẹp của một người phụ nữ luôn trân trọng tà áo dài, đứng sau chồng trong trang phục truyền thống mỗi khi giao lưu cùng bạn bè quốc tế.

PGS-TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu (ngồi giữa) đang giao lưu cùng đại diện Bào tàng Áo dài và các bạn sinh viên về cuộc đời của mẹ mình, bà Vi Kim Ngọc
PGS-TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu (ngồi giữa) đang giao lưu cùng đại diện Bào tàng Áo dài và các bạn sinh viên về cuộc đời của mẹ mình, bà Vi Kim Ngọc

Triển lãm gồm 78 hình ảnh khắc họa chân dung của một phụ nữ Việt Nam tiêu biểu với đầy đủ phẩm chất “Công, dung, ngôn, hạnh”, đã là chỗ dựa âm thầm mà vững chắc cho GS Nguyễn Văn Huyên yên tâm công tác, hoạt động phục vụ cách mạng.

Bà Nữ Hiếu bên chiếc áo dài mẹ đã tặng cho bà
Bà Nữ Hiếu bên chiếc áo dài mẹ đã tặng cho bà
Chân dung thời trẻ của bà Vi Kim Ngọc
Chân dung thời trẻ của bà Vi Kim Ngọc
Bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu bên bức ảnh cưới của bố mẹ
Bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu bên bức ảnh cưới của bố mẹ

Theo lời của ông Nguyễn Văn Huy, nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, con trai của cố GS Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc: “1936 bố mẹ tôi cưới. Khi rước dâu, mẹ tôi mặc loại trang phục mốt nhất thời đó, đầu đội khăn vành Tây, áo cưới kiểu Nam Phương hoàng hậu. Bố tôi mặc áo dài gấm, khăn xếp. Thời đó khi xã hội chuộng văn hóa phương Tây thì bố mẹ tôi chọn trang phục cưới truyền thống”.

Cô dâu trong trang phục mang phong cách Nam Phương hoàng hậu thì các phù dâu cũng đều mặc áo dài trắng tân thời
Cô dâu trong trang phục mang phong cách Nam Phương hoàng hậu thì các phù dâu cũng đều mặc áo dài trắng tân thời

Bà Hiếu xúc động: “Mẹ chúng tôi đã trải qua 72 mùa xuân, đó cũng là 72 năm mẹ tôi đã chứng kiến, trải nghiệm những năm tháng lịch sử đặc biệt của đất nước, trong đó 30 năm sống trong xã hội thực dân, thuộc địa, 40 năm trải qua 3 cuộc chiến tranh và cả thời bao cấp”.

Suốt từ năm 1955- 1975, với vài trò phu nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà Vi Kim Ngọc thường cùng chồng dự các buổi chiêu đãi long trọng của nhà nước, bà luôn xuất hiện với trang phục áo dài không chỉ vì thích mà còn là thể diện quốc gia.

Bà Vi Kim Ngọc trong trang phục áo dài cùng các vị phu nhân của nước Nga
Bà Vi Kim Ngọc trong trang phục áo dài cùng các vị phu nhân của nước Nga
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và vợ Vi Kim Ngọc. Tấm ảnh chụp tháng 8/1975 ở Liên Xô trước khi sang Đức làm phẫu thuật. Ông ra đi vào ngày 19/10/1975 khi vẫn còn đang tại vị Bộ trưởng Bộ giáo dục
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên và vợ Vi Kim Ngọc. Tấm ảnh chụp tháng 8/1975 ở Liên Xô trước khi sang Đức làm phẫu thuật. Ông ra đi vào ngày 19/10/1975 khi vẫn còn đang tại vị Bộ trưởng Bộ giáo dục
Ngoài xóa mù chữ, tổ chức lớp học trong kháng chiến, đào tạo giáo viên, ông còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ học đường, nâng cao dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi, phát triển sử học và quốc văn vì đó là những lợi khí rèn tinh thần, tư tưởng dân tộc
Ngoài xóa mù chữ, tổ chức lớp học trong kháng chiến, đào tạo giáo viên, ông còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ học đường, nâng cao dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi, phát triển sử học và quốc văn vì đó là những lợi khí rèn tinh thần, tư tưởng dân tộc

Trong mắt các con, trong vai trò hậu phương cho chồng, bà Vi Kim Ngọc luôn thể hiện tà áo dài không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là “thể diện quốc gia”. Có lúc bà còn giáo dục các con về phẩm chất của người phụ nữ Việt khi cắt một phần chiếc áo dài quý giá để may đồ cho con.

Phạm Nguyễn