Hoạ sỹ Lê Thiết Cương: “Đinh Công Đạt là người lung tung, vô tô chức…”

(Dân trí) - Đó là nhận xét của hoạ sỹ Lê Thiết Cương về người bạn của mình là nhà điêu khắc Đinh Công Đạt khi cả hai cùng thực hiện cuộc triển lãm chung có tên “Múa đôi” sẽ diễn ra từ 10 đến 13/5 tại 59A Lý Thái Tổ - Hà Nội.

Trong giới hội hoạ, Lê Thiết Cương là một cái tên gắn với những design tối giản. Còn Đinh Công Đạt lại được xem như một người “phiên dịch” của những điêu khác theo chủ nghĩa tối đa. Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt thích chuyển ngữ những đồ vật có sẵn, những đồ vật đã dùng, những đồ vật cũ - cổ để biến chúng thành những tác phẩm thiết kế, thành cái mới. Sự kết hợp của hai quan điểm sáng tạo nghệ thuật khác biệt trong triển lãm lần này tựa như một cuộc đối thoại.

Hoạ sỹ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt tron buổi ra mắt triển lãm Múa đôi. Ảnh: HTL.
Hoạ sỹ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt tron buổi ra mắt triển lãm "Múa đôi". Ảnh: HTL.

Các hiện vật trưng bày do bàn tay sáng tạo của hoạ sỹ Lê Thiết Cương với nhà điêu khắc Đinh Công Đạt sẽ mang đến cho người xem cảm giác thú vị. Những món đồ sắp đặt cạnh nhau tựa như một sự đối thoại và mỗi món đồ sẽ kể một câu chuyện khác nhau. Chính vì lý do đấy mà hai nghệ sỹ quyết định chọn tên của triển lãm là “Múa đôi”.

Hoạ sỹ Lê Thiết Cương trong buổi họp báo ra mắt triển lãm rằng: “Nếu bày những món đồ này một mình thì không nói nhưng nếu tìm được người để cùng bày chung thì quả là không dễ. Tôi là người vô cùng tối giản. Tôi làm bất kỳ cái gì cũng phải tối giản. Từ điêu khắc, thiết kế, hội hoạ, chụp ảnh, viết báo, làm gốm… cũng đều tối giản. Tôi lại gặp phải Đinh Công Đạt là người theo chủ nghĩa tối đa. Ông này vô cùng rối rắm, cầu kỳ, phức tạp…”.

Nhà điều khắc Định Công Đạt cũng bày tỏ: “Nếu Lê Thiết Cương thiết kế bìa sách, gốm, điêu khắc… thì tôi cũng làm thiết kế sân khấu, trang trí cửa hàng hàng chục năm qua. Với tôi, Lê Thiết Cương là một tay hoạ sỹ khó tính, đanh đá và rất chính xác. Khi tôi làm việc với Cương, hứa với Cương đến ngày ấy, giờ ấy… thì tôi dù có bận đến mấy cũng phải hoàn thành công việc, không lem nhem được”.

Nhà thiết kế Đinh Công Đạt với những tác phẩm của mình ở bãi đất sông Hồng.
Nhà thiết kế Đinh Công Đạt với những tác phẩm của mình ở bãi đất sông Hồng.

Hoạ sỹ Lê Thiết Cương “đỡ lời” rằng: “Cũng phải chấp nhận thôi vì tác phẩm chính là con người. Người nào văn ấy, người nào tranh ấy, người nào design ấy. Ông Đạt là người không bao giờ chính xác, là người lung tung, vô tô chức, vô kỷ luật… Tôi thì không thể như thế được. Tôi đã hẹn ai 7h kém 5 là đúng 7h kém 5 tôi đã có mặt ở đó rồi. Tôi không thể sống khác được. Tôi là người tương phản với ông Đạt. Nhưng mà thôi. Tất cả những tính cách ấy cũng chỉ là phương tiện để biểu đạt mục đích trong tác phẩm. Vì thế, nếu người xem đến triển lãm sẽ thấy hai ông na ná nhau”.

Theo hai nghệ sỹ, điểm nổi bật trong triển lãm này là một sự tôn trọng chất liệu truyền thống rõ nét. Ngôn ngữ thể hiện của Lê Thiết Cương thường rất hiện đại nhưng trong những tác phẩm của mình ở triển lãm lần này, nam hoạ sỹ đã dùng gốm cổ nhất của vùng Bát Tràng, sơn mài của Phú Xuyên.

Và từ triển lãm này, người xem có thể dấy lên một niềm tự hào, kiêu hãnh về những làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, những tinh hoa mà cha ông đã để lại. Và nếu được cộng thêm tính sáng tạo đầy thẩm mỹ của người hoạ sỹ thì sẽ nâng những đồ vật lên một tầm cao mới, có giá trị rất đặc biệt.

Hoạ sỹ Lê Thiết Cương: “Đinh Công Đạt là người lung tung, vô tô chức…” - 3
Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm.
Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm.

Tác phẩm design của hoạ sỹ Lê Thiết Cương trong triển làm lần này gồm: ghế sắt (trích trong bộ sưu tập 49 chiếc ghế sắc son màu anh thực hiện năm 2001) - bộ ghế này là định nghĩa của nam hoạ sỹ về design, sự hoàn hảo của những tỉ lệ đẹp; bộ bình sơn mài trên gốm (trong đó có chiếc bình Hạt gạo được giải thưởng Good Design Award - Asean Design Selection 2003), bình độc bản, lấy dáng từ hoa quả (ngoài hạt gạo còn có quả cau, quả nhót, quả đu đủ…) và cảm hứng từ nghề tuyền thống của hai làng nghề cổ Bát Tràng và sơn mài Phú Xuyên.

Vào 14h ngày 11/5, hai nghệ sỹ sẽ có buổi nói chuyện Artist talk với chủ đề “Design Thinking” tại địa điểm đang trưng bày triển lãm.

Hà Tùng Long