Dưới thời vua Gia Long, Hoàng Sa – Trường Sa đã thuộc Việt Nam

(Dân trí) - Sáng 19/1 tại Thế Tổ Miếu (Đại Nội Huế) đã diễn ra lễ giỗ lần thứ 194 của vua Gia Long và kỷ niệm 210 năm quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên chính thức được sử dụng.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Thế Tổ Cao hoàng đế niên hiệu Gia Long tên thật là Nguyễn Phúc Ánh sinh ngày 8 tháng 2 năm 1762, mất ngày 3 tháng 2 năm 1820, là vị chúa Nguyễn thứ 10 cũng là vị hoàng đế đầu tiên của vương triều Nguyễn, người đã thống nhất toàn cõi Việt Nam sau hơn 200 năm đất nước bị chia cắt, phân liệt.

Dưới thời vua Gia Long, lãnh thổ nước Việt Nam rộng lớn hơn bao giờ hết, trải dài từ biên giới Trung Quốc đến vịnh Thái Lan, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng dưới thời vua Gia Long, quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên chính thức được sử dụng vào năm 1804.

Nhắc đến vua Gia Long, người ta nghĩ ngay đến những chiến tích oai hùng của một chiến tướng thân trải trăm trận với tài năng quân sự đã được lịch sử công nhận. Một vị tướng thống lĩnh quân đội năm mới 17 tuổi, có thể điều binh khiển tướng bằng nghệ thuật quân sự dày dặn; có thể thu phục nhân tâm bằng khí độ bao dung, bằng tầm nhìn xa rộng; có thể tổ chức gây dựng một lực lượng hùng hậu quy mô và rất khoa học để mưu cầu khôi phục cơ đồ của tổ tiên.

Chân dung vua Gia Long trong án thờ ở Thế Miếu

Chân dung vua Gia Long trong án thờ ở Thế Miếu

Vua đã bao lần bị truy đuổi phải chạy đến những hoang đảo xa, hay lưu vong nước ngoài, cạn kiệt lương thảo, quân không một người… tính mạng bao lần như bị lâm nguy nhưng vua đã vượt qua tất cả. Sau khi thiết đặt triều đại, với quốc hiệu Việt Nam (1804), vua Gia Long đã áp dụng chính sách khoan hòa, cởi mở trong trị vì, khiến cho một đất nước vừa kinh qua chiến tranh nồi da xáo thịt gần 200 năm, đã nhanh chóng trở nên trù phú thịnh vượng, thành một quốc gia hùng cường ở khu vực Đông Nam Á.

“Thấu được đạo lý để an dân không gì bằng phát triển đời sống kinh tế và giáo hóa đạo đức; đồng thời cũng nhìn thấy việc tổ chức một nền chính trị không quá hà khắc là cần thiết, nhà vua đã tổ chức chính sự thật qui củ, sưu thuế nhẹ nhàng, quân kỹ nghiêm minh, lấy an cư lạc nghiệp của dân làm gốc, dùng đãi sĩ chiêu hiền làm trọng. Nhờ vậy, đã qui tụ được hiền tài hào kiệt bốn phương cùng nhau xây dựng một thể chế chính quyền độc lập tự chủ và hùng mạnh về mọi mặt.

Toàn cảnh lễ giỗ vua Gia Long và kỷ niệm 210 năm quốc hiệu Việt Nam

Toàn cảnh lễ giỗ vua Gia Long và kỷ niệm 210 năm quốc hiệu Việt Nam

Đặc biệt, với tầm nhìn thấu suốt về vị trí, vai trò vô cùng quan trọng của biển đảo đối với việc giữ gìn và phát triển đất nước, vua Gia Long đã không ngừng tuyên bố và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời chăm lo xây dựng lực lượng hải quân và các tuyến phòng thủ ven biển, nhưng mặt khác vẫn tích cực phát triển ngoại giao và thương mại trên biển. Vì vậy, nước Việt Nam đầu thời Nguyễn là một quốc gia hùng cường và có uy tín ở khu vực.

Vua Gia Long cũng là người cho quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế trên nền tảng của văn hóa truyền thống có kết hợp khéo léo với các yếu tố văn minh phương Tây, tạo nên một “kiệt tác về thơ kiến trúc đô thị” mà ngày nay đã được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới” – TS. Phan Thanh Hải cho hay.

Với tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, ngày giỗ 194 của vua Gia Long và kỷ niệm 210 năm quốc hiệu Việt Nam chính thức được thành lập đã được tổ chức trang nghiêm, long trọng. Sau phần nghi lễ với chiêng trống, dàn Đại Nhạc là phần phát biểu của lãnh đạo Trung tâm bảo tồn, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc và phần dâng hương lên án thờ vua.

Dưới đây là một số hình ảnh từ buổi lễ:

TS.Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đọc giới thiệu về vua Gia Long

TS.Phan Thanh Hải, GĐ Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đọc giới thiệu về vua Gia Long
Án cúng ngoài trời

Án cúng ngoài trời
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kính cẩn trong áo dài khăn đóng làm lễ lạy tạ vua

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kính cẩn trong áo dài khăn đóng làm lễ lạy tạ vua
Lễ vật ở án thờ vua Gia Long trong Thế Miếu

Lễ vật ở án thờ vua Gia Long trong Thế Miếu
Lễ vật ở án thờ vua Gia Long trong Thế Miếu

Lễ vật ở bàn sau án thờ, đoạn gần các bài vị của vua và 2 người vợ Thuận Thiên - Thừa Thiên Hoàng hậu
Lạy tạ vua trong Thế Miếu

Lạy tạ vua trong Thế Miếu
Lạy tạ vua trong Thế Miếu
Cao đỉnh - Đỉnh đồng tương ứng với vị trí thờ vua Gia Long trong Thế Miếu. Trên đỉnh này có khắc hình nhiều sự tích gắn với cuộc đời thăng trầm vua, và khắc hình biển Đông với Hoàng Sa, Trường Sa

Đại Dương