Có tác phẩm “Hay” là có tất cả

(Dân trí) – 55 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, đến nay Hội nhà văn Việt Nam đã có 5 thế hệ nhà văn nối tiếp nhau gánh vác sứ mệnh “người thư kí trung thành của thời đại”.

Trong lời phát biểu nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập hội nhà văn Việt Nam (1957 – 2012), chủ tịch hội nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Thật vinh hạnh cho chúng ta khi được quây quần bên những cây đại thụ tỏa bóng mát trên cả hai thế kỷ, năm thế hệ thể hiện sự tiếp nối tốt đẹp, vừa mang tính chất đạo lý, vừa thể hiện được tình nghĩa của các thành viên trong đại gia đình văn học”.

 Hội nhà văn VN tặng hoa cho các nhà văn lão thành cách mạng
 Hội nhà văn VN tặng hoa cho các nhà văn lão thành cách mạng

Hơn nửa thế kỉ phát triển và trưởng thành, Hội nhà văn Việt Nam đã có những bước phát triển, nền văn học của chúng ta đứng trước nhiều chuyển biến lớn: từ một nền văn học trong chiến tranh trở thành nền văn học hiện đại, đóng góp vào việc bồi dưỡng con người, bồi dưỡng tố chất của văn hóa Việt Nam. Đó là một nền văn học giàu lòng yêu nước, cách mạng, thấm nhuần tư tưởng nhân văn, dân chủ xứng đáng là bộ phận nòng cốt của nền văn hóa mới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: “trải qua 55 năm chúng ta cũng rút ra được biết bao bài học quý giá về xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động của Hội. Đó là một công việc mới mẻ, vô cùng tinh tế và khổ công, bởi nó có lắm đặc thù. Và bởi nữa là nó chưa từng có kiểu mẫu tiền lệ. Nhưng các nhà văn chúng ta, tuân theo di chúc của Nguyễn Du "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" đã cùng nhau gắn bó trong tình nghĩa đồng nghiệp, yêu quý, trân trọng nhau, chấp nhận và chịu đựng lẫn nhau, và luôn luôn tự kiềm chế, để chung tay xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam xứng đáng với những gì mà nhân dân trông đợi.
 
Thế hệ các nhà văn đầu tiên của Việt Nam
Thế hệ các nhà văn đầu tiên của Việt Nam
 
 
Chia sẻ với Dân trí, giáo sư Trần Đình Sử cho biết, trải qua bao biến động, thăng trầm cùng dân tộc, Hội nhà văn Việt Nam luôn có những đóng góp to lớn không chỉ đối với văn học mà còn với văn hóa nước nhà. Các nhà văn, nhà thơ đã làm nên tiếng nói của dân tộc và đất nước, đó là một điều rất đáng tự hào.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị, thường trực Ban bí thư chia sẻ: “Kế thừa truyền thống tốt đẹp trước, qua hơn nửa thế kỷ hoạt động, Hội thực sự là nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ, bồi dưỡng tài năng, cống hiến cho đất nước nhiều tác phẩm có giá trị, hình thành nền văn học yêu nước, cách mạng, giàu chất nhân văn, có tác dụng sâu sắc xây dựng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam và nền văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”.

 
Thiên Lam