Biến di sản văn hóa ẩm thực thành "tài sản quốc gia"

Với phương châm biến di sản văn hóa ẩm thực thành tài sản quốc gia, không để nó thành di tích rồi phế tích, ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Vietravel, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đã nêu lên những giải pháp mang lại giá trị cho ẩm thực Việt.

Biến di sản văn hóa ẩm thực thành tài sản quốc gia

Phương châm hoạt động của Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam là gì?

Cái gì là tài sản thì chúng ta phải giữ gìn, phát huy ngay. Đã là tài sản của mình thì phải giữ gìn, bảo quản, phát triển… giá trị của nó.

Trà đạo theo phong cách… Việt Nam
Trà đạo theo phong cách… Việt Nam

Thế nhưng vấn đề đặt ra là gì, chính là thực trạng hiện nay còn nhiều giá trị văn hóa ẩm thực nằm hòa lẫn trong cuộc sống của người dân.

Chính vì điều này, chúng tôi xem đây là di sản của quốc gia. Di sản này được tạo nên từ nhiều thế hệ tiếp nối, kế thừa.

Nhiệm vụ của chúng ta làm sao, làm thế nào chuyển hóa di sản đó thành tài sản.

Còn nếu không tìm kiếm, lưu giữ, phát huy thì di sản đó có nguy cơ trở thành di tích. Mà đã thành di tích thì một ngày nào đó sẽ trở thành phế tích.

Rất nhiều giá trị văn hóa của chúng ta đang từng ngày, từng giờ mất đi do không phát hiện kịp thời, không gìn giữ…

Giá trị ẩm thực Việt cần được gìn giữ, phát huy
Giá trị ẩm thực Việt cần được gìn giữ, phát huy

Với quan điểm của chúng tôi, đó không phải là con đường đi của di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam. Từ phế tích phải nâng lên thành di tích, từ di tích chuyển lên thành di sản, từ di sản chúng ta phải biến hóa nó thành tài sản mang tầm quốc gia.

Đây chính là nhận thức của chúng tôi về giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam!

Làm thế nào để lấy lại sự cân bằng về giá trị của ẩm thực Việt và các nền ẩm thực khác?

Chúng ta hãy hình dung, một món ăn Việt bán bao nhiêu tiền, một món ăn Nhật bán bao nhiêu tiền. Bước vào quán ăn người Việt chúng ta có thể thấy chi phí món ăn của chúng ta rẻ hơn rất nhiều so với chi phí những món ăn khác.

Điều này có một cái gì đó hơi vô lý mà chúng ta hay nói là “có cái gì đó sai sai!”.

Chúng ta phải đưa những giá trị vào đó như: Hình thức, bao bì, nhãn mác, cách thức sử dụng, không gian thưởng thức, không gian kết nối, tương tác khác biệt… thì sẽ tạo nên giá trị cho món ăn.

Không gian, cách thức thưởng thức… là những yếu tố nâng tầm giá trị của mỗi món ăn, thức uống
Không gian, cách thức thưởng thức… là những yếu tố nâng tầm giá trị của mỗi món ăn, thức uống

Không chỉ là đến để ăn và uống mà còn phải là cách thức ăn, cách thức uống, cách thức thưởng thức. Ly rượu vang uống ực một lần khác với từng ngụm một. Mỗi món ăn, mỗi loại thức uống khác nhau, tất cả tạo nên một hình thái văn hóa.

Một bát riêu cua rất ngon bán lề đường khác với một bát riêu cua bán trong một khung cảnh nhà hàng Việt. Một ví dụ khác, các món Huế như: bánh bèo, nậm, lọc… dường như bây giờ chế biến như nhau. Nhưng, hiện nay tại thành phố, có những chỗ bán rất đắt mà lại rất nổi tiếng, nhiều người đến ăn, chẳng phàn nàn gì về giá cả.

Và đến những nơi như thế như một sự khẳng định: “Tôi đã ăn món này, ở đây!”.

Với không gian văn hóa mà chúng ta tạo nên sẽ làm cho việc thưởng thức của thực khách trở nên thăng hoa. Như thế, họ sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền, họ sẵn sàng đi đến nơi để thưởng thức.

Và đây là trách nhiệm của những người trong Hiệp hội!