Nông sản sạch được doanh nghiệp nước ngoài... "trải thảm đỏ"

(Dân trí) - Các loại thực phẩm hữu cơ sạch của Việt Nam như rau, củ, quả, mía đường… đang được các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài “đổ vốn” vào và bao tiêu sản phẩm. Việc hợp tác giữa các bên nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế những loại thực phẩm an toàn.

Quỹ đầu tư Mỹ “rót vốn” cho rau sạch

Bà Jennifer Buckley, Giám đốc điều hành cấp cao của SEAF (Mỹ) cho biết, đơn vị này vừa “rót vốn” vào Công ty Ogarnica của Việt Nam để đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ thực phẩm hữu cơ trong nước.

SEAF là công ty quản lý quỹ đầu tư toàn cầu chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng cao tại các thị trường mới nổi. SEAF đã đầu tư vào khoảng 400 công ty tại 29 quốc gia. Quỹ SEAF Wormen’s Opportunity Fund hiện đang đầu tư vào các doanh nghiệp có nữ lãnh đạo tại Việt Nam, Philippines và Indonesia với mỗi khoản đầu tư tại các doanh nghiệp tối đa là 2 triệu USD.

Nông sản sạch được doanh nghiệp nước ngoài... trải thảm đỏ - Ảnh 1.

Thực phẩm “sạch”, an toàn đang là xu hướng trong cuộc sống hiện đại. Ảnh: Đại Việt

Về lĩnh vực thực phẩm hữu cơ, SEAF đã đầu tư vốn cho các doanh nghiệp tại Đông Âu, Mỹ La tinh và đã có sự tăng trưởng tốt.

“Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nhưng thị trường thực phẩm hữu cơ còn rất nhỏ. Vài năm trở lại đây, một bộ phận người dân đã có thu nhập tăng lên đáng kể và muốn bảo vệ sức khỏe bằng thực phẩm an toàn nên chúng tôi cảm thấy đầu tư vào thực phẩm sạch là hướng đi đúng”, bà Jennifer Buckley nói.

Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Organica chia sẻ, doanh nghiệp này là công ty khởi nghiệp bằng nguồn vốn cá nhân nên việc hợp tác với các đối tác có tiềm lực về kinh tế sẽ giúp thực phẩm hữu cơ sạch đến với người Việt rộng rãi hơn. Organica là đơn vị có trang trại rau nhiệt đới ở huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và vườn rau Organica Ba Vì (Hà Nội) đạt chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh Châu Âu (EU).

“Chúng tôi xin phép không tiết lộ về số tiền quỹ đầu tư của Mỹ rót vào. Tuy nhiên, đây là khoản đầu tư đủ để chúng tôi thực hiện kế hoạch kinh doanh trong vài năm tới. Chúng tôi sẽ dùng số tiền nhận được để đầu tư mở thêm cửa hàng bán lẻ, nâng cấp hệ thống bán hàng online, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin”, bà Thảo nói.

Cũng theo bà Thảo, doanh nghiệp này đang hợp tác với các hộ nông dân ở nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Bình Phước, Đắk Nông… để mở rộng hệ thống trang trại hữu cơ nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho các cửa hàng. Các loại rau truyền thống đang được triển khai trồng rộng rãi như: rau muống, rau cải, bầu, bí, mướp, mồng tơi…

“Một số doanh nghiệp của các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông cũng đang muốn hợp tác với chúng tôi để sản xuất thực phẩm hữu cơ xuất khẩu. Tuy nhiên, trước mắt, chúng tôi chỉ muốn phát triển hệ thống kinh doanh và phục vụ thật tốt cho khách hàng trong nước”, bà Thảo nhấn mạnh.

Nông sản sạch được doanh nghiệp nước ngoài... trải thảm đỏ - Ảnh 2.

Rau, củ, quả hữu cơ có trọng lượng không quá lớn vì không có phân hóa học, không thuốc trừ sâu, không sử dụng chất kích thích…trong quá trình sản xuất. Ảnh: Đại Việt

“Cánh đồng lớn” sản xuất đường Organic xuất khẩu

Không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ như Organica phối hợp cùng người nông dân phát triển thị trường rau sạch mà các “ông lớn” như Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) cũng đang phối hợp cùng người nông dân trồng mía sạch để sản xuất đường Organic.

TTC đang kết hợp các hộ nông dân nhỏ lẻ lại để hình thành các “cánh đồng lớn” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường. Theo đó, người nông dân sẽ “góp” đất đai và sức lao động của mình. TTC sẽ đóng góp nguồn giống tốt, công nghệ, kỹ thuật, tiền bạc và máy móc hiện đại để thu hoạch.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho biết, mô hình “cánh đồng lớn” đang là xu hướng sản xuất hiện đại và chuyên nghiệp. Đây là mô hình được áp dụng tại nhiều nước phát triển.

“Nông dân thì người có vài hecta, người thì có hàng chục hecta. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng họ để tập hợp số đất này lại, tạo thành những cánh đồng lớn và sản xuất chuyên nghiệp. Ví dụ một hecta mía mang lại lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng thì người góp 10 hecta đất sẽ được chia 200 triệu đồng vào cuối vụ”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, ngành mía đường vừa trải qua một thời kỳ "ảm đạm" do chu kỳ của thị trường nhưng theo các chuyên gia thì ngành mía đường sẽ phát triển "sáng sủa" hơn trong thời gian tới.

Trong 2 vụ mùa gần đây thì cây mía Việt Nam đang cải thiện rõ rệt về chất lượng, cụ thể là tỉ lệ đường trong mía (CCS) rất cao. Điều này có được nhờ áp dụng các kinh nghiệm được học hỏi từ các nước có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan hay Brazil.

“Chúng tôi đang tập trung sản xuất mía đường Organic và được một doanh nghiệp lớn của Anh bao tiêu hết sản phẩm. Đường Organic có giá trị gấp 3 lần đường bình thường. Ngoài đường Organic thì chúng tôi cũng sản xuất các loại đường truyền thống để xuất khẩu sang Singapore và các nước Châu Âu”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, hiện nay, tập đoàn này đang cho gần 13.000 hộ nông dân trồng mía tại các tỉnh thành có nhà máy của TTC vay vốn để sản xuất, với tổng dư nợ lên đến 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, mới đây, TTC đã ký hợp tác với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) để cho ngân hàng này thay thế TTC cho các hộ nông dân vay vốn. Bởi, ngân hàng sẽ là nơi quản lý vốn chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Đối tượng vay vốn sẽ là những người nông dân có nhu cầu trồng, chăm sóc mía và ký hợp đồng cam kết bán mía cho TTC.

Nông sản sạch được doanh nghiệp nước ngoài... trải thảm đỏ - Ảnh 3.

Tập đoàn TTC phối hợp với người nông dân sản xuất đường Organic xuất khẩu, mang về giá trị cao gấp 3 lần so với loại đường bình thường.

Đại diện Ngân hàng OCB cho biết, nông dân ở các tỉnh chuyên trồng mía đang được triển khai vốn gồm: Tây Ninh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk. Số tiền mà nông dân trồng mía được vay tối đa là 3 tỷ đồng, thời gian vay dài nhất là 36 tháng, tức 2 vụ trồng mía. Tiền gốc và lãi sẽ được trả vào cuối vụ thu hoạch.

Được biết, diện tích vùng nguyên liệu mía đường của TTC hiện nay là 62.300 hecta, tổng công suất 49.000 tấn mía/ngày. Tổng sản lượng đường tiêu thụ là 846.000 tấn.

Hi vọng, sự ráo riết trong việc phát triển nông nghiệp “sạch” của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn sẽ mang lại một màu sắc tươi sáng cho thị trường các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam trong thời gian tới.

Đại Việt