Doanh nghiệp và tầm nhìn CSR

Trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển lâu dài và bền vững của một doanh nghiệp trong xã hội hiện đại.

Theo kết quả khảo sát gần đây do hãng nghiên cứu Nielsen thực hiện và công bố trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người tiêu dùng thể hiện cảm tình với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) cao thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Philippines.

 

Theo đó, 68% người Việt được hỏi cho biết đã mua hoặc sử dụng ít nhất một sản phẩm hay dịch vụ từ doanh nghiệp có hoạt động CSR trong sáu tháng gần nhất. Có thể thấy, ngoài vấn đề về chất lượng sản phẩm, giá cả thì trách nhiệm xã hội trở thành yếu tố thiết yếu góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp trong tâm trí người tiêu dùng, từ đó giúp cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng phát triển và mở rộng.

 

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hiểu đơn giản, chính là các hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng, chẳng hạn như đóng góp vào quỹ vì người nghèo; tổ chức trao học bổng, tạo điều kiện học tập cho học sinh vùng sâu, vùng xa; tham gia kêu gọi người dân tiết kiệm nước, không sử dụng bao nylon vì môi trường xanh, sạch;… Ngoài ra, việc xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, tạo nhiều việc làm cho người lao động, quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng là những hành động trực tiếp và cụ thể nhất thể hiện cam kết phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

 

Có thể lấy Vinamilk làm ví dụ. Công ty này đứng vị trí thứ 2 trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2015 do Anphabe và Nielsen đánh giá. Đồng thời, liên tiếp nằm trong top 5 nơi làm việc tốt nhất cho người lao động trong nhiều năm liền.

 

Hay như tập đoàn Pernod Ricard, tập đoàn phân phối các nhãn hàng thức uống cao cấp trên thế giới đã thể hiện trách nhiệm xã hội qua hoạt động thường niên mang tên “Uống có trách nhiệm” tại 3 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng vào tháng 6 vừa qua.

 

Doanh nghiệp và tầm nhìn CSR

Sự đồng lòng của nhân viên tập đoàn với mục đích truyền tải thông điêp “Uống có trách nhiệm” đến cộng đồng.
 

Hoạt động vì cộng đồng với thông điệp không tham gia giao thông khi sử dụng thức uống có cồn, nhắc nhở phụ nữ mang thai không nên và không được phép sử dụng rượu,…tập trung nhấn mạnh vào ý thức trách nhiệm của chính người tiêu dùng đối với bản thân và gia đình vì lợi ích và sức khỏe của chính mình.

 

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển một ứng dụng với tên gọi Wise Drinking, ứng dụng cho phép người dùng kiểm soát mức độ uống trong giới hạn an toàn dựa trên giới tính, tuổi tác, cân nặng của người sử dụng. Đặc biệt, hệ thống định vị địa lý và chế độ tự gọi cho người thân có thể được kích hoạt trong những trường hợp cần thiết.

 
Doanh nghiệp và tầm nhìn CSR

Hoạt động thường niên mang tên “Uống có trách nhiệm” được tổ chức tại 3 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.
 
 Có thể thấy, các doanh nghiệp có quan tâm và lồng ghép CSR một cách hiệu quả vào hoạt động quản trị kinh doanh chủ yếu vẫn là các công ty, tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh, kêu gọi được sự quan tâm của giới truyền thông và đầu tư nhiều tiền cho công nghệ thông minh hiện đại phục vụ đa dạng nhu cầu của cộng đồng. 

Đây chính là thách thức cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn vì đơn giản, trong thời gian tới, môi trường cạnh tranh sẽ chuyển sang cạnh tranh “cảm tình” của khách hàng dành cho doanh nghiệp. Và CSR chính là con đường dẫn tới cảm tình đó.
 
Lê Minh