“Đại Việt sẽ chinh phục được người Việt!”

Đó là mong muốn, cũng như sự tin tưởng của ông Trần Văn Sen - Chủ tịch Tập đoàn Hương Sen về mục tiêu lâu dài của thương hiệu mang đậm bản sắc Việt - Bia Đại Việt của Tập đoàn Hương Sen.

Thưa ông, xin ông cho biết có sự khác biệt nào về “văn hóa bia” của Việt
Ông Trần Văn Sen - Chủ tịch Tập đoàn Hương Sen.
 
 Thưa ông, xin ông cho biết có sự khác biệt nào về “văn hóa bia” của Việt Nam với các nơi khác trên thế giới không?

 

Bia là một thức uống truyền thống của phương Tây, du nhập vào Việt Nam bởi người Pháp. Do vậy, bia Việt Nam cũng là một sự tiếp nhận từ văn hóa bia của nước Pháp, sau năm 1954, chúng ta tiếp cận với bia Tiệp Khắc, đưa ra sản phẩm đầu tiên là bia Trúc Bạch. Từ thời kỳ bia phải phân phối đến nay chúng ta có nguồn cung cấp bia ổn định cũng là thành tựu trong việc đáp ứng nhu cầu đời sống người dân.

 

Văn hóa bia - nói đến văn hóa không phải cái gì đó cao xa - mà là sự ứng xử của con người với tự nhiên, với việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường của nhà máy bia, chất lượng an toàn của bia, đến vấn đề con người uống bia như thế nào, để làm gì và bia mang lại những hiệu ứng tích cực gì đồng thời cũng hạn chế những hiệu ứng tiêu cực của nó. Đó là bài toán không chỉ của các doanh nghiệp mà của cả những người tiêu thụ nó, và cũng là trách nhiệm của xã hội.

 

Ông có thể chia sẻ thêm “nhân duyên” của mình với thương hiệu bia Đại Việt?

 

Thương hiệu bia Đại Việt xuất phát từ tâm huyết của bản thân tôi đối với lịch sử của quê hương và dân tộc. Không phải tự nhiên mà tôi chọn cái tên Đại Việt làm thương hiệu, mà tôi muốn gửi gắm vào đó niềm tự hào của người dân Việt Nam.

 

Nếu như trước đây, tôi xác định mục tiêu là phục dựng lại nghề dệt truyền thống tạo nên sản phẩm có thương hiệu để phục vụ cho tiêu dùng trong nước, đồng thời truyền nghề dạy nghề cho nhân dân nhiều xã trong huyện trong tỉnh, tạo điều kiện cho sự ra đời của các doanh nghiệp sản xuất nghề dệt, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế trong nước; thì ngày nay, sản xuất nước giải khát - bia sẽ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa địa phương mình (một tỉnh thuần nông). Đây là một ngành nghề hoàn toàn mới nhưng được phát triển với việc đầu tư có chiều sâu.

 

Để sản xuất bia Đại Việt, chúng tôi đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại tiên tiến, đồng bộ của Châu Âu và sử dụng công nghệ bia là công nghệ ngoại nhập của Đức với khát vọng xây dựng một thương hiệu bia của Việt Nam thuần khiết – đảm bảo ATVSTP và đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế.

 

Bên cạnh việc phục vụ những người dân của mình, mang lại sự giàu có cho doanh nghiệp, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước quê hương mình, tôi mong muốn đóng góp một thương hiệu với tầm vóc rộng lớn: thương hiệu bia Đại Việt.

 

Thưa ông, dư luận vẫn có cái nhìn khá khắt khe với việc kinh doanh bia, ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

 

Bia cũng là một thức uống thông thường. Điều mà chúng ta quan tâm là thái độ ứng xử của người uống bia để tránh sự lạm dụng. Tuy bia là thức uống có nồng độ còn nhẹ nhưng có yếu tố cồn. Thực ra chúng ta rất bức xúc khi hệ quả của việc lạm dụng ấy có thể dẫn đến những tác hại đối với xã hội như an toàn giao thông, hành vi phi văn hóa, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, nhưng thực ra Việt Nam vẫn là quốc gia tiêu thụ bia thấp nếu tính theo đầu người, nhất là khi đặt trong bối cảnh các nước nhiệt đới. Vấn đề đặt ra ở đây là văn hóa bia như thế nào. Uống như thế nào? Uống ở đâu? Uống ở mức độ nào thì vừa phải? Uống trong không gian như thế nào? Cũng như khi ông cha nói về trà cũng nói về không gian văn hóa, như một giá trị làm thăng hoa sự sáng tạo.

 

Bia Đại Việt đã bắt đầu bằng một nhân tố mang tính chất văn hóa - văn hóa lịch sử, văn hóa truyền thống, Đại Việt đã và đang cố gắng xây dựng được một thương hiệu của mình dựa trên những nền tảng ấy để xây dựng văn hóa ẩm thực: uống bia Đại Việt thì hành xử như thế nào?! Tôi nghĩ đó cũng là nỗ lực mà Đại Việt đã làm và sẽ còn làm nhiều hơn nữa để thương hiệu này bền vững trong đời sống ẩm thực của người Việt hiện đại, xứng đáng với mong muốn của chủ nhân của nó là làm giàu về mặt vật chất, nhưng đồng thời làm giàu cả về mặt tinh thần.

 

Chúng ta thường nói tới mục tiêu “Người Việt dùng hàng Việt”, áp dụng cụ thể mục tiêu này đối với Đại Việt, ông thấy điều này có khó?

 

Chúng ta đang hướng tới mục tiêu người Việt dùng hàng Việt, nhưng tôi không tán thành hoàn toàn về cách đặt vấn đề này. Nói như thế thì phần nào có sự chiếu cố. Mà trong sự chiếu cố đó có phần nào chúng ta không thực thi một cách sòng phẳng và đàng hoàng nguyên lý bình đẳng trong cạnh tranh, nhất là khi chúng ta hội nhập với thế giới. Nên tôi nghĩ chúng ta phải hướng tới mục tiêu cao hơn là hàng Việt phải chinh phục người Việt. Nếu như hàng Việt tạo ra được những sản phẩm càng giá trị bao nhiêu thì có lẽ việc đầu tiên phải phục vụ cho chính đồng bào của mình, giống như người Nhật, những gì tốt nhất họ dành cho những người dân của mình - chính họ sẽ là người kiểm chứng năng lực cạnh tranh. Điều tôi mong muốn là Đại Việt sẽ đạt mục tiêu chinh phục người Việt, từ đó sẽ lan tỏa thương hiệu rộng hơn. Đó là con đường vững chắc và cũng là mục tiêu lâu dài.

 

Xin cảm ơn ông./.

 

 PV