Ý thức đóng góp cho xã hội của người dân thông qua việc tự ứng cử là rất rõ ràng

Không ai được làm khó dễ người tự ứng cử, đó là vi phạm pháp luật. Truyền thông thì phải bảo đảm thời lượng tuyên truyền giữa các ứng cử viên là như nhau. Các ứng cử viên cũng cần chú ý không dùng những lợi ích vật chất để vận động ứng cử, mục đích là để đảm bảo có cuộc bầu cử công bằng

.

Ý thức đóng góp cho xã hội của người dân thông qua việc tự ứng cử là rất rõ ràng - 1

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim trả lời báo giới. (Ảnh:TH)

Đó là khẳng định của đồng chí Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với báo giới.

Phóng viên (PV): Đồng chí bình luận gì về số người tự ứng cử ĐBQH lần này?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Lần này số người tự ứng cử nhiều, đó là điều rất hay, cho thấy không khí xã hội dân chủ. Số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV đã đưa ra số lượng ĐBQH khóa XIV ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%, ở Trung ương không có số dư, vì vậy vấn đề tự ứng cử ĐBQH chỉ sôi động ở địa phương.

PV: Trước thực tiễn sôi động tại địa phương như vậy, Ban chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có hướng dẫn gì cho Mặt trận địa phương, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Vấn đề này hoàn toàn là do địa phương chịu trách nhiệm hiệp thương. MTTQ chỉ hướng dẫn, giám sát về việc tiếp xúc cử tri, kê khai tài sản của các ứng cử viên.

PV: Vậy những người tự ứng cử có gặp khó khăn trong công tác này?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Không ai được làm khó dễ người tự ứng cử, đó là vi phạm pháp luật. Về truyền thông thì phải bảo đảm thời lượng tuyên truyền giữa các ứng cử viên là như nhau. Các ứng cử viên cũng cần chú ý không dùng những lợi ích vật chất để vận động ứng cử, mục đích là để đảm bảo có cuộc bầu cử công bằng. Sau khi trúng cử ĐBQH rồi thì có điều kiện đem tâm sức ra để giúp dân.

PV: Nhưng người tự ứng cử liệu có gặp khó dễ khi tổ chức hội nghị cử tri, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Chúng ta hoàn toàn yên tâm là bây giờ thông tin được cập nhật rất nhanh. Những gì liên quan đến cử tri, đến ứng cử viên đều lan tỏa khắp nơi. Nên sẽ không có chuyện nơi này, nơi kia gây khó dễ cho các ứng viên.

PV: Đồng chí có dự đoán số lượng người tự ứng cử để đưa ra bầu lần này sẽ cao hơn trước đây?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Dự đoán thì rất khó, vì điều này còn tùy thuộc vào chất lượng của người tự ứng cử. Có thể người tự ứng cử nghĩ rằng mình có thế mạnh về một lĩnh vực nào đó, nhưng người dân, cử tri thì luôn mong muốn ĐBQH phải toàn diện, nhất là khả năng cống hiến của từng đại diện, ý kiến đóng góp vào cái chung, vào chính sách của Đảng và Nhà nước thế nào. Bởi vậy, dự đoán kết quả hiệp thương cũng như khả năng trúng bầu cử là rất khó.

PV: Đồng chí có bình luận gì về ý kiến cho rằng cần phải dành tỷ lệ nhất định cho những người tự ứng cử trúng cử?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Trong từng lĩnh vực tranh cử khác nhau, người dân sẽ so sánh những ứng cử viên thông qua chương trình hành động. Người dân sẽ nhìn vào hành động, hình ảnh của từng ứng cử viên để lựa chọn đại diện cho mình. Kể cả khi có cơ cấu mà giới thiệu người không tương xứng với yêu cầu thì có thể sẽ không trúng cử. Trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay thì yêu cầu đầu tiên là phải tìm được người tài. Điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển. Vì thế, cần bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên.

PV: Hiện nay có một số nơi (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...) số người tự ứng cử còn cao hơn số người được giới thiệu ứng cử. Đồng chí nhận định gì về vấn đề này?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Đó là sự hứng khởi của người dân, muốn đóng góp vào công việc chung của đất nước mà không bị ràng buộc, cản trở gì. Điều này là tự người dân nhìn thấy trách nhiệm của mình và tự quyết định. Ý thức đóng góp cho xã hội của người dân thông qua việc tự ứng cử là rất rõ ràng. Tinh thần sẵn sàng của người dân là rất cao. Điều đó còn cho thấy, những người được giới thiệu ứng cử, nếu trong lòng cảm thấy không muốn thì không nên tham gia. Nếu anh chưa sẵn sàng tham gia thì thôi, mà hãy để những người khác họ đang rất sẵn sàng.

PV: Những kỳ trước, những người tự ứng cử không có nhiều cơ hội trúng cử. Đồng chí có cho rằng lần này những người tự ứng cử sẽ trúng cử nhiều hơn?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Tôi nghĩ, cần phải có số lượng người tự ứng cử nhiều hơn và tỷ lệ người tự ứng cử đi đến “chung cuộc” phải nhiều hơn. Không có rào cản gì đối với những người tự ứng cử. Chỉ có những định kiến hẹp hòi mới ngăn cản người tự ứng cử. Điều này không phù hợp với xu thế phát triển và định kiến không phải là điều được cho phép.

PV: Thực tế số người tự ứng cử vào được Quốc hội từ trước đến nay rất ít. Vấn đề này do "cửa" vào Quốc hội hẹp hay do lý do nào khác?

Đồng chí Vũ Trọng Kim: Tôi nghĩ những người tài chưa xuất hiện đúng vào những thời điểm cần thiết. Tâm lý của những người tài có lẽ cũng chưa cởi mở được, quyết tâm tham gia vào công việc xã hội của họ ít nhiều còn dừng ở mức nào đó. Còn cơ chế của chúng ta rộng mở. Chúng ta khuyến khích cho sự chủ động, sáng tạo, đó mới là điều quan trọng nhất. Đừng nghĩ rằng có chuyện đặt đâu ngồi đó. Quan trọng nhất là sự tín nhiệm của người dân. Cá nhân tôi cũng mong muốn theo hướng đó. Còn nếu đâu đó, một địa bàn nào đó, có cá nhân nào đó nói ra tiếng nói làm cho người tự ứng cử ức chế, không đi đến mục đích chung… thì đó là sự hẹp hòi cá nhân. Điều này đã trở nên lỗi thời rồi./.

Thu Hà

(Theo báo điện tử ĐCSVN)