Bạn đọc viết

Xin đừng giận cá chém thớt

Một sự chữa lỗi là hết sức cần thiết trong lúc này. Cả phụ huynh và nhà trường hãy ngồi lại với nhau và cùng nói lời xin lỗi, hủy bỏ ngay quyết định đuổi học và nhận lại học sinh của mình. Chỉ có như vậy mới mong xóa được mặc cảm buồn trong tâm hồn trẻ thơ.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Những ngày qua, dư luận xôn xao bởi chuyện một phụ huynh chia sẻ trên Facebook cá nhân chê cái cà vạt của trường (Trường Vstar, quận 7, TP.HCM) xấu dẫn đến việc con mình bị nhà trường đuổi học.

Xin trích một vài đoạn trong cái status mà chị phụ huynh đã đăng trên Facebook ngày 20-5 vừa qua:

Nhà cháu nông dân không biết cách thắt cà vạt, thế là mẹ cháu cứ buộc nút vào như dây giày rồi treo lên cổ con.

Chưa kể mỗi ngày tống vào máy giặt là 2 sợi nó lại rời nhau ra. Kiếm gần chết mới ra 2 cái sợi ấy để cột vào nhau cho thành cái dây đeo cổ!”

“Mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé. Nếu không làm được thì dẹp đi, không chả khác nào cái ghẻ rách vắt lên cổ các cháu!”.

Phản ứng trước những lời lẽ được cho là “hơi nặng” của chị phụ huynh, nhà trường từ chối nhận cháu Minh H. con chị vào học vì cho rằng môi trường giáo dục này không phù hợp với gia đình chị.

Trước hết bàn về cái status của phụ huynh. Góp ý là chuyện bình thường. Tôi tin nhà trường cũng ủng hộ điều này nhưng vấn đề là ở chỗ khác: Thái độ và cách góp ý. Thái độ ở đây thể hiện qua ngôn từ, hành văn. Người ta bảo “lời nói không mất tiền mua/lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Giá như chị phụ huynh “lựa lời” một chút, đừng dùng những từ ngữ, cách so sánh như cái gai đâm vào mắt người ta (dẹp đi, chả khác nào cái ghẻ rách vắt lên cổ các cháu) thì có lẽ sự việc không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế.

Về cách góp ý, giá như chị đừng vội đưa lên “phây”. Chị nên nhớ, mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Một khi thông tin đã được đưa lên đó thì khó mà xóa được trong dư luận cho dù sau đó đã gỡ đi, bởi nó lan tỏa nhanh lắm, huống chi điều chị nói, chưa biết đúng sai thế nào nhưng có vẻ nặng nề, gay gắt thế thì làm sao mà đối tượng “bị” góp ý lại không bức xúc?

Về phía nhà trường, tôi nghĩ các vị đã phạm phải sai lầm trong cách xử sự dù đã từng có nhã ý mời phụ huynh đến gặp trước. Dư luận thông cảm trước nỗi bức xúc của quí vị khi bị phụ huynh “chê” trên mạng xã hội nhưng không thể vì giận cá chém thớt mà đuổi học sinh của mình ra khỏi nhà trường.

Quyết định của nhà trường không nhận cháu Minh H. vào học là trái với mục tiêu, nguyên lí và phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay. Quyết định đó còn trái với Thông tư 08/TT của Bộ Giáo dục và đào tạo qui định việc đuổi học học sinh phải được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, do Hội đồng kỷ luật thống nhất. Mặc dù bà Chu Thị Ngọc Thịnh, hiệu trưởng Trường VStar (TP.HCM) sau đó trao đổi với báo chí đã phủ nhận chuyện trường đuổi học sinh vì mẹ lên Facebook chê đồng phục trường nhưng lại không tìm ra được lí do khả dĩ để có thể thuyết phục được phụ huynh và dư luận.

Người ta bảo giận quá mất khôn, có lẽ đúng trong trường hợp này của lãnh đạo trường VStar chăng?

Dù lập luận kiểu gì thì hành động của phụ huynh và phán quyết của nhà trường đều phản giáo dục và để lại hậu quả xấu. Trong cả hai trường hợp, học sinh đều vô tội nhưng lại phải hứng chịu cơn nóng giận của người lớn. Các cháu học được gì ở bậc làm cha làm mẹ khi các vị tung những lời lẽ không mấy thiện cảm lên mạng xã hội về trường học của các cháu? Các cháu sẽ nghĩ gì về nhà trường, về thầy cô giáo khi bị đuổi học không phải lỗi do mình gây ra?

Vô hình trung, cách ứng xử tồi của người lớn đã gieo vào tâm hồn trong trắng của con em mình vết nhơ không thể nào gột rửa được, xót xa hơn, nó sẽ để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp đeo đẳng suốt cuộc đời các cháu.

Không nên bàn tán hay thanh minh gì nữa, một sự chữa lỗi là hết sức cần thiết trong lúc này. Cả phụ huynh và nhà trường hãy ngồi lại với nhau và cùng nói lời xin lỗi, hủy bỏ ngay quyết định đuổi học và nhận lại học sinh của mình. Chỉ có như vậy mới mong xóa được mặc cảm buồn trong tâm hồn trẻ thơ.

Nguyễn Duy Xuân