“Xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn và trách nhiệm của chính quyền

(Dân trí) - Để xảy ra những sai phạm này, nếu không xử lý thật nghiêm những cán bộ có trách nhiệm, kể cả xử lý hình sự thì sai phạm vẫn nối tiếp, ngày càng nặng nề hơn như ở Sóc Sơn.


Bí thư huyện ủy Sóc Sơn, ông Phạm Xuân Phương: Bây giờ chỉ làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất của phủ Thành Chương thôi, nếu làm được như vậy thì tốt.

Bí thư huyện ủy Sóc Sơn, ông Phạm Xuân Phương: Bây giờ chỉ làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất của phủ Thành Chương thôi, nếu làm được như vậy thì tốt.

Những thông tin từ báo Dân trí về cuộc tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn của HĐND TP Hà Nội khiến dư luận thêm bức xúc và khá nhiều điều cần làm rõ về sai phạm của chính quyền ở đây. Để hiểu rõ hơn mức độ sai phạm này, chúng tôi xin lướt qua bối cảnh sai phạm từng xẩy ra ở đây.

Cách đây khoảng chục năm, cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam một loạt đối tượng, từ cán bộ ở thôn cho đến Trưởng phòng địa chính của huyện Sóc Sơn về những sai phạm “xẻ thịt” rừng ở đây, nhưng tình trạng này không dừng lại mà vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng kinh khủng hơn, đó là điều không thể chấp nhận. Do đó, cần phải mổ xẻ, phân tích kỹ hơn những sai phạm của lãnh đạo huyện Sóc Sơn mới có thể ngăn chặn những sai phạm tương tự, không chỉ ở Sóc Sơn.

Thứ nhất, nói gì thì nói, để tình trạng những biệt phủ, những vườn sinh thái, những ngôi nhà kiên cố dựng lên tràn lan giữa rừng phòng hộ Sóc Sơn, Hà Nội là điều không thể chấp nhận được. Mặt khác, cũng không thể trút hết trách nhiệm cho cấp xã, thôn mà cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo huyện.

Do đó, việc người điều hành buổi tiếp xúc cử tri là ông Trương Văn Nhung - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Sóc Sơn, liên tục ngắt lời ý kiến của cử tri khiến buổi tiếp xúc ngày càng căng thẳng và dư luận thêm bức xúc. Tất nhiên, người điều khiển phiên họp cần lái ý kiến đúng trọng tâm, nhưng cách ngắt lời kiểu này lại không hoàn toàn như vậy (mời đọc thêm bài “Cử tri bức xúc vì liên tục bị ngắt lời khi nói về vụ “xẻ thịt” rừng Sóc Sơn” trên Dân trí). Tại diễn đàn mà đại biểu HĐND TP đang lắng nghe ý kiến của cử tri với sự có mặt của nhiều nhà báo theo dõi, mà cử tri còn bị “bịt miệng” kiểu này thì … hết nói.

Thứ hai, là cử tri xã Minh Trí, ông Dương Văn Chuốt không chỉ phản ánh tường tận 27 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã này, mà còn nắm rõ 18 trường hợp “xẻ thịt” đất rừng ở xã Minh Phú. Điều đó cho thấy, người dân đã quá bức xúc trước sự làm ngơ, đồng lõa, bao che của chính quyền địa phương với các sai phạm.

Phát biểu tại đây, bà Vi Thị Bình An - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, việc giao mượn đất lâm nghiệp được chính quyền thực hiện từ đầu thập kỷ 90, hồ sơ quản lý không được lưu trữ từ xã đến huyện. Những vấn đề đó gây khó khăn rất nhiều cho lãnh đạo huyện Sóc Sơn trong thời gian qua.

Những điều bà An nói là một thực tế của không ít huyện, xã ở nông thôn hiện nay, nhưng vấn đề là ở chỗ: Đó có phải là nguyên nhân có thể khỏa lấp những sai phạm? Đây là điều cần làm rõ.

Để dễ hình dung nhất những sai phạm của huyện, tôi xin lấy hai ví dụ mà dư luận biết nhiều trên báo chí là biệt phủ của họa sĩ Thành Chương và nhà của ca sĩ Mỹ Linh. Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Dân trí ngay sau buổi tiếp xúc cử tri (bài “Bí thư Sóc Sơn: Phá phủ Thành Chương rất phí, nhà Mỹ Linh phải dỡ một phần”), ông Phạm Xuân Phương – bí thư huyện ủy huyện Sóc Sơn cho biết: đất của ông Thành Chương là đất nông nghiệp, không phải là đất rừng. Vậy, việc biệt phủ này xây dựng trên đất nông nghiệp có đúng hay không? Tương tự, ông Bí thư huyện ủy Sóc Sơn cũng cho biết, trong sổ hiện nay cho xây dựng là 400 m2 đất làm nhà, nhưng gia đình Mỹ Linh đã xây dựng hơn 500 m2. Vậy những sai phạm về trật tự xây dựng của gia đình ca sĩ Mỹ Linh, họa sĩ Thành Chương, chính quyền huyện Sóc Sơn sao lại có thể đổ lỗi cho công tác quản lý hồ sơ?

Thứ ba, Bí thư huyện ủy cho rằng, “ huyện Sóc Sơn cũng đang xem xét để đưa ra kiến nghị với trường hợp như phủ Thành Chương. Thực ra bây giờ phá dỡ những cái đó là lãng phí,…”. Với ý kiến này, chắc chắn dư luận cũng có những quan điểm khác nhau, trong đó, phản đối chắc không ít. Nhưng dù có phá hay không, tôi cho rằng, phải xử lý thật nghiêm những cán bộ đã để ra những sai phạm trên. Và những cán bộ phải chịu trách nhiệm, tất nhiên không chỉ là mấy ông ở xã, ở thôn mà trách nhiệm chính phải là cán bộ huyện. Bởi, phần lớn cán bộ ở xã cũng chỉ hưởng trợ cấp, trong khi ở huyện các cán bộ có trình độ chuyên môn, đầy đủ các ban bệ, có Phó chủ tịch huyện phụ trách mảng xây dựng. Họ, những cán bộ huyện phải nắm chắc và phải chịu trách nhiệm chính.

Dư luận biết rằng, để xảy ra những sai phạm này, nếu không xử lý thật nghiêm những cán bộ có trách nhiệm, kể cả xử lý hình sự thì sai phạm vẫn nối tiếp, ngày càng nặng nề hơn như ở Sóc Sơn. Và để tránh lãng phí, phạt cho tồn tại, rồi “vẽ đường cho hươu chạy” kiểu như Bí thư Sóc Sơn nói: “Bây giờ chỉ làm chuyển đổi mục đích sử dụng đất của phủ Thành Chương thôi, nếu làm được như vậy thì tốt.”

“Được như vậy thì tốt” cho ai? thưa ông Bí thư huyện Sóc Sơn

Vương Hà