Vì sao trường ngoài công lập Hà Nội có thể tuyển sinh lớp 10 như vậy?

(Dân trí) - GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam : Các trường ngoài công lập được tự chủ hoàn toàn, nhưng tự chủ ở đây không có nghĩa là sân chơi của anh, anh thích làm gì cũng được.

Chính vì cách tuyển sinh lớp 10 của một số trường ngoài công lập ở Hà Nội năm nay gây bức xúc cho các bậc phụ huynh khiến nhiều báo đồng loạt lên tiếng.

Dân trí dùng tít “Điểm chuẩn lớp 10 nhảy múa từ 46 lên 50,5 trong 2 ngày, sở GD ĐT nói gì”, một số báo giật tít: “Lạ lùng tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội giống như chơi chứng khoán”; “Trường tư tung quái chiêu tuyển sinh lớp 10, phụ huynh khóc ròng”. Thậm chí có báo còn giật tít: “tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội, trường tư đang tự tạo luật chơi riêng”...

Theo các báo phản ánh, cách tuyển sinh như vậy, về bản chất, một số trường tư đã tạo luật chơi riêng.

Tất nhiên, các trường tư được tự chủ hoàn toàn. Nhưng tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm.

Những bài báo này đã nêu cách tuyển sinh của những trường tư thục này khiến các bậc phụ huynh phải “khóc ròng”.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một số nội dung được cho là nhạy cảm, không chỉ đối với phụ huynh mà nó còn thách thức cả với ngành giáo dục.

Thứ nhất, vì sao khi đăng ký học, phụ huynh phải “đặt cọc” cho trường và khi rút hồ sơ lại không được rút tiền?

Trước hết, những trường tư thục này đều đưa ra điểm sàn tuyển sinh trước khi điểm chuẩn của các trường công lập được công bố.

Trong khi năm nay, điểm thi chung của các thí sinh thấp nhiều so với nhiều năm trước và lượng thí sinh thì tăng vọt. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải đua nhau ghi danh ở các trường tư thục theo điểm chuẩn của từng trường đưa ra.

Đến lúc này lại nảy sinh ra hai vấn đề với bậc phụ huynh:

Có trường thay đổi điểm chuẩn từng ngày, từng giờ theo hướng điểm chuẩn tăng vọt lên, khiến phụ huynh nhao nhác, lo lắng nên đua nhau nộp hồ sơ sớm cho con em. Dù rằng, cách làm này chẳng giống với cách lấy điểm chuẩn thông thường, nhưng cũng có thể thông cảm, bởi họ cũng mong muốn đầu vào chất lượng cao hơn.

Nhưng việc phụ huynh phải “đặt cọc” (từ 2 – 6 triệu tùy từng trường) kèm theo ghi chú rõ ràng, nếu học sinh không theo học, không được rút khoản tiền đã nộp thì nó sai sai thế nào ấy.

Về vấn đề này, theo tôi, đây không chỉ là chuyện, với nhiều gia đình, khoản tiền “đặt cọc” này là số tiền không nhỏ, mà cách làm này khiến nó kiểu như bắt bí.

Không chỉ vậy, có trường còn yêu cầu học sinh nộp hồ sơ gốc. Đến khi học sinh có nhu cầu rút hồ sơ thì trường lại ra thông báo nghỉ làm việc đến tận ngày 2.7 – ngày mà các trường công lập đã bắt đầu tuyển sinh. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Cách giữ học sinh như vậy có nên không?

Thậm chí có trường vẫn luôn được nhiều học sinh có chất lượng đăng ký vào cũng dùng những chiêu thức này thì dư luận thật không hiểu nổi.

Thứ hai, có những trường yêu cầu học sinh phải theo học liên tục hết cấp, không được bỏ ngang.

Về vấn đề này, dư luận cũng hiểu, nếu sĩ số thay đổi theo chiều hướng giảm thì khó cho việc tính toán lỗ lãi của trường. Nhưng, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao những trường này không tính cách giữ học sinh bằng cách đảm bảo và nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học?

Về những nội dung trên, trả lời báo chí, GS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam – nêu rõ: “Các trường ngoài công lập được tự chủ hoàn toàn, trong đó có cả tự chủ về mặt tài chính. Nhưng tự chủ ở đây không có nghĩa là sân chơi của anh, anh thích làm gì cũng được. Đồng ý là thuận mua, vừa bán, nhưng giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt, không thể áp dụng nguyên cơ chế thị trường”.

Nhưng cũng cần nói rõ, không phải trường tư thục nào cũng ép phụ huynh và học sinh kiểu như vậy. Chẳng hạn, trường liên cấp Marie Curie thông báo tuyển sinh rất rõ ràng: sau khi nhập học lớp 10 cho con, nếu có cơ hội khác phù hợp hơn, quý vị cha mẹ học sinh có thể rút toàn bộ hồ sơ và các khoản kinh phí đã nộp. Rất nhân văn và rất giáo dục.

Sau “sự cố” này, dư luận chắc đã hiểu và thông cảm hơn, vì sao sở GD ĐT Hà Nội từng yêu cầu tất cả các trường công lập và tư thục cùng tuyển sinh cùng thời điểm.

Vương Hà