Vì sao thịt lợn nhập khẩu không được người tiêu dùng ưa chuộng?

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam gần như không có hàng ngon, chủ yếu là những sản phẩm mà các nước không dùng đến như thịt vai, xương, chân giò.

Vì sao thịt lợn nhập khẩu không được người tiêu dùng ưa chuộng? - 1

Hà Nội không mặn mà với việc nhập khẩu thịt lợn. Ảnh minh họa của A.T

Thịt lợn đông lạnh chưa được ưa chuộng

Ghi nhận của Lao Động chiều 25.12, trong khi tình hình thịt lợn còn chưa "giảm nhiệt" thì các mặt hàng thịt lợn đông lạnh, thịt lợn nhập khẩu vẫn không được người tiêu dùng lựa chọn thay thế thịt lợn tươi, để giảm áp lực tài chính chi tiêu gia đình.

Bà Phạm Thị Kiều Oanh (46 tuổi, ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội) cho PV Báo Lao Động biết, dù thịt lợn đắt đỏ, một số mặt hàng thịt khác đều tăng giá nhẹ, nhưng bà Oanh vẫn lựa chọn thịt tươi sống, được giết mổ trong ngày.

Lý giải cho lựa chọn của mình, bà Oanh cho biết: “Tiêu chí đi mua hàng của tôi đó là thực phẩm phải có giá trị dinh dưỡng cao, cho nên tôi luôn ưu tiên các mặt hàng tươi sống. Chính vì thế, dù thịt lợn tươi có đắt, tôi vẫn lựa chọn".

Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Yến (ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, thời điểm thịt lợn chưa tăng giá, trên mâm cơm của gia đình chị luôn có các món ăn chế biến từ thịt lợn, song, thời điểm này, chị Yến lựa chọn các thực phẩm tươi sống khác để thay thế.

"Các mặt hàng này có tăng giá nhưng không đến nỗi "cắt cổ", không mua nổi. Ví dụ, giá cá rô phi hiện tại chỉ có 38.000 đồng/kg, cá chép là 50.000 đồng/kg, thịt gà, thịt vịt dao động từ 85.000 – 150.000 đồng/kg", chị Yến nói.

Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam gần như không có hàng ngon

Trước mối quan tâm của người dân về nhu cầu thịt heo và bình ổn giá cả mặt hàng này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội chưa cần tính đến bài toán nhập khẩu thịt lợn vì đang có 3 nguồn cung thịt lợn gồm chăn nuôi tại chỗ, từ các tỉnh thành khác và nhập khẩu. Tuy nhiên, số lượng thịt lợn nhập khẩu rất ít.

Số liệu thống kê cho thấy 11 tháng của năm 2019, nhập khẩu thịt lợn qua Hải quan Hà Nội chỉ có 64,44 kg và nửa tháng 12.2019, không có thịt lợn nhập khẩu qua Hải quan Hà Nội.

"Người dân không mấy mặn mà với thịt lợn nhập khẩu vì đây là hàng đông lạnh. Thịt lợn nhập khẩu về Việt Nam gần như không có hàng ngon, chủ yếu là những sản phẩm mà các nước không dùng đến như thịt vai, xương, chân giò, trong khi đó, Việt Nam đang cần thịt nạc thăn, ba chỉ, thịt mông sấn", bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, giá nhập khẩu trước đây chỉ có 2 USD/1kg thịt lợn, song, từ khi Trung Quốc nhập thịt lợn nhiều, thì giá lợn nhập khẩu bây giờ là 4 USD/1kg, tương đương 160.000 đồng/1kg. Chính vì vậy, khi đưa ra thị trường, người dân không mặn mà với thịt lợn nhập khẩu. Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng phải dè chừng việc này.

"Ở Hà Nội một số cơ sở giết mổ lớn vẫn còn thịt lợn cấp đông nhưng lượng tiêu thụ rất chậm, vì người dân vẫn thích thịt tươi", bà Lan nói.

Theo Cường Ngô

Báo Lao động