Vì sao ngại cứu người bị tai nạn giao thông?

(Dân trí) - Làm thế nảo để khắc phục được 3 nguyên nhân khiến con người vô cảm trước người bị tai nạn giao thông, đang là một câu hỏi khó nhưng cần có lời giải để khôi phục được truyền thống đáng quý của dân Việt “thương người như thể thương thân.”

> Vụ xe Camry gây tai nạn: Thấy chết không cứu vì vô cảm hay sợ hãi?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Dạo này, tai nạn giao thông nở rộ như nấm mọc sau mưa. Xe ô tô đâm xe ô tô. Xe ô tô đâm xe máy. Xe ô tô đâm người đi bộ. Xe máy đâm xe máy. Xe máy đâm người đi bộ. Xe ô tô đâm tầu hỏa...thôi thì đủ các thể loại. Và trong những tai nạn ấy, một vấn để nổi cộm gây bão dư luận là sao lại có không ít trường hợp thấy người bị tại nạn trọng thương mà không ít người vô cảm chỉ đứng xem hoặc ngoảnh mặt đi không cứu.

Bạn đọc Thanhnam Nguyen phê phán sự vô cảm này:Sống phải thì gặp người bị nạn, phải lấy đức mà cứu người. đừng vô cảm mà tới lúc ta hoặc người nhà ta bi nạn, không ai cứu thì ta có nói vô cảm không? một ngày làm thiện cả đêm ngon giấc”

Nhưng bạn đọc nguyen kien dangninh123@gmail.com cho rằng nguyên nhân một số người không muốn cứu nạn nhân trước hết chính vì do bệnh viện vô cảm: “Thực ra người tham gia giao thông rất muốn cứu người nhưng sợ phiền hà là đúng. Bản thân tôi hôm 2 tết vừa rồi, trên đường đi quê ngoại đến đoạn đường gần thị trấn Ngọc Lạc Thanh Hóa, gặp vụ tai nạn một người bị xe cuốn vào gầm kéo lê vài chục mét, người xem rất đông nhưng không ai cứu, may có một anh đi đường cùng tôi chui vào gầm xe kiểm tra thấy nạn nhân còn thở nên lôi ra, đưa lên xe tôi chở vào bệnh viện, nhưng thật đáng trách cách làm việc của y bác sỹ tại đây, họ không lo cứu chữa người mà chỉ lo truy tìm người nhà bệnh nhân để đóng tạm ứng tiền viện phí và ký giấy tờ, đến khi tôi nổi cáu họ mới thôi. Tôi mất cả buổi sáng lo cho người bị nạn, qua câu chuyện tôi kể, hỏi rằng có ai nhiệt tình cứu người không?”

Cùng quan điểm như vậy, bạn đọc văn vinh vinh@yahoo.com cho rằng: “Có đưa người ta đến bệnh viện mà không có người nhà nộp tiền viện phí thì cũng như bằng không. Đó là một thực tế,mọi người kiểm chứng lại xem”

Cũng vậy, bạn đọc Nguyen Khuong khuong2020@gmail.com viết: “Khi đưa được nạn nhân tới bệnh viện thì họ đã hoàn thành việc cứu người rồi. Việc cứu người tiếp theo là trách nhiệm của bệnh viện. Ở các nước thì bệnh viện chỉ cần ghi lại thông tin cá nhân người đưa đến để sau này cung cấp cho cơ quan điều tra tai nạn. Ở Việt Nam thì lại khác, lấy thông tin xong họ còn tìm đủ mọi cách để giữ luôn cả người cứu nạn, bất chấp người đó có đồng ý hay không? Khi nạn nhân được đưa đến bệnh viện: nếu không có người nhà đóng tiền thì hãy nằm băng ca chờ. Còn các nước khác thì bác sĩ lao vào cấp cứu ngay. Việc người cứu nạn bị bệnh viện làm khó là rào cản người cứu nạn chứ không phải đạo đức người dân xuống cấp. Không tin bạn hãy cứ đến phòng cấp cứu bệnh viện xem họ làm như thế nào.”

Một nguyên nhân nữa khiến mọi người ngại không cứu người bị nạn lại là chính do gia đình người bị nạn gây ra. Bạn đọc trankhanh trakhanh1974@gmail.com kể: “Mình cũng chứng kiến một vụ đi trên xe tải, thấy một cụ già đi xe đạp, trời mờ tối, cụ tự ngã. Tôi đã cẩn thận bảo tài xế dừng xe cách mấy chục mét xuống đỡ dậy, gọi taxi đưa vào viện, báo cho người nhà . Khi các con của cụ tới, hai anh em trình bày lại sự việc, tính giao lại cho gia đình, nhưng than ôi họ cư xử với ân nhân phũ phàng không thể tưởng tượng. Họ nói xe mình làm cụ ngã và bắt chịu trách nhiệm, gọi công an đến giải quyết thì không có người làm chứng và công an khuyên hai bên nên dàn xếp, còn cụ già khi tỉnh lại im lặng không nói gì hay chẳng nhớ gì. Khổ cho mình là công an thì đòi giữ phương tiện điều tra, gia đình cụ già thì vòi tiền, trong khi hàng hóa cấp bách. Cuối cùng đành biếu cụ hai triệu mới được mua cái sự thông cảm trong khi mình làm phước. Cũng từ đó mình sinh ra tiêu cực, tập làm người vô cảm. Chuyện là thật, mình mong mọi người rút kinh nghiệm khi làm phước trên đường.”

Bạn đọc Quoc Bui cũng kể: “Tôi đã bị một trường hợp rồi bị vạ lây rồi, hồi đó tôi chạy xe ôm, tôi gặp người bị tai nạn do một xe máy nào đó đụng làm cô ta té xỉu. Tôi chở cô ta vào bệnh viện cấp cứu. Khi vào phòng cấp cứu nhân viên y tế không cho tôi về để chờ cô ta tỉnh lại. Khi cô ta tỉnh lại, đầu tiên cô ta thấy tôi, thay vì cám ơn tôi, cô ta lại nói tôi đụng cô ta, và bắt đền bồi thường, lúc đó ai cũng nghe lời cô ta hết và bắt tôi bồi thường, cũng may có người bạn tôi đi theo làm chứng cho sự việc này vì bạn tôi có quay lại clip vào điện thoại di động nên tôi mới không bị oan trước CA và mọi người .Nên vì thế bây giờ lòng tốt của con người bị lợi dụng nhiều quá mà bị vạ lây nữa, vậy người ta vô cảm là đúng...”

Có người bị nạn còn quá đáng hơn nữa, khi Hoàng Loan Hưng Bích cho biết: “Cách đây không lâu, mình tình cờ gặp vụ tai nạn, cũng dừng xe giúp đỡ đưa người đi bệnh viện. Ai ngờ khi tỉnh dậy, người này nói bi mất 100 triệu và đổ cho là mình lấy mất...làm ơn mà mắc oán. ồn ào mãi cuối cùng lòi ra số tiền thực tế có 4 triệu và được giữ ở cơ quan cảnh sát giao thông... mọi người cứ nói nào là vô cảm, nào là đạo đức xuống cấp nhưng chưa trải qua thì đừng vội phán xét...”

Và bạn đọc Tran Thanh Son kể: “Câu chuyện của mình: Cách đây vài năm, khi đang chạy trên đường ( Tp. Hải Phòng) có hai mẹ con nhà kia đi xe đạp qua đường bị ông xe máy say rượu quẹt ngã và chạy mất. Mình dừng lại đưa hai mẹ con nhà đó đi bệnh viện, xong hết mọi việc thì họ lại nói mình là người gây tai nạn, yêu cầu phải bồi thường tiền. Lúc đó mình rất bức xúc, mình không làm nên nhất quyết không đền tiền, yêu cầu CSGT đến nơi tai nạn lập lại hiện trường, xe máy thì bị tạm giữ 2 tuần, mất nhiều thời gian làm việc với cơ quan chức năng. Và từ đó trở đi, xin phép không làm người tốt ở trên đường nữa. Tai bay vạ gió....”

Tệ hại hơn nữa, chuyện bạn đọc Hiep77 Duongxuan kể cứu người lại bị người nhà họ chửi đánh: “Tôi cũng đã từng giúp đỡ một người già bị ngã xe đạp...Nhận ngay kết quả là bị người nhà bà cụ chửi và gần cho ăn đòn...Có phải câu “làm phúc phải tội” nay đã được hiểu theo đúng nghĩa...”

Và bạn đọc nongdoan nhớ lại: “KHÔNG NHỚ VỤ Ở HẢI PHÒNG À. THẤY ĐỨA BÉ BỊ TAI NẠN RỒI ĐƯA ĐI CẤP CỨU GIÚP, NGƯỜI NHÀ ĐẾN ĐÁNH ĐẾN CHẾT LUÔN. LÒNG TỐT ĐƯỢC TRẢ ƠN BẰNG 1 ĐÁM TANG.”

Còn một nguyên nhân nữa khiến mọi người cũng rất ngại không cứu người bị nạn, đó là do công an gây phiền hà.

bạn đọc h- trang locthao65@yahoo.com cho rằng: Họ rất sợ liên lụy .... nhiều người họ gọi cứu người bị tai nạn xong, cơ quan điều tra gọi qua gọi lại nhiều lần họ mất cả việc . Có ông từ Bắc Giang phải vào tận trong Vinh để làm chứng ...."

Bạn đọc Phí ngọc Thi pnthi5988@gmail.com đồng tình với câu chuyện sau: “Tôi có cậu em vợ cách đây mấy năm đi làm xa xin về nghỉ được 2 ngày, mất nửa ngày đi đường về đến gần nhà thì gặp tai nạn giao thông. Người gây ra tai nạn thì bỏ chạy, đám đông xúm vào xem nhưng không ai đưa đi cấp cứu, thế là em tôi đưa người bị tai nạn đi luôn .Vào đến viện thì công an cũng tới và giữ người để xác minh, nhưng đen là người đi đường ở cái chỗ không quen biết, mà lại ở đường quốc lộ thì lấy ai ra làm chứng là không phải mình. Mất hơn một tuần thì người gây tai nạn mới tỉnh, mà may sao nó còn nhớ và bảo không phải mình, mới được cơ quan công an tha, chứ không thì mất nghiệp, mà tí nữa thì bị cơ quan đuổi vì làm cho nước ngoài nên nghỉ nhiều thì loại, nhất là lại vi phạm giao thông nghiêm trọng. Cạch tới già, chắc chẳng dám anh hùng như thế nữa.”

Bạn đọc nguyên hanh nguyenhanh@email.com cũng tâm trạng bức xúc vậy khi kể: “Không phải người Việt vô cảm đâu. Mình có môt người bạn thấy người găp tai nạn cũng có lòng tốt đưa người ta vào bệnh viện, song đến lúc người nhà nạn nhân đến thì cứ bảo bạn tôi là người gây ra tai nạn. Công an đến thì nhốt luôn xe bạn tôi lại, bảo đi kiểm tra xem xe bạn tôi có gây tai nan không. Gần môt tháng không thấy gì, công an lại bảo thôi, bồi dưỡng người găp nan ít tiền mà lấy xe về, nói thât lạ, lắm lúc nhìn thấy người găp nạn rất muốn giúp nhưng phiền lắm.”

Từ đó, bạn đọc Minh Thắng Trương nghĩ: “Biết bao nhiêu vụ án, từ người tốt giúp cứu người đang trong cơn nguy kịch lại trở thành tội phạm giết người. Rút ra kinh nghiệm là thấy có biến thì phải chuồn thôi. Chờ được vạ thì má đã sưng”

Còn bạn đọc Lý Văn Nên lyvannen@yahoo.com cho rằng:Ở đây phải chăng luật pháp còn bất cập nên người tốt đưa bệnh nhân đi cấp cứu gặp rất nhiều rắc rối, có khi bị tạm giam đến cả tuần chờ mọi việc sáng tỏ thì mới được thả về, hay lại bị chính người nhà của bệnh nhân nghi oan đánh cho thập tử nhất sinh luôn....đó chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh vô cảm”

Và bạn đọc Bui huy thạch Cp.ducthinh@gmail.com cũng cho rằng: “Dân rất tốt, đó là truyền thống của Việt Nam! Tiếc rằng trong nhiều trường hợp họ rất sợ cái lằng nhằng của pháp luật, được vạ má sưng, hãy thông cảm cho họ, tính cộng đồng trong dân nay không còn chính là vì luật thay đổi liên tục, luật mới ra dân chưa quen đã đổi rồi, sai thành đúng, đúng thành sai, sợ lắm.”

Và bạn đọc nguyen anh tuan t rannamphi@gmail.com mong muốn: "Đây là vấn đề văn hóa nói chung, là đạo đức của con người ứng xử. Nhưng phải xét nguyên nhân ở đâu?. Theo tôi là do có quá nhiều phiền hà cho người dân khi tham gia cứu giúp khiến cho nhiều người sợ liên lụy, phiền hà nên không dám cứu giúp. Chứ đã là người ai chẳng có lòng thương cảm đồng loại. Hãy hỏi những người từng cứu giúp những trường hợp tương tự xem họ bị phiền hà như thế nào. Đầu tiên là các cơ quan chức năng nên chấn chỉnh lại cách hành xử của mình rồi mới kêu gọi người dân ủng hộ. Lúc bấy giờ xã hội mới tốt hơn. Chứ cái gì cũng đổ tại dân, kêu gọi dân thì dân nào dám nghe và làm theo.”

Từ thực tế những chuyện cứu người mà mang họa trên, bạn đọc Phạm Văn Phúc khái quát:

“Xã hội đang vô cảm với các vụ tai nạn vì:

- Khi đưa nạn nhân vào các bệnh viện là sự thờ ơ của Bệnh viện và thường họ sẽ yêu cầu phải đóng tiền và làm cam kết mới cấp cứu.

- Sự hiểu lầm (thậm chí lợi dụng cả lòng tốt của người cứu mình) từ chính nạn nhân và gia đình họ.

- Sự gây phiền hà đối với người cứu giúp của một bộ phận công an khi thi hành công vụ.

Với các lý do trên thử hỏi còn ai dám cứu hộ nữa... và tôi đã từng là người bị đúng 3 lý do trên rồi.”

Vậy làm thế nảo để khắc phục được 3 nguyên nhân trên khiến con người vô cảm trước người bị tai nạn giao thông, đang là một câu hỏi khó nhưng cần có lời giải để khôi phục được truyền thống đáng quý của dân Việt “thương người như thể thương thân.”

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)