Bạn đọc viết:

Vì một lẽ: “Trường không có kinh phí”

(Dân trí) - Bàn về lạm thu. chúng ta nên nhìn nhận mọi góc cạnh của vấn đề. Đành rằng dân còn nghèo, nhưng để nâng cao chất lượng dạy học phải mua sắm, phải tu bổ cơ sở vật chất, phải tăng cường các hoạt động… Mà như vậy phải cần đến tiền.

 
Vì một lẽ: “Trường không có kinh phí”  - 1
(ảnh minh họa)
 
Trên không cấp hoặc có thì cũng nhỏ giọt, vậy phải nghĩ cách thôi. Bàn về lạm thu, tôi là 1 giáo viên cấp 2 bình thường của 1 vùng quê ở đồng bằng, cũng xin đóng góp 1 vài suy nghĩ như sau:

 

Để có tiền cho mọi hoạt động dạy học của nhà trường trong 1 năm bao gồm: tiền điện, nước, bảo vệ, giữ xe, chi cho hoạt động dạy học, mua sắm thiết bị (thiết bị nhà nước cấp hầu như toàn là hàng kém chất lượng, mới dùng 1-2 năm đã hư hỏng và xuống cấp trầm trọng). Nay lại có chiến dịch “Đưa công nghệ thông tin vào nhà trường” nên lại sắm máy tính, máy chiếu...

 

Bàn ghế hàng năm hư hỏng phải sửa chữa,  phòng học xuống cấp phải tu bổ, đa số các trường phải học 2 ca nên trường nào cũng cố gắng đề đạt để xây thêm phòng học. Mà tất cả chỉ chờ vào nguồn thu học phí 15.000đ/em các năm trước, năm nay thì 30.000đ/em. Nhưng năm nay số hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn mới rất nhiều, nên nguồn thu tăng lên không đáng kể vì hộ nghèo được miễn, cận nghèo được giảm, lại mất 40% học phí tham gia trả lương. Vậy nên nguồn tài chính nhà trường còn lại để hoạt động không đáng là bao.

 

Là giáo viên dạy trong trường, tôi biết có những hoạt động như các câu lạc bộ tổ chức ngoài giờ, chúng tôi đi làm “cộng sản” vì nhà trường không có tiền để chi trả, hoặc nếu có thì quá ít ỏi chỉ gọi là tiền xăng xe.

 

12 năm đi dạy tôi chưa hề biết tiền chấm bài là gì (không biết khoản này có được nhà nước chi trả hay không nữa). Tiền thưởng cuối năm là giáo viên tiên tiến xuất sắc chưa bao giờ quá 300.000đ, vì 1 lẽ "trường không có kinh phí".

 

Trong khi đó cấp trên thì ráo riết phải nâng cao chất lượng thế này, thế nọ, mà không biết rằng các hiệu trưởng và giáo viên ở dưới này khổ lắm. Không có tiền hoạt động biết kêu ai? Đành rằng dân còn nghèo, nhưng để nâng cao chất lượng dạy học phải mua sắm, tu bổ cơ sở vật chất, phải tăng cường các hoạt động, mà như vậy phải cần đến tiền. Trên không cấp hoặc có thì cũng nhỏ giọt, vậy phải nghĩ cách thôi.

 

Muốn trường khang trang sạch đẹp, sân trường lát gạch, có cây cảnh, cây bóng mát, có bàn ghế tốt cho học sinh ngồi học, có đủ máy cho phòng học tin học... thì phải nghĩ cách gì đó chứ, phải không quý độc giả.

 

Tôi có vài lời tâm sự trải lòng như vậy, mong được quý độc giả góp ý chân thành vì có thể chính tôi cũng đang nghĩ theo xu hướng 1 chiều. Cũng rất mong rằng có 1 vị giới chức tâm huyết nào đó trong ngành đọc được bài viết của tôi, để xem như là 1 kênh thông tin phản hồi (nhiều bác tôi thấy ở trên thì nói giỏi lắm, nhưng đâu có biết ở dưới cơ cực như thế nào).

 

Và cuối cùng, nếu muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải thực sự đầu tư vào giáo dục, các bác à. Đổi mới, thay sách là điều đúng đắn. Nhưng đừng có bày chuyện đổi mới, thay sách rồi thay thiết bị dạy học mà để cho 1 số phần tử “đục nước béo cò” như mấy anh thiết bị trường học. Tốn cả trăm ngàn tỉ đồng mồ hôi nước mắt của dân đổi lấy đồ chơi con nít (nhiệt kế nước đang sôi chỉ… 80 độ; cung cấp hàng bị vỡ trong khi vận chuyển cũng không thấy đền hàng mới mặc dù tiền đã trả rồi...)

 

Son Le 

email:  hongsam77@gmail.com