Vị đắng mùa dưa ngọt

(Dân trí) - Vẫn là chuyện đến hẹn lại xảy ra. Năm nào cũng có cảnh hàng đoàn xe tải chở nông sản bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Kéo theo là bao nỗi niềm cay đắng mà nếu không phải người trong cuộc chắc hẳn khó hiểu rõ được những uẩn khúc.

Ùn ứ xe tải chở dưa tại cửa khẩu biên giới Tân Thanh gây nên các tệ nạn tiêu cực (ảnh: Xuân Thái)
Ùn ứ xe tải chở dưa tại cửa khẩu biên giới Tân Thanh gây nên các tệ nạn tiêu cực (ảnh: Xuân Thái)
 

Có một kiểu xin… phải cho!

 

Mở màn cho năm nay, trong khi giá bán lẻ ngoài chợ vẫn ở mức cao thì số phận bi đát của loại quả ngọt mát lành rất được người tiêu dùng ưa chuộng này tại cửa khẩu Tân Thanh lại đã sớm trở nên bi đát.

 

Luận bàn về cái có thể gọi là “nỗi khổ mang tên dưa hấu” xem ra cũng không phải dễ, bởi dù đích thân những người bị hại phải lên tiếng gửi đi các thông điệp thống thiết qua báo chí, thì người ta vẫn có những cách biện bạch nghe ra cũng.... có lý như: dưa không đưa đi được để cũng hỏng, đổ bỏ còn gây ô nhiễm môi trường. Dân tiếc của ngỏ lời xin, tài xế cho thì mới lấy…???

 

Vâng đó là nghe một tai từ phía những ai tự cho là mình "có lòng tốt", sẵn sàng "dùng đỡ cho người khác" của không mất tiền mua. Đã vậy vừa được ăn, vừa được gói mang về  lại… vừa được nói! Còn tai kia, dư luận có lẽ cũng đã quá hiểu tình cảnh của những người bị đẩy vào thế… bị xin (thử dám không cho mà xem?) của đau con xót nhưng thân cô thế cô, chẳng biết trông cậy vào đâu!!!

 

“Hôm mình đi Lạng Sơn cũng gặp cảnh tượng này. Trời ơi! Xe tải dưa đứng chắc phải gần 5km mất!” - Nguyen Thi Hue:  huebmc@gmail.com

 

“Người dân miền Trung rất cơ cực với cánh đồng để có được những trái dưa đem đi bán. Gặp cảnh rớt giá đã đau lòng rồi, nay lại thêm cái nạn “hôi” của! Sao lại có những con người như thế này?” - Nguoi mien Trung:  danhcd99@gmail.com

 

“Những người Việt đã khốn khổ, còn gặp phải những "đồng bào" như thế này thì…” - Hung:  ndhung7183@gmail.com

 

“Có vẻ lại còn hào hứng? Có lẽ họ coi đây là 1 kiểu "văn hóa" đất Việt? Chắc là cứ nghĩ: Không ăn thì để nó cũng thối, đằng nào chẳng đổ đi. Tranh thủ làm vài chục quả, mang cho anh em họ hàng...?  Lẽ nào quá khó để có thể thay đổi được những hình ảnh đáng buồn của những con người như vậy???” - Dương:  pvduongbg68@gmail.com

 

“Thật xấu hổ thay cho nhưng người  tự cho mình quyền ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người  khác!” - Nguyễn Văn Phúc:  Phucpervia@yahoo.com.vn

 

“Nhìn thấy bất lực, vô vọng quá! Tài xế chắc sẽ có cảm giác như mình đang trơ trọi giữa bầy…  mà không thể làm gì được. Buồn lắm thay!” - Nam:  poten@gmail.com

 

“Thương cho chủ hàng, chủ xe và tài xế. Đã bị ách hàng và lỗ vốn mà giờ đây còn bị… "cướp" chứ không phải là…”lấy đi” giữa ban ngày! Đúng là có những người dân VN mình giờ đây không còn danh từ nào để dùng nữa: tham lam, lười nhác, không ý thức, không lòng tự trọng…” - Nguyễn Ngọc Lang:  Quelan63@yahoo.com
 
Ngang nhiên lấy dưa trên các xe tải đang bị mắc kẹt ở cửa khẩu (Xuân Thái)
Ngang nhiên lấy dưa trên các xe tải đang bị mắc kẹt ở cửa khẩu (Xuân Thái)

 

Miếng ăn là miếng tồi tàn!

 

Chắc hẳn là như thế, có những miếng ăn... đắng nghét bởi cái cách mà người ta sử dụng để ép người khác phải cho mình. Dù sao đó cũng là cái bề nổi có thể nhìn thấy được, còn những gì phía sau “màn kịch mở” đau lòng này, trí tưởng tượng của người dân có thể đi rất xa đấy!

 

“Những hình ảnh này rất đáng xấu hổ! Đúng là "miếng ăn là miếng tồi tàn", ăn mà ăn bậy thế là trở thành ăn... cướp đó!!!” - Trần Văn Tích:  tichvantran@yahoo.com.vn

 

 “Tôi thấy những kẻ lợi dụng  khi hàng đang tắc để xin “đểu” hoặc “hôi” là xấu rồi, nhưng đau nhất vẫn là những ai đó muốn kiếm lời bằng thủ pháp ngăn hàng không cho đi? Kiếm tiền giá đó, theo tôi nghĩ, mới là mưu toan “hiểm” nhất mà báo chí hình như chưa động tới? Mà nếu đúng họ làm vậy là phá hoại kinh tế của nông dân, ăn không trên lưng của chính người lao động VN mình???” - Mai Thăng:  ongsukem@gmail.com

 

“Nhìn thấy mà đau lòng, công sức của nông dân không được coi trọng. Sự việc này diễn ra thường xuyên mà các cơ quan quản lý nhà nước không có biện pháp xử lý mang tầm vĩ mô, để mỗi năm "đến hẹn lại xảy ra"? Dưa hấu cũng chỉ là một trong vô số các loại nông sản bị như vậy, không lẽ đây là "sự phát triển" của một đất nước nông nghiệp? Tôi nghĩ, chúng ta nên có những hiệp định thương mại nghiêm ngặt và chặt chẽ với phía TQ ngay (đáng nhẽ phải từ lâu), đừng để người nông dân cứ phải gánh chịu rủi ro trong việc buôn bán qua con đường tiểu ngạch như thế này!” – Nguyễn Xuân Trường:  nguyenxuantruong00k3@yahoo.com

 

“Tại sao lại để ùn tắc kéo dài? Tôi nghĩ lực lượng chức năng nước ta đông đảo như vậy, tại sao lại để cảnh ùn tắc năm nào cũng diễn ra tại đây? Lúc đầu tôi nghĩ là do phía TQ, nhưng sau mới tá hỏa thì ra là do phía VN mình. Trời ơi, nếu thiếu người thì điều từ nơi khác đến hỗ trợ chứ. Giới chức Bộ Nông nghiệp PTNT đâu mà để nông dân phải chịu như vậy?

 

“Đánh trận” kinh tế cũng như đánh giặc, mặt trận nào yếu thì điều ngay quân từ nơi khác đến ứng cứu ngay chứ. Theo tôi, nên  quy trách nhiệm phụ trách hải quan cửa khẩu này và điều ngay người đến giải tỏa hàng cho bà con nông dân. Chúng ta phải nghĩ rằng xuất được hàng thì kinh tế nước nhà mới khá lên, và trong đó có cả kinh tế của bản thân mỗi người chúng ta. Cần coi đây như là 1 "mặt trận", mà tôi thấy cũng chẳng khó đến nỗi không giải quyết được đâu!” – Thanh Tam:  ndf1984@yahoo.com.vn

 

“Theo tôi thấy, tệ nạn "xin đểu" ở VN đang hoành hành ở mọi nơi, mọi lúc vì có hai nguyên nhân:

 

1/. Lực lượng chức năng thiếu tinh thần trách nhiệm.

 

2/. Chế tài luật pháp vẫn thiếu tính răn đe: không thể cứ tính theo số tiền một vụ để quy tội được, chỉ phạt hành chính thì không bao giờ dẹp được những đối tượng này” -  Tran Toan:  toan@gmail.com

 

Sự thật vẫn là sự thật không thể biện minh… Bạn đọc cũng gợi ý thêm những bài thuốc "dân gian" chữa bệnh né tránh sự thật:

 

“Tôi nói thật là những bài viết về đạo đức người VN hiện tại không oan đâu. Một số bài báo nêu ra thực trạng này thì nhiều người lại phản ứng là “không có tinh thần dân tộc”. Nhưng xin thưa, những ai hành xử như vậy đều là người VN đấy. Phải nhìn vào sự thật là ý thức và đạo đức của nhiều người VN còn kém lắm. Nhìn người Nhật như thế, khâm phục họ như thế… nhưng chắc còn rất lâu mới được như thế. Và nếu ta  không xem lại cách giáo dục nhân cách cho những thế hệ sau, có lẽ vẫn lại có những con người xấu xí và sẽ chẳng bao giờ được như nước họ đâu...” - Trần Tuấn Anh: tualh.ta@gmail.com

 

Khánh Tùng