Vẫn còn đó những hình ảnh không đẹp từ lễ hội

(Dân trí) - Mùa lễ hội năm nay mới bắt đầu, tiếng chê đã rất nhiều từ những người kết hợp du xuân với lễ Phật mong muốn được tĩnh tâm, thư thái, cầu bình an cho bản thân, gia đình… Vậy mà họ vẫn phải chứng kiến những cảnh phản cảm: chen lấn, lộn xộn, “chặt chém”...

Vẫn còn đó những hình ảnh không đẹp từ lễ hội - 1
Tất cả những gì được cho là lộc Thánh đều bị "càn quét" tơi bời sau giờ khai ấn tại lễ hội đền Trần (ảnh: Anh Thế - Quốc Đô)

 

Chen lấn trong biển người

 

Điểm qua loạt bài viết đăng trên các báo những ngày đầu Xuân này, ai cũng có thể thấy rõ thực trạng “bổn cũ soạn lại” của những gì còn bất cập, gây bức xúc với người dân... vẫn chưa thuyên giảm được là bao, dù nhiều cố gắng của chính quyền địa phương sở tại và các ban, ngành chức năng cũng đã được ghi nhận.

 

Cũng thực là rất khó, khi cả biển người đổ dồn về một địa điểm trong một khoảng thời gian ngắn. Với trình độ tổ chức ở các cấp chuyên môn hơn cũng còn khó tránh khỏi sai sót, nữa là với chỉ vẫn bộ máy hành chính không lấy gì làm lớn của các địa phương như vậy.

 

Bên cạnh những lời khen công tác tổ chức lễ hội Yên Tử có thể coi như bài học kinh nghiệm cho các ban tổ chức lễ hội khác, tiếng chê của người dân với công tác tổ chức những lễ hội thu hút đông khách nhất dịp đầu Xuân, theo chúng tôi nhận thấy, vẫn chẳng giảm đi là bao.

 

Cụm từ “chen lấn trong biển người” được lặp đi lặp lại ở hầu khắp các bài viết về lễ hội. Kể cả với hội Lim - lễ hội quan họ được đánh giá là rất đặc sắc và được rất nhiều người chờ đợi bởi thông báo xác lập kỷ lục về số người cùng hát quan họ năm nay - sự thất vọng từ phía khách tham quan xem ra lại càng lớn hơn trước.

 

Ý kiến của đa số bạn đọc cũng trùng hợp với đánh giá của Tiến sỹ Đặng Hoành Loan – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc VN, rằng hội Lim nay đã thành hội Lim khác. “Trung tâm của hội dường như bị tan loãng, chỉ thấy ở đây sự ồn ào quá lớn. Nếu về đây để được nghe một câu quan họ cho hay, thực sự là điều đáng buồn bởi không còn câu quan họ hay nữa. Hát trong sự xô bồ thế này không phải nghệ thuật quan họ” – ông Loan nêu rõ.

 

Hồng Hà ha@yahoo.com  đồng tình: “Sở VH-TTDL Bắc Ninh nghĩ sao, khi hội truyền thống mà tôi thấy biến dạng quá nhiều...”

 

Đinh Minh Xuân xuandoctin@yahoo.com cũng nhấn mạnh khía cạnh lễ hội đã nghiêng về bị khai thác lợi ích về kinh tế: “Tôi thường có mặt tại hầu hết các khu vực có lễ hội, từng được chứng kiến việc các nhà làm du lịch chỉ khai thác lợi nhuận về kinh tế. Hình như cái gì họ cũng thích to để được "ghi nét" hơn là bảo tồn, phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc, để phổ quát đến với công chúng trong và ngoài nước biết đến ngày càng nhiều hơn...  Mong rằng những người làm văn hóa hãy vì cái tâm, tôn trọng nền tảng văn hóa cha ông, nhằm giáo dục lòng tự hào dân tộc để cùng nhau chung sức xây dựng một quốc gia ngày càng thịnh vượng, như tổ tiên chúng ta bao đời hằng mong đợi”.

 
Vẫn còn đó những hình ảnh không đẹp từ lễ hội - 2
Hơn 3.500 liền anh, liền chị hát quan họ xác lập kỷ lục tại Hội Lim năm nay (ảnh: Đoàn Thế Cường)

 

Tình trạng vẫn để cho những hình ảnh gây phản cảm tràn lan trên các nẻo đường dẫn tới nơi tổ chức lễ hội, cũng được phản ánh khá nhiều, từ "chặt chém" giá dịch vụ, tệ nạn "cái bang" tới cờ bạc,  bói toán, xe công vẫn bị lạm dụng chở người đi lễ...:

 

Ngoc Anh Phamngocanh119@gmail.com lưu ý: “Xin chúc mừng các liền anh, liền chị quan họ Bắc Ninh. Tuy nhiên, tôi cũng thấy vấn nạn ‘cái bang" không chỉ xuất hiện ở Hội Lim,  mà tại rất nhiều lễ hội khác. Ví như tôi gặp rất nhiều cảnh xin xỏ, chèo kéo du khách tại chợ Viềng ở Nam Định, ở lễ hội chùa Hương…Các cấp chính quyền nên có những biện pháp cụ thể để hạn chế tối đa hiện tượng này…”

 

Nick Nguyen cai Bang nguoiviet@yahoo.com lại nhấn mạnh lo ngại về sự “đổi màu” rất cần xem xét xóa bỏ: “Tôi thấy văn hóa hình như đã đổi sắc màu nhiều quá. Mùa xuân lễ hội khắp nơi nơi, đây là nét văn hóa quả thực đáng tôn kính. Nhưng lễ hội ở đâu cũng không tránh khỏi tệ "cái bang"... Chuyện này có từ lâu, nhưng ngày nay vừa tương tự vừa bị "thương mãi hóa" (hay nói cho đúng là "đầu nậu"). Biết là khó triệt để được, tuy nhiên điều đáng nói là hầu như lễ hội nào cũng chỉ bị một nạn ‘cái bang’ trên cạn, dọc đường. Chỉ riêng quan họ lại thấy có vẻ như thêm “cái bang” dưới nước, trên thuyền vừa hát vừa dơ nón ba làng (chứ không phài nón lá như “cái bang” trên cạn)…. Xin Bộ VHTTDL vào cuộc ngay để gìn giữ những nét đẹp truyền thống, nhất là đừng làm ảnh hưởng tới sự công nhận của UNESCO. Mong lắm thay!”
 
Vẫn còn đó những hình ảnh không đẹp từ lễ hội - 3
Nạn "cái bang" tràn lan tại hội Lim (ảnh: Đoàn Thế Cường)

 

Bài học muôn thủa: ý thức

 

Câu chuyện về ý thức người dân có lẽ nói rồi, nói lại, nói mãi… vẫn chẳng cải thiện được là bao. Đành rằng đại đa số người dân VN ta rất tốt, nhưng có một thực tế không ai có thể phủ nhận được, đó là ý thức nói chung của dân ta thực sự đang bị chính nhiều người trong chúng ta và bạn bè nước ngoài đánh giá là: kém!

 

Ví dụ như với lễ khai ấn đền Trần, mà nhiều năm qua đã khiến nhiều người phải phàn nàn về sự biến tướng thương mại hóa trong nghi thức phát ấn, cũng như cảnh chen lấn, xô đẩy… lại một lần nữa bị gióng chuông báo động.

 

Năm nay, tình hình khi phát ấn có khá hơn nhờ quy định mới. Nhưng tình trạng chen lấn,  lộn xộn lại lặp lại cũng vào thời điểm nhạy cảm – đêm 14 tháng Giêng âm lịch. Chỉ có khác chút ít là hàng ngàn người năm nay thay vì tranh nhau cướp ấn, lại chuyển sang vét sạch "lộc”đền Trần.

 

“Lễ hội ngày một biến tướng, thể hiện sự tham lam vô bờ bến của con người, bên cạnh đó cũng thể hiện sự mông muội… Người nào cũng muốn thăng quan tiến chức và kiếm thật nhiều tài lộc, mà lại không bằng việc chăm chỉ học tập và lao động,  thì có lẽ đến các vị nhà Trần nếu sống lại cũng sẽ buồn thay cho con cháu!” - Nguyễn Hữu Thanh:  nguyenhuut18@yahoo.com

 

“Họ đến xin ấn đâu phải vì sự thành tâm "ôn cổ tri tân", mà tôi nghĩ họ đến đền Trần Nam Định rất đông vì 2 lý do: Thứ nhất là vì lòng tham bởi ai cũng muốn có chức cao, quyền lớn. Ai cũng muốn lắm bạc nhiều vàng. Họ đến vì mong ước cá nhân được giàu có và vững vàng ở vị trí của mình. Thứ 2, họ chẳng hiểu lễ phát ấn của nhà Trần dành cho ai và vì mục đích gì mà 15 tháng Giêng nhà Trần lại phát ấn. Không hiểu rõ về lý do phát ấn nên lòng tham cứ lôi kéo họ đến xin ấn. Lại nữa, theo tâm lý chung là cứ thấy lạ, thấy lợi thì đi chứ có khi cũng chẳng thật rõ đi vì mục đich cao cả gì… Việc này, các nhà sử học và các cơ quan thông tin đại chúng nên nói cho dân hiểu rõ lý do nhà Trần phát ấn và ai là người được hưởng ấn. Đừng nên để cho những người vẫn mang tâm lý "đục nước béo cò", lợi dụng tín ngưỡng tâm linh, sự thiếu hiểu biết và cả lòng tham của không ít người dân mà "móc hầu bao” của chính những người dân đổ tới đây” – Trần Tuấn Tiến: tuântiendong@gmail.com

 

“Một nét văn hóa đẹp đã và đang bị biến tướng bởi thiếu sự định hướng và quản lý của ngành VHTTDL. Tại sao không cấm việc dâng lễ vật tự phát ở những lễ hội? Các mâm lễ, như tôi thấy sặc mùi vật chất: xôi thịt, rượu bia, tiền… có mặt ở khắp các lễ hội tâm linh: chùa Hương, Yên Tử, đền bà Chúa Kho, rồi đến cả đền Trần…. Điều này, tôi nghĩ có lẽ chỉ có ở VN. Các giới chức đầu ngành VHTTDL ở cả Trung ương và địa phương nghĩ gì về thực trạng này?...” – Bang Viet:  bangviet7@gmail.com
 
Vẫn còn đó những hình ảnh không đẹp từ lễ hội - 4
Tệ cờ bạc tại Phủ Giày (ảnh: Anh Thế - Quốc Đô)

 

Thực tế đang diễn ra đúng như kết luận được nêu trong bài viết đăng trên báo Nhân dân ngày 6/2 (rằm tháng Giêng): Những hình ảnh phản cảm, lộn xộn đã nêu trong các lễ hội diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Bên cạnh việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, nâng cao trình độ quản lý của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của lễ hội, chấm dứt những lộn xộn, những hành động phản cảm tại lễ hội. Có như vậy, lễ hội mới diễn ra văn minh, an toàn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Để những chuyến hành hương thật sự là giờ phút nghỉ ngơi, thư thái của người dân dịp đầu Xuân.

 
Sẽ ý nghĩa hơn biết bao khi các lễ hội làng quê của chúng ta vẫn gìn giữ và tôn vinh được những nét đẹp truyền thống, đậm đà những sắc màu văn hóa và tín ngưỡng của người dân nước Việt ta, với dấu ấn của cả bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc...
 

Kiều Anh