Bạn đọc viết

“Ước gì có con đường tử tế để đi…”

(Dân trí) - “ Đường đi như thế này khổ lắm rồi, sợ lắm rồi, cứ đi thế này chả biết mất mạng lúc nào…, cái cầu kia cũng sợ lắm…”. Đó là câu chuyện của những người dân ở một miền đất thuộc tỉnh Cao Bằng mà tôi sắp kể dưới đây..

Đó là câu chuyện tại xóm Pác Nà, thuộc địa phận xã Bạch Đằng, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Mọi vấn đề có lẽ bắt nguồn bởi con sông vắt quanh địa phận xóm. Thế rồi một bộ phận dân cư bị ngăn cách, và cái câu “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” có lẽ không còn đúng trong trường hợp của những người bà con dân tộc Tày ở nơi này.

Cần một cây cầu an toàn để qua sông …

Một nửa xóm Pác Nà trở nên tách biệt với nửa xóm còn lại và xóm Bản Sẳng. Đến nay, toàn bộ có 7 hộ dân với gần 30 nhân khẩu. Hiện nay, những người dân ở “bên kia sông” đi lại bằng cây cầu tre nối liền sang xóm Bản Sẳng. Dù không đảm bảo an toàn nhưng hằng ngày họ vẫn phải đi lại trên đó bởi cũng không còn cách nào khác.

Thực ra, rất nhiều năm trước đó họ đi theo con đường nối sang nửa xóm Pác Nà bên kia (phải gửi xe cộ ở xóm bên rồi đi bộ và vẫn phải vượt sông để về nhà).

Theo chia sẻ của họ, ở con đường bến sông cũ trước đây – học tức tưởi và nhức nhối lắm! mỗi khi mưa lũ về, nếu như nước chảy siết quá đến độ không thể chống mảng thì trẻ con lại phải cuốc bộ đường vòng đi học, vòng vèo qua đồi, qua bìa rừng, vừa đi vừa để ý lũ vắt và muỗi, đến khổ! Còn đối với các bà mẹ thì gồng gánh lỉnh kỉnh đi chợ búa mà cứ phải đợi chồng đưa sang sông, rồi cuốc bộ đến chỗ xe pháo mới được tăng tăng lên đường, dù đi sớm nhưng đến chợ vẫn cứ vất vả tìm chỗ bán hàng, đơn giản là vì… không kịp người ta.

Hết năm này qua năm khác, họ mong muốn có cây cầu treo kiên cố để an toàn đi lại nhưng mãi không thấy, đành dựng cầu tre – được mùa nước cạn, rồi đến khi lũ về lại… cuốn đi hết thảy.

Từ cái thưở xe cộ phổ biến cho đến năm 2013, ít nhất cũng gần hai chục năm rồi, chưa bao giờ họ được “khuân” cái xe về đến nhà mình!

 

“Ước gì có con đường tử tế để đi…” - 1

Cây cầu hiện tại vắt qua xóm Bản Sẳng là nhờ một doanh nghiệp khai thác cát đầu tư cất nên do phải bồi thường cho người dân vì việc nạo vét làm mất bến sông nối sang đồng ruộng; chứ không hề có sự giúp đỡ hay hỗ trợ từ phía chính quyền. Từ đó đến nay, người dân hai xóm cũng đã phải sửa chữa, tu bổ không ít lần.

Một cây cầu tạm thời bảo toàn cho họ khi mưa lũ về. Đây đúng là niềm vui chưa từng có đối với gần 30 con người ở đây, mặc dù khi qua cầu, họ phải dắt xe chứ ít ai dám “phi” thẳng qua. Nhiều người ở xóm Bản Sẳng kề bên còn “hãi chết” cái cảnh căng thẳng dắt xe qua cầu, sợ cái cảm giác đung đưa, dềnh dềnh giữa cầu, rồi sợ không may sẽ rơi “tùm” xuống sông…

Đó là một cây cầu tạm, và e rằng niềm vui nhỏ của mấy chục con người kia cũng chỉ là tạm bợ mà thôi. Thật sự là không an toàn, mà còn chưa kể mỗi khi đến mùa vụ thì cây cầu èo uột này lại  phải chịu bao nhiêu áp lực – nào là những khối máy cày o uỳnh rầm rầm qua lại, rồi nhiều người lại bất chấp mà phăng phăng chở lúa, ngô nặng trịch về nhà…

… Con đường mòn nguy hiểm

Đường sá đi lại khó khăn ở những nơi vùng sâu, vùng xa vốn không còn lạ lẫm gì.

Địa phận xã Bạch Đằng có quốc lộ 3 chạy qua, và xóm Pác Nà nằm cách đó chừng 6 – 7 km.

Năm 2013, 7 hộ dân tự vận động nhau để mở rộng con đường mòn chút ít (đoạn từ cầu về xóm) để có thể mang xe cộ về đến nhà. Đến đầu năm 2015,  xóm mới nhận được một phần ngân sách hỗ trợ trong chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn  “rót” về xã, bảy hộ dân tự  xuống sông  xúc, vác, gánh về từng chút cát sỏi rồi tự làm đường cho mình.

Niềm phấn khởi chưa được bao lâu thì vụt tắt trong nơm nớp lo sợ, bởi sau mấy trận mưa lũ tàn phá trong đợt tháng 7, tháng 8 vừa rồi thì giờ đây, con đường “hạnh phúc” của họ đã và đang trở nên tan tác. Đoạn đường chừng 2km dọc con theo con suối có đến 5- 6 điểm đã bị sạt sở nguy hiểm.

 

“Ước gì có con đường tử tế để đi…” - 2

: Nhiều đoạn đường bê tông đã bị vùi lấp (trong ảnh là anh Nông Văn Sỹ - người dân xóm Pác Nà).

Không còn lối đi nào khác nên mọi người cứ thế vẫn đi lại, người lớn vẫn đi chợ, đi làm đồng, trẻ con thì cũng liều mình đi học trên con đường nguy hiểm đó.

 

“Ước gì có con đường tử tế để đi…” - 3

Đi chợ, đi làm, đi học…, giờ đây mọi thứ đều phó mặc vào con đường nguy hiểm này… (người trong ảnh là anh Nông Văn Tướng – người dân xóm Pác Nà)

Anh Nông Văn Tướng có con gái đang học lớp 8 kể rằng: “Lúc nó học lớp 6, có hôm trời mưa, đường trơn quá, cả người cả xe ngã đổ ụp xuống bụi cỏ. Không thể nào kéo xe đạp lên nên con bé bỏ lại xe, quần áo thì bẩn nhưng sợ muộn học nên cứ thế cuốc bộ lên xóm trên để đi nhờ xe của bạn. Lúc sau vợ chồng tôi đi chợ, thấy chiếc xe đạp ngã ngửa dưới đường, bàng hoàng lo sợ con mình bị làm sao đấy mất rồi…”.

Như tình trạng hiện giờ thì người và xe đi qua có thể bị ngã, đổ ập xuống vách bất cứ lúc nào. Những người dân này cho hay, qua vài hôm nữa rảnh rỗi thì họ lại cùng nhau đi dọn đất, sửa sang lại. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp chống chế tạm thời mà thôi. Thử hỏi, liệu con đường mòn mỏng manh thế này liệu sẽ chống đỡ được bao lâu trước mưa lũ ?

 

“Ước gì có con đường tử tế để đi…” - 4

: Nhiều đoạn đường hiện đang rất… nguy kịch…

Anh Nông Văn Sỹ (43 tuổi) chia sẻ: “Khổ lắm rồi, sợ lắm rồi, cứ đi thế này chả biết mất mạng lúc nào…, cái cầu kia cũng sợ lắm…”. Cái mà họ cần chính là một con đường thật kiên cố, thật vững chắc và an toàn hơn, chứ không phải là một lối đi tạm bợ như thế này.

 

“Ước gì có con đường tử tế để đi…” - 5

Và đường điện lưới ọp ẹp ở đây cũng là người dân tự túc kéo về vào năm 2013

Xã Bạch Đằng được phân thuộc diện khu vực I từ tháng 9/2013, tuy nhiên, nhiều xóm trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể với giao thông liên xóm, liên thôn là một điển hình. Những người dân cho hay: “Chủ tịch xã - Nông Ích Hoán bảo rằng: sẽ cố gắng “đòi” lại diện xã vùng II cho bà con. không biết liệu có được hay không…”.

Câu chuyện của xóm Pác Nà không phải là một trường hợp duy nhất, chắc chắn còn những vùng đất khác nghèo và khó hơn nơi đây, và câu hỏi luôn đau đáu lúc này chính là: Tại sao một xã Bạch Đằng không phải ở miền quá xa xôi hẻo lánh nhưng giao thông còn nhiều khó khăn, điện vẫn chưa đủ dùng?  Và Nhà nước, chính quyền sẽ phải làm gì, làm thế nào để giúp người dân thoát khỏi nghèo khó thực sự?

N. Thuyết