Từ tiêu chí cán bộ xã, ngẫm về bằng cấp và con người

(Dân trí) - Câu chuyện một vị chỉ có trình độ văn hóa lớp 4 nhưng đã liên tiếp 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch 1 xã ở Cà Mau, thật bất ngờ khi khiến bàn tròn dư luận cả nước trở nên sôi động bởi hai luồng quan điểm khá trái ngược với nhau.

Yếu tố “lịch sử để lại”
 

Cán bộ cấp xã phường lâu nay vẫn bị dân kêu ca là phần lớn, mấy ai được tiếng khen của dân đâu. Vậy mà với trường hợp rõ ràng đã có sự khai man lý lịch để gia tăng trình độ học vấn của một vị Chủ tịch xã ở Cà Mau, xem ra dư luận lại nghiêng theo chiều hướng có quan điểm linh hoạt và mềm dẻo hơn trong nhận xét, so sánh, đánh giá về bằng cấp và con người… Đặc biệt nhiều bạn đọc lưu ý tới “yếu tố lịch sử” của thời thập niên 1980, khi cái ăn còn chưa đủ no nói gì tới chuyện lo học hành cho có bằng cấp để làm cán bộ. Mà làm cán bộ cấp xã phường thời gian khó đó thì chủ yếu chỉ… ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng mà thôi.

 

“Chuyện bình thường của XH VN giai đoạn này ấy mà. Nếu tòa soạn giành riêng 1 chuyên mục và nếu tui là nhà báo, có lẽ chẳng mấy chốc chỉ lĩnh tiền nhuận bút mà… giàu (vì nhiều lắm và cũng ly kỳ lắm)” - Nguyễn Hoàng Anh:  phihoang1709@gmail.com

 

“Đùng có quá coi trọng về bằng cấp như vậy! Do điều kiện thời đó đã có ăn đâu mà lo học, miễn là bây giờ họ làm được việc, lo được cho dân là được rồi. Còn hơn mấy ông học cao chỉ lo cho túi riêng của mình đầy thôi,  còn dân kêu than bao nhiêu cũng … mặc kệ” - Ho Huong:  muoivinhngoc@gmail.com

 

“Chuyện bằng cấp thời điểm đó do cơ chế có phần còn chưa rõ ràng, nên ai khai gì cũng có thể được chấp nhận. Miễn là nhiệm vụ được giao hoàn thành tốt, có như vậy nên chắc ông này mới làm được 2 nhiệm kỳ ở xã. Mà theo tôi thấy chắc ông cũng được lòng dân, không xảy ra vấn đề gì là tốt rồi. Còn hơn ở quê tôi có một ông sếp cấp tỉnh để xảy ra nhiều chuyện mà báo chí đã tốn bao giấy mực, từ vụ chưa học hết tiểu học mà có bằng đại học (từ xa)… cho đến bây giờ vẫn còn scandal đấy” - Trần Văn Khoan:  vankhoankt@hue.vnn.vn

 

“Thời buổi này cái gì cũng đòi bằng cấp, nhưng các bác đâu hiểu xuất phát điểm của chúng ta là thấp thì mọi thứ phải từ từ. Chứ tôi thấy hình như mấy vị mới lên lại tỏ ra coi nhẹ đóng góp của những thế hệ đi trước. Nhưng cũng chính vì cái kiểu coi trọng bằng cấp mà quên chất lượng nên mới có rất nhiều trường hợp sử dụng bằng giả, đi học giả.... Theo tôi nghĩ, họ là cán bộ địa phương, họ được tín nhiệm của dân thì mới làm được đến 2 khóa chủ tịch xã, vậy mà bây giờ lai quay ra nói họ không đủ bằng cấp thì có nên chăng? Hãy nhìn vào hiệu quả công việc người ta làm, chứ đừng chỉ nhìn vào điểm xuất phát của người ta. Nếu không có năng lực thì chắc đã không được cân nhắc để đua vào vị trí đó ở thời điểm đó đâu. Ngày xưa nếu được hỏi, có mấy bác cán bộ muốn về công tác tại địa phương đâu (nhất là ở vùng sâu, vùng xa)....” – nick Toi la Toi:  ngheo1982@gmail.com

 

“Tôi nhất trí với ý kiến của nhiều bạn đọc. Trình độ chỉ một phần thôi, quan trọng là phải có năng lực và có tâm huyết. Chúng ta đừng có hình thức quá mà chất lượng thì không quan tâm, đó là điều rất đáng sợ. Tại sao bây giờ có rất nhiều người đi học nâng cao lên bằng nhiều loại hình đào tạo, nhưng chủ yếu để lấy bằng cấp chứ không quan tâm đến chất lượng, chính vì như vậy mà nước nhà vẫn nghèo? Tôi mong muốn nhà nước chúng ta thay đổi cách tuyển dụng, phải chọn những người có năng lực chứ không hình thức quá. Bằng cấp chỉ là một phần thôi!” - Huyen: huyennhung199@gmail.com

 

“Nhiều bạn nói đúng, học hết lớp 4 mà được tín nhiệm làm 2 nhiệm kì còn hơn nhiều vị có học vị cao mà không làm được gì cho dân, cho nước. Chủ tịch xã không phải thích làm là được đâu, phải là đại biểu HĐND xã (cái này do dân bầu đấy, các bác ạ)…” -  Dan:  dan@gmail.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Chuyện không có gì lạ

 

Chỉ một phần nhỏ phản hồi của bạn đọc chia sẻ với sự bức xúc của cư dân Cà Mau với trường hợp ông Chủ tịch xã này, nhưng  quan điểm cũng không quá cứng nhắc, chủ yếu là từ đó dẫn tới những suy tư với một số thực trạng nhức nhối trong cuộc sống hôm nay:

 

“Thật không thể tin được điều đó xảy ra ở một xã thuộc thành phố Cà Mau. Trong khi hàng ngàn người có bằng đại học, thậm chí bằng tốt nghiệp loại giỏi, mà vẫn không có việc làm. Vậy mà lãnh đạo Cà Mau vẫn bổ nhiệm người làm Chủ tịch xã đến 2 nhiệm kỳ trong khi trình độ văn hóa mới lớp 4?” - Tran: duy@yahoo.com

 

“Nước ta có những cán bộ như thế này thì đất nước liệu có giàu đẹp được không, thưa các bác quản lý???? Thật đáng thương cho các bạn sinh viên 5 năm đèn sách dùi mài kinh sử mới có được tấm bằng đại học, để sau đó....đi bán trà đá…” - Đỗ Văn Hảo:  dovan_hao2000@yahoo.com

 

“Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà, có gì lạ đâu!!! Khai lý lịch Đảng, ứng cử HĐND, đề bạt cán bộ… có ai kiểm tra bằng văn hóa bao giờ. Chỗ tôi ở có anh học lớp 5, khai lớp 12, đang làm xã đội trưởng, chuẩn bị Phó CT xã rồi đấy” - Đức Minh:  ducminh072@yahoo.com

 

“Đây chắc cũng là chuyện bình thường của cán bộ xã thôi. Nơi tôi ở, cán bộ xã cũng toàn như thế. Điển hình có vị chủ nhiệm hợp tác xã học hết lớp 1, từ khi bổ nhiệm xong vị này lo bổ túc văn hóa đến cấp 3, xong đi học trường Đảng và gì gì nữa…. Có nghĩa hơn 10 năm chỉ ăn với đi lo bổ túc văn hóa để… kiếm cái sổ hưu sau này thôi. Nghĩ mà buồn cho lớp trẻ bây giờ, bằng giỏi trường danh tiếng, nỗ lực phấn đấu để rồi phải đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Mà hồ sơ vào làm công nhân chỉ được nộp bằng lao động phổ thông, chứ nộp bằng ĐH người ta không nhận. Nói thật, nhìn đội ngũ cán bộ địa phương nói chung mà chỉ thấy…đau lòng !!!” - Trung Nguyen:  trungphong822003@yahoo.com

 

Nhưng tựu trung lại, đa số bình luận cùng chia sẻ quan điểm với nick Arsenal0507  thangtueba@gmail.com:

 

“VN ta sao cứ quan trọng bằng cấp và trình độ học hết lớp mấy mà phán xét? Quan trọng là người ta có làm được việc hay không, có trách nhiệm và thực sự là đầy tớ của dân hay không. Nếu người ta tâm huyết, làm được việc, được dân tín nhiệm thì còn tốt hơn nhiều ông quan tham, bòn rút, tham nhũng, bóc lột của dân!”
 
Tất nhiên cụ thể trong trường hợp này thế nào cũng còn chưa thật rõ, nhưng dư luận vẫn gặp nhau ở quan điểm: tốt gỗ hơn tốt nước sơn.

 

Khánh Tùng