Từ lời cảm ơn của Tổng thống Donald Trump về sự hỗ trợ của Việt Nam

Việt Nam được thế giới đánh giá phòng chống dịch có hiệu quả. Việt Nam còn dành vật tư y tế tặng bạn bè quốc tế.

Từ lời cảm ơn của Tổng thống Donald Trump về sự hỗ trợ của Việt Nam - 1

450.000 đồ bảo hộ hạ cánh xuống Dallas, Texas. Ảnh: Twitter/Donald Trump

Trên trang Twitter, Tổng thống Donald Trump viết đêm 8.4 (giờ Mỹ): "Sáng nay, 450.000 bộ đồ bảo vệ đã hạ cánh tại Dallas, Texas. Điều này đã được thực hiện nhờ sự hợp tác của hai công ty lớn của Mỹ là DuPont và FedEx cùng những người bạn của chúng tôi tại Việt Nam. Xin cảm ơn!".

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho hay: “Chuyến hàng này sẽ giúp bảo vệ các chuyên gia y tế làm việc trên tuyến đầu chống lại COVID-19 tại Mỹ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Mỹ -Việt Nam". 

Mới đây, khoảng 30 y tá tập trung bên ngoài một bệnh viện ở New York phản đối tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ khi điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Họ lên tiếng: "Người lính sẽ không tham chiến nếu không có vũ khí, vậy tại sao các y tá vẫn phải làm việc khi không có thiết bị bảo hộ?". Vào lúc cực kỳ khó khăn này, lô hàng sản xuất tại Việt Nam được hỗ trợ đến kịp thời trở nên rất có ý nghĩa. 

Không chỉ với Mỹ, chiều 7.4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã trao tượng trưng số hàng hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi tặng Chính phủ và nhân dân các nước Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Số hàng trao tặng bao gồm 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn, do Việt Nam sản xuất.

Các nước Lào, Campuchia cũng vừa nhận các lô hàng vật tư y tế đến từ Việt Nam. Sự chia sẻ của Việt Nam với bạn bè quốc tế trong đại dịch tuy chỉ ít ỏi, nhưng "bằng một gói khi no", bởi vì đây chính là tình nghĩa, là hợp tác, đoàn kết quốc tế trong phòng chống dịch bệnh.

Nhưng câu chuyện không chỉ dừng lại ở đây, mà hướng tới ngày mai. Các doanh nghiệp Việt Nam tính đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa đến thị trường Mỹ và Châu Âu, trong đó có mặt hàng về y tế. Đơn cử, Tổng Công ty May 10 cho biết hiện có đối tác đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu USD (bằng 30% doanh thu năm 2020). Từ nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động lúc dịch bệnh, có thể tính đến việc mở thêm một kênh trong sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may.

Đã có tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam bắt tay sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ, máy thở. Một số nước Châu Âu có đơn đặt hàng, nếu các sản phẩm xuất khẩu đầu tiên thuyết phục được thị trường Mỹ và Châu Âu, thì cánh cửa sẽ mở ra cho những ngày sắp tới.

Thời cơ có trong nguy biến, chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp bắt được.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động