Từ hai vụ án, lộ ra những khoảng trống trong pháp luật

(Dân trí) - Việc cơ quan điều tra khởi tố bị can với kẻ ấu dâm được cộng động hoàn toàn ủng hộ, thì với vụ án nâng điểm lại hoàn toàn ngược lại, dư luận “dậy sóng” khi một số trường vẫn cho những học sinh được nâng điểm tiếp tục theo học và chưa xử lý những phụ huynh liên quan.

Từ hai vụ án, lộ ra những khoảng trống trong pháp luật - 1

Minh họa: Ngọc Diệp

Thời gian qua, vụ án nâng điểm cho hàng trăm học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp và vụ án Nguyễn Hữu Linh ( Linh “nựng”) có hành vi dâm ô với bé gái thực sự gây bão sóng dư luận.

Khi vụ Linh “nựng” xảy ra, các cán bộ tiến hành tố tụng, những người làm luật và các luật sư mới vỡ lẽ, hóa ra hai chữ “dâm ô” bao la quá, không dễ để kết tội bởi, thế nào là các vùng “nhậy cảm” vẫn chưa quy định cụ thể; vỗ mông, vỗ đùi có bị coi là dâm ô; ranh giới nào phân biệt “nựng” hay “lạm dụng”… Về vấn đề này, trong ngày làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, nếu Bộ Luật Hình sự trước đây có hẳn một chương về tội danh này, nay bộ Luật Hình sự 2015 chỉ còn một điều. Do đó, tướng Lê Quý Vương đề nghị sửa quy định của Bộ luật Hình sự 2015 cho rõ hơn:  "Về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi cũng phải làm rõ. Hành vi ôm ấp, hôn hít có phải dâm ô không? Hay tội quấy rối tình dục?..."

Do đó, việc khởi tố Linh “nựng”, theo dư luận là hơi muộn, nhưng đó là sự thận trọng cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng luật một cách chủ động mà vẫn đảm bảo đúng luật. Nhưng điều lạ là, nếu vụ ấu dâm, khoảng trống các quy định là khá rõ, thì vụ án nâng điểm cho hàng trăm thí sinh có thể khẳng định rằng, các căn cứ luật để xử lý những người trong đường dây nâng điểm (gồm cả phụ huynh) và các thí sinh là rõ ràng hơn rất nhiều. Nhưng vì sao mỗi trường lại xử lý một kiểu khiến dư luận bất ngờ.

Dư luận hoàn toàn đồng tình việc các trường thuộc Bộ Công an trả tất cả các thí sinh dính dáng việc nâng điểm đều bị trả về địa phương. Trong khi đó, một số trường đại học khác lại có cách xử lý hoàn toàn khác: những thí sinh sau chấm lại nếu đủ điểm thì vẫn tiếp tục được học. Câu hỏi đặt ra, việc xử lý như vậy liệu có đúng luật? Câu hỏi này có ngay nếu so sánh, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi là bị đình chỉ thi, kể cả chưa dùng, vậy mà, cả đường dây nâng điểm như vậy, lẽ nào thí sinh lại vô can? Quá vô lý – không thể nói khác.

 Nói điều đó để thấy, quy chế thi là chặt chẽ, nghiêm túc, thậm chí, nếu mức độ nặng, thí sinh bị cấm thi trong một số năm. Nếu thí sinh không cung cấp ngày sinh, số báo danh, điểm thi, phòng thi thì ai có thể biết mà sửa bài, nâng điểm. Do đó, không thể nói, những học sinh này không biết việc nâng điểm, bởi chính họ nằm trong hệ thống nâng điểm táo tợn này.  

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là, cùng quy chế thi, nhưng tại sao các trường lại có cách xử lý khác nhau như vậy?

Thực tế cho thấy, sự lúng túng này không chỉ ở một số trường đại học mà ngay từ Vụ Giáo dục Đại học, , Bộ GD&ĐT. Theo Dân trí, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho rằng, “nếu thí sinh bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển thì các trường vẫn có thể để thí sinh tiếp tục học tập, trừ trường hợp trường có quy định khác đã được công bố.” Quan điểm của bà Phụng khiến dư luận sững sờ. Dư luận cũng khó chấp nhận việc bà Phụng  “đưa đẩy” một câu cho an toàn: “trừ trường hợp có quy định khác”. Là Vụ trưởng, nếu có “quy định khác” lẽ nào bà Phụng không biết?

Sau đó, trên Dân trí, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra quan điểm chung chung: “Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Quan điểm của Bộ Giáo dục là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.” Vậy, để giải quyết nội dung này, chính Bộ GD ĐT cần có câu trả lời dứt khoát: những thí sinh được nâng điểm có “liên quan đến gian lận thi cử” hay không?

Mặt khác, Bộ trưởng Nhạ cho rằng: “Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường.

Vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ nói đúng luật, nhưng chưa đủ. Bởi, đúng là, việc xử lý “thuộc thẩm quyền của các trường”, nhưng quy chế thi thì chỉ có một và chung cho toàn quốc. Vì vậy, không thể vì “quyền tự chủ” mà các trường tùy ý xử lý. Tất cả các trường phải xử lý theo quy chế thi được Bộ GD ĐT ban hành. Không thể khác.  Kỷ cương phép nước là thượng tôn.

Vương Hà