Trường Nguyễn Khuyến bị tố như “trại lính”: Mặt trái của kinh doanh giáo dục

Chọn phương án tuyển sinh khắt khe, rồi thiết lập “kỷ luật sắt” để học sinh đạt thành tích cao trong học tập, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu để tuyển sinh, đó là cách làm của Trường tư thục Nguyễn Khuyến (TP HCM).

Trường Nguyễn Khuyến bị tố như “trại lính”: Mặt trái của kinh doanh giáo dục - 1

Sự kiện học sinh của Trường tư thục Nguyễn Khuyến (TP HCM) phải tự tử vì áp lực học hành, sau khi để lại bức thư đẫm nước mắt cho thấy góc khuất đáng sợ từ những thành tích cao chót vót của những trường “top”.

Các trường tư thục, do tư nhân và doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư là một hình thức kinh doanh. Muốn thu hút học sinh vào càng nhiều để có lợi nhuận lớn, họ buộc phải khẳng định được thương hiệu, bằng chất lượng đầu ra, thành tích trong học tập của học sinh.

Ban đầu, họ đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đúng chuẩn, khang trang, mời gọi các nhà giáo giỏi về đầu quân. Chỉ cần thêm đầu vào chất lượng cao nữa là đã có đầy đủ các điều kiện để có chất lượng đầu ra tốt.

Khi bắt đầu có “thương hiệu”, phụ huynh đua nhau cho con đăng ký, các trường này tổ chức tuyển sinh, lựa chọn những em có điểm số cao, thậm chí không thua gì trường chuyên. Nhưng thay vì tạo ra không khí thân thiện, nhân văn, dân chủ để động viên trò vươn lên, những trường này đã chọn cách làm “dễ” và nhanh chóng cho kết quả là ép học sinh vào kỷ luật hà khắc như “trại lính”.

Chỉ cần đi chậm vài phút, không cần biết lý do, là học sinh phải đứng ngoài cửa cả tiết học, hoặc buộc phải quét sân, rửa bát; liên tục bị dọa cho chuyển trường (thực chất là đuổi học); thức dậy từ rất sớm, mỗi em cầm một quyển sách và một cái ghế nhựa ra ngồi học cho đến khi thuộc bài… là những hình thức kỷ luật, nội quy do các trường tư nói trên “sáng tạo” ra, để dễ dàng, nhanh chóng đưa học trò vào “khuôn khổ”.

Thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt, đầu vào cao, cộng với kỷ luật hà khắc… thì học sinh không muốn, cũng trở nên giỏi, hiểu theo nghĩa là đạt điểm số cao. Cách làm này “một mũi tên trúng nhiều đích”: Trường đỡ phải “đau đầu” vì những trò tinh nghịch của học sinh, thành tích cao tạo thương hiệu để dễ tuyển sinh, thỏa mãn khát vọng của phụ huynh về thành tích, điểm số…

Trường sẽ nói rằng họ làm vậy là “vì học sinh”, vì tương lai của các em. Nhưng dư luận không khỏi nghi ngờ đó là cách làm vi phạm pháp luật, phản nhân văn, vì thành tích và có tính chất vụ lợi.

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục không thể vô can khi để cho một số trường tư thục “tự tung tự tác”, đặt ra những quy định kỷ luật, nội quy phương hại đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Theo Quang Đại

Báo Lao động