Trốn thuế tại cao tốc TP.HCM-Trung Lương - giọt nước tràn ly

Cần truy cứu trách nhiệm những quan chức trong các nhóm lợi ích, từ việc chỉ định thầu các hợp đồng BOT giao thông, việc đặt nhầm chỗ trạm thu phí, việc tính nhầm thời gian thu phí đến cách tính tổng mức đầu tư…

Trốn thuế tại cao tốc TP.HCM-Trung Lương - giọt nước tràn ly - Ảnh 1.

Trạm thu phí trên cao tốc TPHCM-Trung Lương.

Việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3, Bộ Công an) bắt giữ 5 lãnh đạo Cty CP Tập đoàn Yên Khánh, chi nhánh Long An để điều tra về việc mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, liên quan đến dự án BOT TPHCM - Trung Lương, chỉ như giọt nước tràn ly trong rất nhiều  dấu vết của các nhóm lợi ích trong các hợp đồng BOT giao thông. Bởi lẽ, vụ việc này không chỉ là dấu doanh thu để trốn thuế mà còn là việc dấu doanh thu nhằm hợp thức thời gian thu phí BOT dài hơn và trực tiếp móc túi tiền của người tham gia giao thông. Nhưng vấn đề cần đặt ra là, các cơ quan chức năng có thể ngăn chặn việc đó không, mà để nó kéo dài đến như vậy?  

Để ngăn chặn hành vi này, một trong những giải pháp hiệu quả là thu phí tự động ở các trạm thu phí BOT. Nhưng vì sao thu phí tự động không dừng là chủ trương đúng, là đòi hỏi bức thiết nhưng việc thực thi quá chậm? Vấn đề này vốn đã rất nóng khi các cơ quan chức năng phát hiện mức doanh thu của tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đạt trung bình hơn 1,9 tỷ đồng/ngày, cao hơn khoảng 500 triệu đồng so với báo cáo của Cty CP Pháp Vân – Cầu Giẽ. Chỉ con số khô khốc đó rất sốc với dư luận bởi cho thấy rất nhiều điều: Giấu doanh thu, trốn thuế, hợp lý hóa thời gian thu phí dài… Điều đáng nói là, việc phát giác ở tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ là do mâu thuẫn, tố cáo lẫn nhau giữa các đơn vị thành viên của Cty cổ phần, từ đó các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Từ vụ việc này, một loạt câu hỏi cần đặt ra: Nếu không có tố giác đó, việc "ém" mỗi ngày 500 triệu đồng sẽ vào những túi ai? Việc gian dối lượng tiền khủng đó, sao không thấy khởi tố vụ án? Thậm chí, dư luận cũng không biết, số tiền gian lận đó được xử lý thế nào, liệu có truy thu hay tính toán lại để giảm trừ thời gian thu phí hay không?... Còn quá nhiều góc khuất mà về nguyên tắc, rất cần minh bạch. Nhưng dường như tất cả những góc khuất đó bị lực hút kỳ là từ "hố đen" nào đó cuốn hết vào. Thế mới lạ. Rất lạ nhưng có thật.

Khi vụ việc ở tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ bung ra, một loạt chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu rốt ráo việc thu phí tự động, nhưng hai năm đã trôi qua, hầu như vẫn chưa thấy tiến triển. Vậy đâu là lý do? Đây là một câu hỏi rất lớn mà các cơ quan quản lý nhà nước cần trả lời rõ trước  công luận.

Trong bài "40 dự án BOT "có vấn đề", đề nghị giảm thu phí 120 năm"(Dân trí ngày 21.5.2018) cho biết, "Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 40 dự án là 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỉ đồng. Năm 2016 trở về trước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm 107,4 năm của 27 dự án."  Điều đó cho thấy, chỉ với kiểm toán qua giấy tờ, số năm thu phí đã giảm như thế, nay nếu thêm những  con số lưu thông thực tế của các phương tiện giao thông (được phát hiện ở tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ), tuyến TP HCM – Trung Lương) thì số năm phải giảm chắc sẽ nhiều lên gấp bội. Do đó, dư luận một lần nữa đặt ra yêu cầu nóng bỏng với các cơ quan chức năng cần làm rõ gốc gác, ngọn ngành để truy cứu trách nhiệm những dấu hiệu của các nhóm lợi ích, từ việc chỉ định thầu các hợp đồng BOT giao thông, việc đặt nhầm chỗ trạm thu phí, việc tính nhầm thời gian thu phí đến cách tính tổng mức đầu tư mà nhà đầu tư trình và được các cơ quan chức năng phê duyệt. Trong đó có chuyện, mức thu phí ở một số tuyến chỉ rải thảm nhựa lên đường cũ cũng gần với mức thu phí ở những tuyến làm mới hoàn toàn. Đúng sai cần làm rõ. Đồng thời, những người có thẩm quyền ký các nội dung sai trái (đã và sẽ bị phát hiện) cần phải truy cứu trách nhiệm rõ ràng.   Vương Hà