Triết lý “khách hàng” của Bộ trưởng Y tế

“Phải coi bệnh nhân là khách hàng. Vì vậy phải làm sao cho khách hàng thấy hài lòng” - đó là phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị trực tuyến “Đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế” diễn ra ngày 22.4.

Hai chữ “khách
hàng” rất thị trường, nhưng suy nghĩ kỹ sẽ thấy triết lý ẩn chứa bên trong.

Hai chữ “khách hàng” rất thị trường, nhưng suy nghĩ kỹ sẽ thấy triết lý ẩn chứa bên trong.

Lâu nay, y-bác sĩ coi bệnh nhân là người xin chữa bệnh, mong đợi sự ban ơn của bác sĩ. Chính vì nhận thức đó nên mới xảy ra những điều chưa tốt. Sẽ còn nhiều sự bất bình đẳng, thậm chí bất công khi còn quan niệm bệnh nhân là người đi xin được chữa bệnh.

Nếu nhận thức bệnh nhân là khách hàng, thì thái độ ứng xử của bác sĩ phải thay đổi. Bởi vì theo quy luật của thị trường, bác sĩ phải làm hài lòng khách hàng như một điều kiện sống còn của cơ sở y tế. Ở các quốc gia phát triển, dịch vụ y tế cũng là một thị trường cạnh tranh. Bệnh nhân chỉ chọn lựa những cơ sở y tế có chất lượng cao, giá cả phù hợp, thái độ phục vụ tận tình.

Nhưng bên cạnh yếu tố thị trường, quan điểm “bệnh nhân là khách hàng” còn có ý nghĩa sâu sắc hơn. Bệnh nhân là một loại khách hàng đặc biệt và bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ đặc biệt, liên quan đến thứ quý giá nhất, đó là sức khỏe, mạng sống của con người. Cả hai đối tượng cần có sự chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng nhau. Bác sĩ tôn trọng khách hàng và ngược lại, khách hàng cũng phải tôn trọng bác sĩ, bởi vì họ không chỉ là người cung cấp dịch vụ, mà họ là người thầy: Thầy thuốc.

Nếu chỉ là thị trường, vậy thì đối với bệnh nhân nghèo, bác sĩ sẽ đối xử ra sao? Nếu chỉ là thị trường, chẳng lẽ ai có tiền cũng sai bảo bác sĩ như một anh bán hàng hay sao? Không! “Bệnh nhân là khách hàng” nhưng dịch vụ y tế không phải là món hàng vô tri, mà nó là kiến thức, là trí tuệ, là tình cảm và lương tâm của người thầy thuốc. Bệnh nhân là khách hàng đau thương, họ đi “mua sắm” sức khỏe, sự sống.

Xem bệnh nhân là khách hàng và thành lập “Đơn vị chăm sóc khách hàng” tại tất cả các bệnh viện là một chủ trương mang tính cách mạng trong hoạt động khám-chữa bệnh của ngành y tế. Nhưng để bệnh nhân hài lòng không phải chỉ là sự nỗ lực của bệnh viện, mà cần có sự góp sức của toàn xã hội. Một trong những việc quan trọng là tham gia bảo hiểm y tế nhưng chưa được coi trọng. Bảo hiểm y tế là một cách để chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân yếu thế, cho mọi công dân.

Sức khỏe là thứ quý nhất. Bỏ tiền để bảo vệ cái quý nhất sao lại sợ tốn kém.

Lê Thanh Phong

(Theo báo Lao động)