Ý kiến chuyên gia

Trẻ và màn hình

Cha mẹ cũng không nên sử dụng màn hình trước mặt trẻ suốt ngày. Khả năng bắt chước của trẻ lớn hơn khả năng vâng lời. Hơn nữa, nếu cha mẹ không áp dụng cho chính bản thân mình những “kỷ luật” mà cha mẹ “dạy” con thì chúng “có quyền” không tuân thủ những kỷ luật ấy.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Màn hình ở đây bao gồm TV, điện thoại di động, I pad, máy tính… những dụng cụ cung cấp phim ảnh, games chơi, lướt internet, vào Facebook, gửi và nhận tin nhắn, ...

Xin nhắc lại một lần nữa trẻ – từ lúc mới chào đời tới lúc trưởng thành cần . phát triển, thể hình cũng như trí tuệ trong đó có ngôn ngữ

. Học sống với người khác

. Học sáng tạo

. Từ từ cấu thành bản thể, tự định nghĩa mình

Gia đình, trường học, môi trường sống giúp các cháu trong suốt quá trình này.

Hiện màn hình chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống trẻ. Có cháu mỗi ngày cắm đầu vào màn hình lúc ăn, trên xe bus khi đi học hay trên đường về nhà, khi làm xong bài vở buổi tối, trong giường ngủ – Đó là chưa nói đến những trường hợp quá đáng hơn của những cháu bỏ bê tất cả vì lệ thuộc, vì nghiện màn hình.

Không còn đối thoại với gia đình, không còn sinh hoạt với bạn bè, không còn hoạt động thể dục thể thao.

Serge Tisseron đã viết nhiều về luật “3, 6, 9, 12 – trẻ và màn hình”. Nội dung này có thể xem được ở đây:

http://dantri.com.vn/dien-dan/tre-nho-va-man-hinh-1426216556.htm

Dưới đây, ngắn gọn, vài phương thức cụ thể có thể áp dụng để trẻ “bớt” dùng màn hình.

Đặt những khoảng thời gian “cấm màn hình” trong ngày cho tất cả các thành viên trong nhà. Không điện thoại, không TV. Giờ ăn cơm chẳng hạn, để mọi người đối thoại cùng nhau, trao đổi với nhau những vui buồn của cuộc sống, để thể hiện hay siết chặt thêm tình yêu giữa các thành viên và để giải quyết những vấn đề khó khăn, nếu có.

Tổ chức vài sinh hoạt cho trẻ khi trẻ làm xong bài vở – tốt nhất là những sinh hoạt có liên hệ xã hội như sinh hoạt thể thao, nhóm học hát học vẽ, sinh hoạt cộng đồng (đi bán vật dụng nhỏ như bút bi, xà phòng, … cho một quĩ từ thiện), ...

Khuyến khích trẻ đọc sách. Đọc sách là một sinh hoạt tích cực – trước màn hình trẻ thụ động –. Tặng chúng những sách truyện thích hợp với tuổi của chúng, những sách mà chúng đã thấy quảng cáo trên TV. Hay là cùng đọc sách với chúng và cùng bàn luận về những quyển sách đọc chung.

Tổ chức những trò chơi trong gia đình, những sinh hoạt cùng nhau. Thay vì đến trường đón trẻ bằng xe máy, nếu khoảng cách không xa lắm, đi bộ cùng trẻ. Trong lúc đi bộ, cha mẹ và con cái có thể chuyện trò cùng nhau.

Làm vườn, chạy đua, đi ăn ngoài trời lúc cuối tuần, … là những sinh hoạt khác có thể.

Không thiết bị TV trong phòng của trẻ, không tặng chúng một điện thoại thông minh trước khi chúng tròn 12 tuổi – ta có thể cho trẻ sử dụng một điện thoại di động chỉ với chức năng tối thiểu để liên lạc với người thân lúc bất trắc từ lúc trẻ lên 9 – . Dĩ nhiên những mấu tuổi này cần được áp dụng một cách uyển chuyển tùy trẻ và tùy hoàn cảnh.

Không dùng màn hình như một phần thưởng kiểu “con ngoan thì được xem phim hoạt hình”, “con làm bài xong thì có quyền chơi games”… Cũng không dọa trẻ là sẽ cấm màn hình trong trường hợp ngược lại. Màn hình là một phần của cuộc sống, là một phương tiện vật chất. Không nên cho màn hình một “giá trị” tích cực.

Làm gương cho trẻ. Cha mẹ cũng không nên sử dụng màn hình trước mặt trẻ suốt ngày. Khả năng bắt chước của trẻ lớn hơn khả năng vâng lời. Hơn nữa, nếu cha mẹ không áp dụng cho chính bản thân mình những “kỷ luật” mà cha mẹ “dạy” con thì chúng “có quyền” không tuân thủ những kỷ luật ấy.

Nguyễn Huỳnh Mai