“Trận chiến” hè đường đã ngả ngũ?

Trước đây, báo chí đã cảnh báo, “Là lãnh đạo dám nói, dám “xông pha trận mạc”, dư luận hoàn toàn ủng hộ và luôn đứng sau lưng ông Hải, nhưng dư luận đã lên tiếng, cần phải xử lý cương quyết những cán bộ đứng đầu cơ sở để tình trạng vỉa hè vẫn tiếp tục nóng bỏng. Nếu không, chắc chắn lại … đâu vẫn hoàn đấy.” Rất tiếc, nay nó đúng như vậy.

Quận 1, TP. Hồ Chí Minh là nơi khởi đầu làm sống lại một cách mãnh liệt Nghị định 36 của Chính phủ (ra ngày 10.7.2001, về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị), nhưng cũng là nơi đầu tiên chấp nhận thực tế việc hè đường lại bị tái lấn chiếm. Điều này không chỉ chua xót cho ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch quận 1- người hăng hái cùng đoàn quân cầm cuốc, thuổng quyết “quét sạch” vỉa hè với mong muốn quận trung tâm của thành phố thành “singapo thu nhỏ”, mà còn làm hẫng hụt với đông đảo người dân khắp cả nước hy vọng trật tự kỷ cương phép nước được thực thi, dù chỉ là chuyện hè đường.

Trước đây, các chiến dịch triển khai thực hiện NĐ 36/CP rất hoành tráng, rầm rộ trên cả nước rồi cũng lặng lẳng quay lại điểm xuất phát. Lần này thì khác, có thể nói, dư luận coi đó là hiện tượng Đoàn Ngọc Hải, bởi nó “bùng nổ” ở một quận trung tâm của một thành phố năng động nhất đất nước. Ông đã trực tiếp “cầm quân” với những cuốc, thuổng và cả máy xúc đi khắp các phố phường sẵn sàng “san phẳng” tất cả những cái gì bị coi là lấn chiếm lòng hè đường. Có lúc, ông đã quá say việc, san đi cả những thứ không nên ủi, nhưng đa phần đều rất trúng và đúng.

Cũng chính những hành động quyết liệt của ông, đặc biệt, các cuộc tranh luận tay đôi giữa ông với những cá nhân có “máu mặt” bị động chạm quyền lợi, làm lộ ra một sự thật vô lý: Không chỉ các lều quán tạm bợ, mà chính là những lấn chiếm ngang nhiên, được xây vĩnh cửu cực phi lý nhưng nó vẫn tồn tại như chuyện đương nhiên. Đó là lý do chính khiến dư luận ủng hộ ông Đoàn Ngọc Hải hết mực. Do đó, điều dễ hiểu, khi có một vài người tìm cách ngáng đường ông bằng những lập luận này nọ của luật sư, thì bị báo chí và cộng đồng mạng phản ứng.

Mặt khác, tại thời điểm đó, nhiều người cũng nghĩ rằng, ông Hải làm mạnh tay như vậy, chắc chắn phải có chỉ đạo chặt chẽ của Quận ủy và UBND quận. Nhưng giờ đây, ông Đoàn Ngọc Hải cho công luận biết, việc tạm dừng ra quân là thực hiện theo chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận 1. Đây là điều khó hiểu với dư luận. Do đó, dư luận muốn lãnh đạo quận 1 cho biết, vì sao ông Hải phải tạm dừng ra quân, tại sao để nạn lấn chiếm hè đường tái diễn?

Dù rằng, cũng trên mục diễn đàn này, chúng tôi ít nhất cũng có 2 bài viết về việc ra quân này. Trong bài “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ - một “cuộc chiến” thực sự”, chúng tôi đã cảnh báo, cần cảnh giác với những kẻ ngáng đường. Chính vì vậy, bài viết này đã coi việc lập lại trật tự hè đường là “cuộc chiến” giữa quyền lợi chính đáng của người dân và những nhóm lợi ích giấu mặt sau những người lấn chiếm hè đường. Còn với bài “ “Trận chiến” vỉa hè - lộ ra nhiều chuyện thật như đùa”, chúng tôi nhận xét, việc ông Hải – một Phó chủ tịch quận, thừa nhận có hiện tượng bảo kê, thu phí vỉa hè là có thật - đó là tín hiệu mừng. Ông Hải phải thốt lên với Chủ tịch TP về nạn xã hội đen lộng hành: “Xe ô tô đến đậu thì phải đóng 50.000/xe, nếu không thì bị phá xe. Đâm ra ai cũng sợ nên phải nộp.” Rồi đến việc ông định cách chức một chủ tịch phường chểnh mảng công việc cũng không xong thì thật đáng lo.

Vì vậy, trong bài trên chúng tôi đã cảnh báo: “Là lãnh đạo dám nói, dám “xông pha trận mạc”, dư luận hoàn toàn ủng hộ và luôn đứng sau lưng ông Hải, nhưng cần hơn, có lẽ, phải xử lý cương quyết những cán bộ đứng đầu cơ sở để tình trạng vỉa hè vẫn tiếp tục nóng bỏng. Nếu không cương quyết “xử”, chắc chắn lại … đâu vẫn hoàn đấy.”

Và nay, đáng tiếc là,… đâu vẫn hoàn đấy.

Nhìn rộng ra, đâu phải mỗi việc thực hiện NĐ 36/CP nêu trên, mà không ít các chiến dịch rầm rộ khác được dư luận đặt niềm tin, nhưng vẫn “đầu voi đuôi chuột”. Dư luận nóng bỏng với câu hỏi: Đâu là lý do?

Vương Hà