Bạn đọc viết

Tôi bán ý tưởng chống ngập nước sau mưa trên các đường phố

Bây giờ chỉ cần mưa là ngập cục bộ ở tất cả các thành phố của Việt Nam chứ không còn là "đặc sản riêng" của TPHCM và Hà Nội nữa mà Đà Lạt, Đà Nẵng, Cần Thơ, Buôn Mê Thuột,...cũng ngập sau mưa.

>> Đà Nẵng sẵn sàng mua ý tưởng của người dân


Khi mưa, một số tuyến đường ở Hà Nội có hệ thống thoát nước kém đã bị ngập úng cục bộ.

Khi mưa, một số tuyến đường ở Hà Nội có hệ thống thoát nước kém đã bị ngập úng cục bộ.

Tôi nghĩ rằng các thành phố nên mua ý tưởng của công dân để phát triển đô thị một cách bền vững, chính vì thế mà tôi muốn bán một số ý tưởng cơ bản cho các thành phố. Và nếu được thì tôi cũng sẽ tham gia mở rộng các ý tưởng này để ứng dụng phù hợp với thực tế của từng thành phố Việt Nam. Trước hết, tôi xin phép trình bày một số giải pháp căn bản để các thành phố Việt Nam hết ngập sau mưa.

Bây giờ chỉ cần mưa là ngập cục bộ ở tất cả các thành phố của Việt Nam chứ không còn là "đặc sản riêng" của TPHCM và Hà Nội nữa mà Đà Lạt, Đà Nẵng, Cần Thơ, Buôn Mê Thuột,...cũng ngập sau mưa. Ngoài vấn đề triều cường và biến đổi khí hậu mà chúng ta thường nói đến và đang tìm các giải pháp để khắc phục, thì còn một khoảng trống cực lớn, không ai chú ý trong chiến lược quy hoạch các thành phố của Việt Nam, đó là việc quy định để THẨM ĐỊNH CÁC VẬT LIỆU THẤM NƯỚC khi cấp phép thi công, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân dụng,...làm cho các thành phố của Việt Nam trở thành các mảng bê tông cực lớn không thấm nước. Hiện nay không có một văn bản pháp luật nào quy định để thẩm định vật liệu thấm nước trước khi cấp phép. Nếu có dịp khảo sát một vòng quanh các thành phố Việt Nam thì chúng ta sẽ thấy rằng, việc xây dựng các thành phố hiện nay ngoài việc chưa đồng bộ trong quy hoạch thì quy trình cấp phép xây dựng các cơ sở hạ tầng, dân dụng,...khi xem xét kĩ các hồ sơ này cũng không có một quy định pháp luật nào bắt buộc phải thẩm định các loại vật liệu lót nền, thảm mặt bằng,... phải là vật liệu thấm nước. Hậu quả là Nhà nước cùng với các chủ đầu tư ngày càng kiên cố hóa bê tông các mặt bằng của thành phố, làm cho thành phố trở thành một chậu bê tông không thấm nước cực lớn, thành phố mở rộng đến đâu là ngập đến đó, các cống thoát nước, sông hồ không tài nào giải tỏa được áp lực nước dồn lại của chậu bê tông vĩ đại kia. Bê tông hóa các thành phố Việt Nam đã vượt ngưỡng giới hạn. Phải chỉ rõ đây là thiếu sót căn bản trong chiến lược quy hoạch các thành phố, sự thiếu sót này đã làm cho các thành phố trở thành một chậu bê tông không thấm nước cực lớn và nó luôn sẵn sàng ngập cục bộ sau mưa vì không thể thẩm thấu được tự nhiên, tăng áp lực lên các cống thoát nước. Thành phố cũng đang lún dần vì tầng nước ngầm không được bồi thấm tự nhiên mà cư dân thành phố sống trong nóng bức của thảm bê tông vì không có hơi nước bốc lên từ các mặt bằng để giải nhiệt trong mùa nắng. Để khắc phục hậu quả của sự thiếu sót trong quy hoạch này là một việc làm hết sức tốn kém, nhưng nếu không làm thì dù có đổ vào đây bao nhiêu tiền đi nữa để nâng cấp các cống thoát, nạo vét sông hồ,... thì thành phố vẫn ngập và ngày càng nặng hơn, đó là điều chắc chắn.

Tôi bán ý tưởng chống ngập nước sau mưa trên các đường phố - 2

Giao thông và cuộc sống người dân Thái Bình bị đảo lộn vì ngập lụt (Ảnh: Đức Văn)

Công việc này theo tôi là nên tiến hành đồng bộ theo các trình tự sau đây:

-Bổ sung ngay văn bản pháp luật quy định bắt buộc thẩm định vật liệu thấm nước trước khi cấp phép các công trình thi công cơ sở hạ tầng mới, kể cả các công trình dân dụng. Vật liệu thấm nước để thi công các mặt bằng hiện nay đầy rẫy trên thị trường, đó là loại bê tông thấm tiêu (PERVIOUS CONCRETE), các cá nhân, đơn vị có thể mua sắm dễ dàng. Và nếu có quy định bắt buộc của pháp luật thì chắc chắn rằng các doanh nghiệp sẽ đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu thấm nước đại trà với giá rẻ, đó chính là quy luật cung cầu của thị trường.

-Thay gạch con sâu không thấm nước ở vỉa hè, lề đường bằng gạch caro, trong mỗi ô caro trồng thảm cỏ non. Đây là điều làm nên nét đẹp mới cho thành phố. Điều này tôi đã trình bày trên báo Thanh Niên vào năm 2010, được phàn hồi tích cực, nhưng rất tiếc không được hiện thực hóa bao nhiêu và có một điều là gạch caro thay thế hiện nay cũng là loại không thấm nước, nên việc thay thế này cũng đã làm giảm hiệu suất thấm hút nước. Đề nghị cần làm đồng bộ bằng loại gạch caro thấm nước.

-Mọi chuyện đã lỡ thiếu sót rồi, không thể đập bỏ toàn bộ mặt bằng bê tông của thành phố để lấy chỗ cho nước thấm. Chúng ta còn nghèo, phải nghĩ đến phương án khác hiệu quả và tiết kiệm hơn đó là việc khoan các lỗ có đường kính khoảng 20 cm. Lỗ cách lỗ, hàng cách hàng khoảng 0.5 m trên các mặt bằng bê tông của thành phố. Độ sâu của lỗ là hết lớp bê tông, lỗ được đổ đầy vật liệu thấm nước PERVIOUS CONCRETE. Việc khoan các lỗ này cần làm thí điểm ở một mặt bằng hoặc khu vực nào đó để lấy kết quả thẩm định hiệu quả thấm nước. Sau khi có kết quả mới tiến hành lên kế hoạch khoan mở rộng trên toàn thành phố.

- Nếu không thể khoan lỗ được thì cũng có thể cắt bỏ hết những bó vỉa ở vỉa hè đến hết lớp bê tông để thay vào đó vật liệu PERVIOUS CONCRETE.

-Tổ chức họp cư dân thành phố để kêu gọi sự đồng thuận trong việc chống ngập của thành phố. Trong cuộc họp này cần minh họa những hình tượng mô tả mà hầu hết các cư dân đều thấy rõ nhất đó là việc nêu vấn đề ngập nước ở thành phố so sánh với ngập nước ở nông thôn. Cùng một lượng mưa như thành phố, nông thôn không có hệ thống cống thoát nước hiện đại như thành phố, nhưng vấn đề ngập cục bộ sau mưa hiếm khi xảy ra vì độ thấm hút của mặt đất rộng. Nhà nước cũng cần nhận rõ sự thiếu sót trước đây trong việc quy hoạch thành phố đó là việc chưa có quy định thẩm định vật liệu thấm nước trước khi cấp phép, đồng thời hỗ trợ người dân khoan các mặt bằng dân dụng để tăng diện tích thẩm thấu tự nhiên của thành phố. Trên đây là giải pháp căn cơ để các thành phố Việt Nam hết ngập cục bộ sau mưa. Nếu thành phố có diện tích mặt bằng rộng được khoan lỗ để nước thẩm thấu tự nhiên thì các cống thoát nước, kênh rạch sẽ được giảm áp dẫn đến hết ngập cục bộ sau mưa. Thành phố giảm lún dần vì được bù nước ngầm. Đồng thời thành phố cũng sẽ mát mẻ hơn nhờ hơi nước thoát lên từ các lỗ khoan điều hòa nhiệt cho thành phố vào mùa nắng. Kính mong quý cấp có thẩm quyền quan tâm đến vấn đề này để các thành phố Việt Nam hết ngập cục bộ sau mưa.

Giải pháp căn bản để các thành phố Việt Nam hết ngập sau mưa. Phương án tổ chức thực hiện. Để tổ chức thực hiện thì chúng ta cần có những điều kiện sau đây:

-Một bộ bản đồ bình đồ của thành phố.

-Một bộ bản đồ thành phần cơ giới mặt đất từng khu vực thành phố.

Rất cần 2 bộ bản đồ này để tính toán và biết được dòng chảy bề mặt của nước mưa, đồng thời khi biết rõ thành phần cơ giới của mặt đất ở từng khu vực của thành phố thì chúng ta sẽ chọn được loại vật liệu thấm tiêu thích hợp. Nếu chưa có bản đồ thành phần cơ giới của đất thì phải tổ chức khoan thám sát để xây dựng bản đồ. Có rất nhiều vấn đề cần xây dựng kế hoạch trước khi ra văn bản pháp luật bắt buộc phải có diện tích thấm tiêu nước ở tất cả các công trình dân dụng, kể cả các công trình của nhà nước. Tôi lấy ví dụ: Giả sử văn bản pháp luật quy định tất cả các công trình xây dựng của thành phố đều phải bảo đảm 80% là mặt bằng thấm tiêu nước khi cấp phép thi công. Nhưng nếu công trình xây dựng là một dãy nhà liền kề, không có mặt bằng lộ thiên để thấm nước thì sao? Điều này rất dễ gây lúng túng cho các cấp quản lý, vì hiện nay không có một giáo trình nào đưa ra ý tưởng để giải quyết vấn đề này, vì toàn bộ mặt bằng của dãy nhà liển kề đều là diện tích sử dụng và được lát gạch không thấm nước đó là điều đương nhiên. Nhưng nếu buộc 80% diện tích để thấm tiêu nước thì lấy đâu ra diện tích? Lưu ý rằng, quy định không thể nào miễn trừ cho bất cứ công trình nào xây trên thành phố mà không có diện tích thấm tiêu nước. Vậy thì chúng ta cần phải đưa ra những ý tưởng mới và những ý tưởng này cần phải được phố cập rộng rãi để ứng dụng cho tất cả các bản vẽ thiết kế thi công mới, đó là ý tưởng THẤM TIÊU DỌC và THẤM TIÊU NGANG. Một bản vẽ thiết kế thi công trên một mặt bằng diện tích hạn hẹp, không còn diện tích trống lộ thiên để ứng dụng nguyên lí THẤM TIÊU DỌC tức là thấm tiêu theo phương thẳng đứng so với mặt đất, thì chúng ta ứng dụng nguyên lí THẤM TIÊU NGANG tức là thấm tiêu song song với mặt đất. Như vậy là đã rõ, mặt bằng sử dụng của công trình vẫn được đảm bảo thấm tiêu 80% hoặc hơn, mà không có một trở ngại nào cho chủ sử dụng công trình nhờ việc ứng dụng THẤM TIÊU NGANG. Kĩ thuật này rất đơn giản, chúng ta hình dung, mặt bằng sử dụng được đỗ đầy vật liệu thấm tiêu nước và trên bề mặt thấm tiêu, chủ sử dụng vẫn có quyền lát các loại gạch, vật liệu không thấm nước để tiện sử dụng. Nhưng hãy chú ý rằng phần tiếp xúc với mặt bằng bên ngoài, ví dụ như bậc tam cấp chẳng hạn. Bắt buộc phải là vật liệu thấm tiêu, thông với vật liệu thấm tiêu trong diện tích sử dụng. Như vậy là nước ở bên ngoài sẽ thấm ngang qua mặt đứng của bậc tam cấp chảy xuyên vào dưới diện tích sử dụng để thấm xuống đất. Kĩ thuật này cũng có thể dùng để cải tạo những dãy phố cũ bằng cách xử lý vật liệu thấm tiêu ở bậc thềm, bậc tam cấp, bậc cửa,...để nâng diện tích thấm tiêu dưới mặt bằng sử dụng. Khi giải quyết được vấn đề này thì rõ ràng không còn một trở ngại nào cho việc thấm tiêu của tất cả các công trình xây dựng trên thành phố, không còn chuyện thành phố mở rộng đến đâu lại ngập đến đó, chuyện ngập nước sẽ chỉ còn trong dĩ vãng. Rất mong được hợp tác với các thành phố để bàn bạc rộng hơn trong quá trình tổ chức thực hiện

(Kỳ sau: Tôi bán ý tưởng chống kẹt xe trong thành phố).

Nhuan Nguyen Van