Tinh giản biên chế vì nhiều thạc sĩ, tiến sĩ: Bộ Nội vụ nói gì?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng: Hà Nội là một trong số các địa phương có con số tinh giản thấp nhất trong cả nước.

>> Cán bộ phường ở Hà Nội cũng có bằng tiến sĩ nên... khó tinh giản

Bên lề phiên họp báo Chính phủ chiều 29/2, trả lời báo chí về kết quả tinh giản biên chế của Hà Nội là 20 người. Ngoài ra, còn có 57 cán bộ chủ chốt các quận, huyện, thị xã thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã tình nguyện nghỉ khi không đủ 30 tháng tái cử.

Tinh giản biên chế vì nhiều thạc sĩ, tiến sĩ: Bộ Nội vụ nói gì? - 1

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Trần Anh Tuấn thẳng thắn cho rằng: "Hà Nội là một trong số các địa phương có con số tinh giản thấp nhất trong cả nước. Nhiều địa phương khác đã làm rất tốt, trong khi Hà Nội còn quá chậm chạp, không có nhiều chuyển biến. Hà Nội chỉ tinh giản được 20 người, số tăng thêm thực chất không thuộc diện phải tinh giản mà do không đủ điều kiện về tuổi để tái cử, tái bổ nhiệm. Do đó, số này sẽ thực hiện giải quyết cho nghỉ theo Nghị định 26 của Chính phủ, chứ không được coi là cán bộ, viên chức bị tinh giản", ông Tuấn nói.

Về lý do Hà Nội “vướng” khi tinh giản biên chế là do quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng: "Không phải cứ tiến sĩ, thạc sĩ là làm tốt. Có nhiều người đào tạo, có học vấn cao nhưng không phù hợp với vị trí công việc thì cũng nên tạo điều kiện cho họ tìm được vị trí khác phù hợp với năng lực của họ hơn. Có như vậy mới giúp họ phát huy tốt hơn".

Quan trọng nhất, theo ông Tuấn là phải đưa được những người không làm được việc, không đáp ứng được công việc ra khỏi bộ máy. Cơ cấu lại cán bộ cho phù hợp với từng vị trí, từng ngành nghề, từng công việc.

Nhìn nhận chung về kết quả tinh giản biên chế trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ - Trần Anh Tuấn cho rằng, đó là những con số đáng khích lệ.

Các bộ ngành đều đã thực hiện tốt và không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Trong quá trình thẩm tra cũng được Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính thực hiện chặt chẽ, đảm bảo quá trình tinh giản thực hiện đúng người, đúng đối tượng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận công tác đánh giá, phân loại cán bộ thời gian qua còn nhiều vấn đề. Vẫn có tình trạng thiên vị, cả nể vì thế có những người làm được việc vẫn bị đề xuất tinh giản còn những người không làm được việc lại được đánh giá cao hơn năng lực vốn có.

Trong quá trình thẩm tra, Bộ Nội vụ đã phát hiện có những trường hợp bị đề xuất tinh giản không đúng theo Nghị định 108 và đã kịp thời bỏ ra. Có những trường hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoặc xuất sắc nhiệm vụ vẫn bị nhiều đơn vị đưa vào diện tinh giản biên chế.

Lại có những trường hợp khác dù có trình độ phù hợp với điều kiện công việc đang làm nhưng vì muốn chuyển ra khu vực tư nhân để có thêm tiền thì Bộ Nội vụ đã kịp thời phát hiện và ngăn ngừa được. Tránh gây thất thoát cho nhà nước và ngân sách một khoản tiền lớn. Đối với những trường hợp như vậy, phải được xử lý theo Nghị định 46 của Chính phủ là buộc thôi việc hoặc cho nghỉ hưu theo quy định.

Do đó, nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần cải cách chất lượng công chức, công vụ hiện nay, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Nghị định 56 về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức mới. Đánh giá cán bộ phải chính xác, công bằng, khách quan.

Các đơn vị cũng phải rút kinh nghiệm trong đánh giá, phân loại cán bộ, công chức. Đánh giá đúng chất lượng, năng lực của cán bộ. Đảm bảo, tinh giản đúng mục tiêu, đúng người, đúng đối tượng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Trần Anh Tuấn, để năng cao được chất lượng công chức, nâng cao chất lượng nền công vụ thì tinh giản biên chế chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp. Để làm tốt vấn đề trên, đòi hỏi phải thực hiện cải cách một cách đồng bộ, nhất quán. Bao gồm từ khâu đào tạo, giáo dục cho tới khâu tuyển dụng./.

Vũ Hạnh

(Theo VOV.VN)