Ý kiến chuyên gia

Tín ngưỡng và mê tín

(Dân trí) - Làm sao để … bớt các hiện tượng mê tín ? Ba dấu chấm nói lên cái ngập ngừng của người viết bài. Những biểu hiệu mê tín hiện hữu từ nhiều năm. Trong văn hóa, muốn có một thay đổi nào đó cũng cần rất nhiều năm. Ta không có đũa thần để, chỉ với một sắc lệnh, một luật, … thay đổi hiện trạng.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Tôn giáo và Thế giới tâm linh

Con người, điển hình là bất cứ đứa trẻ nào, độ lên ba là hay hỏi “cái gì”,“tại sao”, “thế nào”, ... vì bé muốn biết. Nhu cầu “biết” rất cần cho sự sống còn – vì có biết rõ ngọn ngành thì mới từ từ tìm ra phương thức để có những hoạt động hài hòa với vạn vật xung quanh. Văn hóa được định nghĩa – trong nghĩa tổng quát nhất – là tổng thể những cách làm những cách hành xữ để bảo đảm sự hải hòa trong sinh hoạt cộng đồng

Vấn đề định nghĩa của văn hóa xin tạm gát một bên để trở lại nhu cầu biết : cái gì? Thế nào? Tại sao?

Tại sao ta ngã bệnh? Khi chưa có khoa học thì ta tin là có tà ma quí ám nên cần phải mời thầy về đuổi tà ma.

Tại sao ta bị tai nạn? Khi chưa có một giải thích hợp lý thì ta tin ở số phận, sự an bài của một đấng thiêng liêng nào đó - nên phải thờ thần này hay kiêng kỵ ngày xấu.

Cho tới thế kỷ thứ XIX và thậm chí đến đầu thế kỷ thứ XX cho tầng lớp ít vốn khoa học, ở Bỉ, dân tình cầu thánh Chritophe trước khi khởi hành đi đâu xa vì tin rằng thánh ấy lo cho bình an trên đường đi.

Tôn giáo cần thiết là ở chỗ đó. Tôn giáo mang đến những câu trả lời cho những chỗ mà dân tình không hiểu được.

Ngày nào dân tình không làm chủ được cuộc sống của mình thì họ còn tin rằng số phận được an bài bởi đấng tối cao. Họ tin đến nỗi tất cả những gì không giải thích được kết hợp lại với nhau và cấu thành phần tâm linh. Phần tâm linh, các nhà thần kinh học cho thấy là nó ẩn sâu nhất trong não bộ con người. Chả trách nào động tới tâm linh thì rất khó thay đổi.

Mặt khác, tín ngưỡng còn là sợi dây nối kết người với người sống cùng trong một xã hội. Trong chữ RELIGION, tiếng Pháp, có nghĩa là ĐẠO - ta thấy cái gốc “RELIER” có nghĩa là “kết nối”. Thật vậy, đạo nào cũng cho ra những nguyên tắc luân lý “dạy” giáo dân sống hài hòa cùng nhau.

10 điều cấm kỵ trong đạo Thiên chúa, lý thuyết nhân quả trong đạo Phật, … dạy tín đồ làm điều thiện và tránh điều ác.

Khoa học từ từ giải mã được những bài toán mà ta gặp trên đường đời và tôn giáo từ từ không còn được theo như hồi trước.

Với y khoa, ta biết vì sao ta nhiễm bệnh, đồng thời Y khoa cho một số phương thức để ngừa và trị bệnh. Các thầy pháp y không còn đất dụng võ? Với vật lý, ta giải thích được các hiện tượng của thiên nhiên và không còn tin ở thần sấm hay thần sét, ...

Thế nhưng, trong xã hội, một số người vẫn chưa tiếp cận được khoa học.

Tại sao cuồng tín và mê tín dị đoan có vẻ như rộ lên gần đây ở trong nước?

Trước nhất, khi muốn nói là các hiện tượng này tăng thì phải nghiên cứu trước khi khẳng định.

Mà nếu ta nghiên cứu thì có thể ta sẽ biết được các hiện tượng ấy tăng như thế nào, ai dị đoan, ai cuồng tín và vì sao, ...

Bản thân người viết bài này chưa được đọc những nghiên cứu như thế. Chỉ thấy qua báo chí trên mạng là hiện tượng nói trên có vẻ là càng ngày càng tăng.

Nhìn từ xa, có thể hiện tượng mê tín, cuồng tín tăng

- vì dân tình cần một chỗ nào đó để bấu víu trong khi cuộc sống của họ đầy bất định.

- có thể vì một số người thuộc tầng lớp có quyền, bậc “khuôn mẫu” để tự quảng cáo cho bản thân, ồn ào đi lễ hội, dâng hương nơi này nơi khác để được lên báo.

- các địa phương tổ chức lễ hội để khuyếch trương du lịch hay để lập thành tích, … và quảng cáo lễ hội của địa phương mình

.- cũng có thể vì đời sống của dân về kinh tế mà nói, cao hơn nên dân có phương tiện để đi dự lễ hội – không có gì khổ bằng cho người quản lý một quốc gia, khi dân giàu hơn mà vẫn còn thiếu vốn tri thức.

- báo chí, khi rần rộ tường trình qua các phóng sự, về các lễ lộc cũng góp phần “cổ động” dân đi dự lễ lộc – ngay tới khi các báo phê bình tiêu cực – đó là những hậu quả trái ngược – effets paradoxaux – bài bác lễ hội nhưng khi bài bác như thế thì … khơi động cái tò mò của dân tình.

Có thể tất cả các lý do trên và nhiều lý do khác nữa, cùng, nhiều hay ít, góp phần giải thích các hiện tượng lễ hội, cuồng tín, ...

Trong hiện tượng mê tín hay cuồng tín, các xã học gia hay nhìn về hướng giới trẻ, tức là những người được đi học, được tiếp cận với tri thức. Theo nguyên tắc, những người này ít cuồng tín hơn các thành phần khác.

Thế nhưng khi thấy các thanh niên thanh nữ ngày xuân đi chùa để cầu thi đổ thì có lẻ ta nên đặt câu hỏi “giáo dục ta thế nào mà học trò tin vào thần thánh để đi thi?”

Tín ngưỡng và khoa học có thể song hành ?

Một cách ví von, nhiều người so sánh khoa học với khai sáng còn tín ngưỡng là u tối

Đúng thế. Vì tín ngưỡng đặt trọng tâm lên “tin tưởng” – tức là nói một cách quá lố thì tín ngưỡng dựa lên sự …cả tin hay mù quáng của dân tình.

Tôi tin rằng Thượng đế hiện hữu và là Đấng tối cao an bài mọi sự dù tôi chưa bao giờ có chứng cớ

Khoa học thì nói “tôi chỉ tin những gì tôi đã thấy kiểm chứng” - evidence based.

Trái đất quay xung quanh mặt trời đã được Galilé chứng minh và cái phát minh khoa học này đã khiến ông bị hỏa thiêu vì đương thời lúc ấy giới Công giáo tin rằng quả đất là do Thượng đế lập ra và quả đất đứng yên.

Nhưng tín ngưỡng cần cho khoa học. Tín ngưỡng đặt những giới hạn mà khoa học phải tôn trọng. Tín ngưỡng cũng đề cao những đức tính mà khoa học gia phải có

Vài thí dụ: Tôn trọng sự sống dù đó chỉ là sự sống của thú vật hay thực vật (đạo Phật), tôn trọng quan niệm cách sống của người bệnh (Công giáo – không làm cho tha nhân cái gì ta không muốn tha nhân làm cho ta – trong 10 điều cấm kỵ), trung thành với các kết quả tìm thấy (Khổng giáo – chữ “tín”)

Làm sao để … bớt các hiện tượng mê tín ?

Ba dấu chấm nói lên cái ngập ngừng của người viết bài. Những biểu hiệu mê tín hiện hữu từ nhiều năm. Trong văn hóa, muốn có một thay đổi nào đó cũng cần rất nhiều năm. Ta không có đũa thần để, chỉ với một sắc lệnh, một luật, … thay đổi hiện trạng.

Nếu biết tại sao người ta thành mê tín thì có thể dùng những phương tiện trái ngược để “trị” mê tín.

Phương thức mà tác giả bài này cỗ súy là giáo dục, đi từ giới trẻ. Không cần cấm đoán, chỉ dùng lý lẻ khoa học – đặc biệt về tâm lý và xã hội học, hai môn mà ta chưa cho vào chương trình phổ thông. Và phải làm sao chủ đích của giáo dục là khai phóng, tức là tập tành cho trẻ tự lập, dựa trên hai chân mình mà đi, với một cái đầu biết suy nghĩ ở trên hai vai – chú không dựa vào bất cứ ai, nhất là không dựa vào thần thánh.

Các báo chí cũng có thể góp phần nâng cao hiểu biết của dân tình bằng những bài quảng bá khoa học – khoa học chính hiệu chứ không phải khoa học dịch từ các báo tabloide của phương Tây.

Nguyễn Huỳnh Mai