Bạn đọc viết

Thực phẩm bẩn: chúng ta có huyễn hoặc nhau?

Chuyện thực phẩm bẩn bao lâu nay không còn xa lạ với mọi người dân, gần đây lại trở thành chuyện lớn được mang ra “mổ xẻ” trên bàn nghị sự của những nhà quản lý

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Người dân VN không còn xa lạ với thực phẩm bẩn. Những cung bậc xúc cảm khác nhau cứ đến với họ, từ nghi ngờ không biết hỏi ai đến tự tìm hiểu rồi vỡ òa trong kinh hoàng khủng khiếp. Họ bảo nhau phải tự bảo vệ mình bằng chiến thuật “đánh du kích” như: trồng rau, nuôi cá tại gia; săn lùng, đặt hàng những thực phẩm sạch; số ít gia đình có điều kiện hơn tìm mọi cách để được định cư ở nước ngoài…có thể nói những “phác đồ tự điều trị” kiểu như thế thay phiên nhau ra đời. Thế rồi những con số thống kê chết vì bệnh ung thư cứ tăng vọt khiến người dân càng hoang mang.

Chuyện thực phẩm bẩn bao lâu nay không còn xa lạ với mọi người dân, gần đây lại trở thành chuyện lớn được mang ra “mổ xẻ” trên bàn nghị sự của những nhà quản lý. Nhiều phát ngôn được cho là ấn tượng, rất trách nhiệm như những liều thuốc kháng sinh muộn màng được cất lên (thôi thì có còn hơn không!), kiểu như: "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế!" (ĐB Trần Ngọc Vinh- Hải Phòng); “Anh Phát và chị Tiến (Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Y tế -PV) nói các bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng tại sao dân vẫn phải ăn bẩn?” (Đinh La Thăng, Bí thư Tp.HCM).

Người ta truy thủ phạm đã gây ra tình trạng thực phẩm bẩn? Và đây là phóng sự đi tìm câu trả lời: Ông bán phở mỗi lần nấu phở cho người nhà ăn thì bí mật nhón lấy phần phở để phần riêng. Chị trồng rau để bán bao giờ trong vườn cũng có riêng một khoảnh, nhìn không bắt mắt lắm nhưng lại dành cho cả nhà ăn. Nhiều mảnh ruộng nhà bác nông dân vốn dĩ thật thà chất phác, nhưng chỉ có một đám ruộng cây lúa cứ còi cọc chẳng xịt thuốc, bón phân gì cả. Hỏi ra mới biết, đám ruộng này thu hoạch không bán cho ai, mà dành cho cả nhà ăn quanh năm. Mấy chị đi chợ kháo nhau, riết rồi ra chợ không biết mua cái gì. Hôm rồi, con anh bán phở, cháu chị trồng rau, người thân bác nông dân nọ…cùng bị đau bụng và họ cùng gặp nhau ở bệnh viện để xét nghiệm bệnh ung thư.

Như thế là chính xác rồi, chính con người vì hám lợi, vì tiền mà đầu độc lẫn nhau nhẫn tâm bức hại đồng loại. Nghĩa là sự vô cảm của người Việt đã đến đỉnh điểm. Có thể bạn đọc và cả tác giả sẽ cho rằng nguyên nhân sâu xa hơn nữa là do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, như phát biểu của Bí thư Tp.HCM.

Nếu thật sự như thế, nghĩa là bấy lâu nay chúng ta đã tự huyễn hoặc nhau.

Nguyễn Hữu Tâm

(Bà Rịa- Vũng Tàu)