Thư của độc giả gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo

Chúng tôi hoan nghênh, ủng hộ quyết tâm cải cách giáo dục của Bộ trưởng và đồng hành cùng ông, kính chúc ông thành công.

 

Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Kính gửi ông Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Lời đầu thư tôi xin kính chúc tới ông lời chúc sức khỏe và sự thành công trên con đường thay đổi tư duy nền giáo dục.

Kính thưa ông,

Cùng vơi nhân dân cả nước đang dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, ngày 3/1/2014 tôi đã viết bài đăng trên báo dantri.com với tiêu đề “cần vị giáo đầu xoay chuyển tình thế giáo dục Việt Nam” , trong đó tôi nêu ý kiến “Thứ cần giải quyết là cái đầu ra cho công việc, chứ đâu phải cái đầu vào cho giáo dục”. kiến nghị mọi người tĩnh tâm mà nhìn lại thứ chúng ta cần làm là thanh lý ngay những trường đại học không đủ tiêu chuẩn, không đủ chất lượng đào tạo. Cái chỉ tiêu mơ hồ đôn một trường cao đẳng trở thành trường đại học đã vô tình tiếp sức cho lối mòn cổ hủ trong tư duy của các bậc phụ huynh là làm sao để con mình đi học đại học (không cần biết trường nào, ngành nghề gì) trường đại học ngày nhiều nên sinh viên có quyền lựa chọn và kết quả nhà nhà học đại học, người người học đại học để rồi người người thất nghiệp nhà nhà thất nghiệp. Chúng ta cần làm ngay là thay đổi những trường cao đẳng, trung cấp thành hệ thống trường nghề đưa ra thị trường những sản phẩm công nhân có năng lực còn quý hơn những cán bộ (hệ đại học) chỉ biết chỉ tay năm ngón.

Và phải nhìn lại thực tại một khuôn mẫu không tốt thì không bao giờ cho sản phẩm ra lò được ngon. 11 điểm cũng vào hệ cao đẳng của một trường sư phạm. Vậy họ ra trường sẽ là những người giáo viên. Họ sẽ dạy, trau dồi kiến thức cho thế hệ sau nhưng bản thân họ thi 11 điểm 3 môn thử hỏi họ dạy ai, dạy cái gì, dạy làm sao. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi tại sao ngành sư phạm lại không được sinh viên lựa chọn nhiều như các ngành bác sỹ, quản trị kinh doanh…... Một điều đơn giản là đồng lương của giáo viên quá thấp. Chúng ta cần tăng lương cho ngành sư phạm thì tự ắt sinh viên vào ngành có trình độ học vấn tốt hơn và điểm đầu vào ngành sư phạm phải cao để khuôn mẫu có chuẩn thì sản phẩm mới tốt. Một học sinh dốt chỉ làm bản thân anh ta kém nhưng một người giáo viên dốt làm đẩy lùi rất nhiều thế hệ.

Kính thưa ông,

Chúng ta luôn hỏi tại sao học sinh chán học và không muốn học? Tôi xin trả lời học sinh không chán học mà chúng bị bội thực giáo dục bởi kiến thức mà chúng ta đang áp đặt quá nhiều lý thuyết và quá rộng (quá nhiều môn) trong khi các nước phát triển học sinh có quyền chọn lựa môn học và chọn lựa ngành nghề theo học. Chúng ta đang bắt học sinh cái gì cũng biết nhưng kết quả như chuồn chuồn đạp nước, chẳng biết gì sâu. Vì vậy chúng ta cần phân chia giáo dục để định hướng giáo dục phân cấp từ đó mới mong mỏi được sự ham học hỏi của học sinh. Chúng ta phải định hướng đúng, cái gì, môn gì thực sự cần cho học sinh? Chúng ta phải nhìn vào thực tại chuyên sâu tốt hay đa năng tốt.

Kính thưa ông,

Tôi rất mong lá thư này sẽ được gửi tới ông nếu dantri.com là cơ quan ngôn luận của dân. Và mong vào một sự cải cách thực sự nhưng trước khi cải cách giáo trình cho người học thì cần lắm việc cải cách tư duy cho người học. Hiện nay Đại học không còn khó như thời chúng tôi đi học nhưng xin việc làm sau khi tốt nghiệp đại học thì thực sự quá khó thưa ông?

Chúng tôi hoan nghênh,  ủng hộ quyết tâm cải cách giáo dục của Bộ trưởng và đồng hành cùng ông, kính chúc ông thành công.

 nguyen hung (mauvanlong2013@gmail.com)