Thi tốt nghiệp THPT vẫn chưa thoát cảnh “bỏ thì thương…”

(Dân trí) - Tranh luận ngoài lề về nên bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được bàn luận sôi động từ khá lâu. Nay khi đề tài đó được Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan đề cập tới, “chiến tuyến” không tiếng súng giữa 2 luồng dư luận càng thêm nóng bỏng.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Bỏ - được nhiều hơn mất

 

Chiếm thế áp đảo hơn là phía NÓI CÓ với đề nghị bỏ kỳ thi (mà chắc chỉ có vô cùng ít học sinh – những người trực tiếp phải chịu áp lực của việc học nhưng cũng “hành học sinh là chính” như ở VN nói riêng và một số nước châu Á khác nói chung, ủng hộ... miễn cưỡng). Đa số của chính học sinh và giáo viên:

 

Hằng: Là 1 người vừa trải qua kì thi tốt nghiệp năm vừa rồi, tôi thấy việc dành thời gian, sức lực ,tiền bạc, đi lại cho kì thi tốt nghiệp là không nên. Nó quá tốn kém về mọi mặt, trong khi đó  tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đều cao? Hãy giành thời gian đó cho việc ôn luyện kiến thức chuẩn bị kì thi đại học thì hơn. Rất mong ngành GD quan tâm tới những vấn đề này. Theo tôi, nên BỎ QUA KÌ THI TỐT NGHIỆP.

 

Phuong Duy: Tôi cũng là giáo viên, theo tôi nên bỏ vì với cách thức thi như hiện nay không thể nào làm nghiêm túc được. Nếu như không muốn nói là thi cho hay, cho vui, học sinh không biết gì cũng đậu ào ào. Tốn kém rất nhiều về tiền bạc và thời gian của xã hội, mà chỉ loại ra được vài ba em không biết ghi chép…

 

Lý Hùng Cường: Tôi cũng là một giáo viên, tôi rất tán thành việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT với các lý do sau đây:

 

1/. Thi chỉ là hình thức thôi mà, học sinh học kém thi vẫn đỗ hết vì chỉ cần bố mẹ “quan tâm” đến thầy cô là đỗ.

 

2/. Tốn kém thời gian tiền của.

 

3/. Dễ nảy sinh tiêu cực.

 

Lê Đình Thái: Tôi cũng là một giáo viên thường xuyên làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp, tôi thấy kỳ thi này hiện nay rất áp lực đối với giáo viên và học sinh, gây tốn kém mà không đánh giá đúng chất lượng. Vậy nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó cần làm chặt chẽ kỳ thi ĐH&CĐ và lấy kết quả thi ĐH để đánh giá chất lượng GD của các trường là phù hợp.

 

Nhật Cử: Là một nhà giáo, tôi đồng ý với chủ trương bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì nó không chỉ tốn kém tiền của, công sức mà còn chứa đựng nhiều tiêu cực. Mục đích của giáo dục là đào tạo những con người toàn diện, đánh giá chất lượng học sinh là cả một quá trình đâu chỉ tập chung vào mấy môn thi. Hơn nữa tấm bằng THPT có giá trị gì để xin việc làm nếu không được đào tạo tiếp? Tôi đồng tình với chủ trương chú trọng vào đầu ra đại học...

 

Trác Mộc chốt lại vấn đề ở những mặt ĐƯỢC khi bỏ kỳ thi tốt nghiệp:

 

- Đỡ tốn kém tiền của nhà nước

- Giảm áp lực cho các em và thầy cô

- Bỏ được bệnh thành tích thi đua

- Sẽ không còn phân biệt trường điểm, không còn nạn chạy tiền vào trường điểm

- Không còn vấn nạn học thêm

- Các em được trở về với tuổi thơ, Học mà chơi chơi mà học

- Bỏ được tình trạng cả BỐ & MẸ học cùng con để chạy đua…

 

Học là một vinh dự, là một ước mơ, học là khát khao mà sao HỌC lại phải khổ thế? Nguyên nhân từ đâu??? Tất cả cũng từ bệnh thành tích mà ra. Tôi thấy có giáo viên còn nói: Nếu bỏ thi tốt nghiệp thì các em sẽ không học. Theo tôi, nghĩ vậy là sai lầm hoàn toàn, vì nếu ví các thầy cô dạy học như người đầu bếp, đầu bếp nấu ăn ngon thì được mọi người hưởng ứng. Ngược lại, nếu đầu bếp nấu không ngon thì không thể ép các em ăn được. Mọi thứ nên thuận theo tự nhiên…
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Giữ - cân nhắc nhiều bề

 

Phía kia hoặc kiên quyết giữ quan điểm KHÔNG BỎ, hoặc vẫn bảo vệ ý kiến cần cân nhắc kỹ thiệt hơn để tránh tình trạng dễ làm, khó bỏ…càng gây mất lòng tin và có thể còn đẩy các tệ nạn đi xa hơn…(???)

 

Trúc Lam: Bỏ hay không chưa thể trả lời ngắn gọn. Tôi có thâm niên gần 40 năm làm việc trong ngành Giáo dục và hiện vẫn đang công tác. Vài chục năm gần đây Giáo dục lúc nào cũng là chủ đề nóng hổi và gây bức xúc. Vì sao lại thế? Theo tôi là vì: Thông tin đại chúng phát triển mạnh, xã hội phát triển nhanh, sự quá kì vọng vào con cháu, quá kì vọng vào giáo dục. Đã và đang thi mà nhiều HS còn lười học thế, không thi thì còn lười đến mức độ nào? Nhưng không thi cũng tốt vì thi như hiện nay thì đừng thi còn tốt hơn. Nhưng nếu thi thật, đánh giá thật, xã hội có thực sự đồng tình với Giáo dục không?

 

Nguyen Van Thang: Là một giáo viên với ba chục năm tuổi nghề và hàng chục năm luyện thi đại học, tôi vẫn cứ tự hỏi tại sao cùng một bộ tổ chức thi mà kỳ thi tốt nghiệp THPT lại quá thiếu nghiêm túc (trừ năm học 2006-2007 làm nghiêm túc thì tỷ lệ tốt nghiệp có tỉnh chỉ đỗ 14 phần trăm), còn kỳ thi tuyển vào đại học lại khá nghiêm túc? Là người trực tiếp dạy học, tôi nhận thấy rõ rằng chính kỳ thi tuyển vào 10 và đặc biệt kỳ thi tuyển vào đại học với cách ra đề vượt quá xa kiến thức cơ bản của sách giáo khoa (trừ số ít câu gỡ điểm),  đã khiến cho tình trạng dạy thêm và học thêm theo kiểu nhồi nhét càng phát triển. Hãy thử nhìn vào lịch học thêm của các em mà hãi hùng: kín mít cả ngày nghỉ sáng, trưa, chiều, tối!!! Bắt đầu từ lớp 1 đến lớp 12 nhà nhà đã lo tìm thầy, tìm bạn cho con đi học thêm theo kiểu nhồi sọ kín mít tít mù. Biến các em trở thành những cái máy giải các bài tập khó và lắt léo (kiểu đề thi đại học), để mục đích cuối cùng là phải đỗ đại học.

 

Kiếu học "nhồi nhét lắm lấy đâu tư duy" đã trở thành phổ biến và nhức nhối cho ngành giáo dục. Nói tóm lại, cứ vào mùa tuyển sinh vào 10 và đặc biệt là 3 đợt thi tuyển vào đại học và cao đẳng, tổ chức vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm, là cả nước như rầm rập ra trận. Nhà nhà có con đi thi tuyển vào 10 và đặc biệt là thi tuyển vào đại học cứ như ngồi trên chảo lửa, với tâm trạng thấp thỏm và nơm nớp lo âu. Chính vì vậy, tôi cho rằng nên bỏ ngay các kỳ thi tuyển vào 10 và đặc biệt bỏ ngay cả 3 đợt thi vào đại học và cao đẳng (bỏ ngay cái chảo lửa này). Thay vào đó là xét tuyển, nên khẩn thiết lập lại kỷ cương thi cử nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THCS và đặc biệt THPT, để làm thước đo chung cho phạm vi toàn quốc về đầu tư quốc gia cho giáo dục phổ thông toàn diện (tiến tới nghiêm túc như 2006-2007).

 

Xem ra “chiến cuộc” vẫn chưa ngã ngũ, nhưng đã thấy “vương” nhiều “cái tội’ như vậy thì cứ cố giữ làm gì… cho các HS của chúng ta càng mất hết tuổi học trò áo trắng nhỉ?

 

Khánh Tùng