Bạn đọc viết

Thêm một lễ hội cần bỏ phần nội dung bạo lực

(Dân trí) - Thủ tướng đã giao Bộ VH-TT-DL cùng địa phương ngồi lại với nhau, tổ chức tọa đàm để tìm ra những giá trị văn hóa đích thực để lưu truyền, bảo vệ, phát huy. Còn những điều gì không còn phù hợp, tốt đẹp, cần thiết nữa thì bỏ đi


Lễ hội Cầu Trâu ở xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ mới được khôi phục lại và tổ chức thường niên vào đêm mùng 9, rạng sáng mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Theo người dân địa phương cho hay, lễ hội Cầu Trâu là để tưởng nhớ công đức nữ tướng Xuân Nương (thời Hai Bà Trưng).

Theo đó, nhân vật chính của lễ hội là “ông Trâu” được dân làng chọn mua từ trước. “Ông Trâu” được chăm sóc kĩ, tắm rửa sạch sẽ bằng nước sông Hồng. Trước khi tiến hành nghi lễ, Ban tổ chức cùng thành viên ban tế “có lời” xin “ông Trâu” cho phép hành lễ. Đội hành lễ gồm 12 nam thanh niên có sức vóc, chưa lập gia đình, được chọn lọc kỹ lưỡng từ các hộ gia đình văn hóa, hạnh phúc...

Nếu chỉ dừng ở đó thì đây là một lễ hội đẹp, thể hiện lòng tri ân của con cháu đối với tiền nhân đã có công đức với đất nước. Thế nhưng phần nghi lễ về sau lại đậm chất bạo lực. 12 nam thanh niên tiêu biểu được chọn từ các gia đình có văn hóa, cầm vồ đập đất thay phiên nhau nện vào đầu “ông Trâu” đang bị trói chặt vào cột mà mấy giây trước đó thôi, họ còn thành kính tôn thờ. Hành động đó chỉ dừng lại  khi “ông Trâu” lễ gục xuống. Lúc ấy đầu “ông Trâu” (bê bết máu) quay về hướng nào, theo quan niệm của người dân, thì hướng đó sẽ được ban phước  lành.

Thêm một lễ hội cần bỏ phần nội dung  bạo lực

Qua những thông tin đăng tải trên các báo, chúng tôi thấy nghi lễ này có nhiều điểm mẫu thuẫn, làm giảm đi giá trị nhân văn của nó.

Một là mâu thuẫn giữa tên gọi của nghi lễ và hành động nghi lễ. Lễ hội mang tên “Cầu Trâu” -  trâu được tôn thờ gọi bằng “ông” – nhân vật chính của nghi lễ nhưng lại bị đập chết một cách dã man.

Hai là mẫu thuẫn giữa tâm thức của người dân và hành động nghi lễ. Lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ công đức của nữ tướng Xuân Nương thời Hai Bà Trưng đồng thời cầu mong điều tốt đẹp cho dân làng. Tâm thức đẹp, đậm chất nhân văn nhưng hành động thì đầy bạo lực.

Ba là hành vi thực hành nghi lễ dù ngoài ý muốn của người tổ chức nhưng đã vô tình gieo mầm bạo lực cho lớp trẻ. 12 thanh niên tiêu biểu, chọn từ gia đình văn hóa lại được giao thực hiện hành động phi văn hóa trong sự reo hò, hưởng ứng của đông đảo mọi người.

Bốn là, từ ngàn xưa tới nay, các thế hệ ông cha vốn rất coi trọng con trâu, tài sản quí giá của dân nông nghiệp, coi nó là “đầu cơ nghiệp” của mỗi nhà, không ai nỡ xử tệ với nó, dù cho gặp lúc mất mùa, đói kém:

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Con trâu trong lễ hội này còn được gọi là “ông”, nghĩa là rất được tôn kính. Vậy mà liền sau đó, người ta lại ra tay không thương tiếc đối với “ông”. Quả thực, nhìn “ông Trâu”, đầu đầy máu, con mắt ươn ướt như nói lời oán trách, tôi cảm thấy dường như mình cũng có tội.

Cũng giống như lễ hội Chém Lợn ở Bắc Ninh, lễ hội Cầu Trâu ở Phú Thọ lại bị dư luận phản đối khi các hình ảnh phản cảm của lễ hội này xuất hiện trên thông tin đại chúng. Dù thừa nhận việc dùng vồ đập đầu trâu đến chết là dã man nhưng đại diện Sở VH,TT&DL Phú Thọ vẫn cho rằng nghi lễ này được thực hiện theo đúng truyền thống. Dường như cái gọi là “truyền thống” được xem như một “bảo bối” để người ta biện minh cho tính chất dã man của một số lễ hội được phục hồi trong thời gian gần đây.

Thêm một lễ hội cần bỏ phần nội dung  bạo lực

Cần phải thấy rằng, những lễ hội như Chém Lợn hay Cầu Trâu đã được hình thành từ cả ngàn năm trước. Những màn “trình diễn” trong nghi lễ mang tính bạo lực  có thể rất thích hợp ở thời điểm và hoàn cảnh nó ra đời. Nhưng xã hội luôn luôn vận động và phát triển. Ứng xử tích cực đối với văn hóa dân tộc là phải biết gạn đục khơi trong để văn hóa truyền thống trở thành mạch ngầm trong dòng chảy không dứt từ thế hệ này sang thế hệ khác, phù hợp với chuẩn mực văn minh của mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết: “Thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL cùng địa phương ngồi lại với nhau, tổ chức tọa đàm để tìm ra những giá trị văn hóa đích thực để lưu truyền, bảo vệ, phát huy. Còn những điều gì không còn phù hợp, tốt đẹp, cần thiết nữa thì bỏ đi”.

Theo tinh thần chỉ đạo nói trên của Thủ tướng, những lễ hội văn hóa từng bị lãng quên, nay phục dựng lại, thiết nghĩ, cần phải được các cơ quan chức năng, các nhà văn hóa nghiên cứu, thẩm định kĩ càng, nội dung gì tốt thì kế thừa, nội dung gì không tốt thì loại bỏ trước khi cho nó hồi sinh để không đi ngược lại xu thế phát triển của thời đại.

 Bài viết:Nguyễn Duy Xuân

Nguồn ảnh: Báo Lao động