Thấy gì khi có tới 8/12 vụ đại án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng?

Thời gian qua liên tục phát hiện sai phạm ở nhiều ngân hàng, có tới 8/12 vụ đại án liên quan đến ngân hàng sẽ được truy tố, xét xử trong năm 2017. Điều này cho thấy, mức độ phạm luật ở ngành ngân hàng đã rất “nóng


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng hàng năm lần lượt đưa nhiều đại án để theo dõi, cho ý kiến chỉ đạo xử lý, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án. Từ 8 vụ đại án trước, đến 6 vụ đại án năm 2016 và năm 2017 này là 12 vụ đại án.

Điều dễ nhận thấy, tỷ lệ các vụ án liên quan đến ngành ngân hàng năm 2017 là lớn nhất từ trước đến nay: 8/12 vụ đại án. Điều này cho thấy, mức độ phạm luật ở ngành ngân hàng đã rất “nóng”, nóng” tới mức, nếu không sớm stop tình trạng này thì ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ. Vậy phải chăng vẫn còn những lỗ hổng nào đó khiến xảy ra hết vụ đại án này đến vụ đại án khác liên quan đến ngân hàng?

Vậy lỗ hổng nếu có là ở đâu?

Xét về tội danh được cơ quan điều tra đưa ra, trong 8 vụ án liên quan đến ngân hàng thì có tới 4 vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, 3 vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”; và có một số vụ án đồng thời có cả hai tội danh này. Liên quan mật thiết với 2 tội danh này là các tội danh “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”…xảy ra ở các vụ án này.

Vậy, vấn đề cần đặt ra: Tại sao, với hệ thống kiểm tra chéo của các ngân hàng được coi là khá tốt, nhưng vẫn có thể để xảy ra được các tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”?

Câu hỏi này được đặt ra bởi, diễn biến các vụ án này thường diễn ra trong một thời gian dài, ngân hàng thất thoát hàng nghìn tỉ đồng thì mới bị phát hiện. Vậy hệ thống kiểm tra chéo này vì sao bị tê liệt?

Câu hỏi này được đặt ra còn bởi, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như là ví dụ điển hình. Vụ án Huyền Như gây sốc dư luận từ 2011, nhưng đến nay vẫn chưa hết… sốc. Sốc không chỉ bởi, diễn biến vụ việc kéo dài (từ năm 2007 đến tháng 9. 2011) với lượng tiền huy động lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, riêng Huyền Như bỏ túi gần 5.000 tỉ đồng và lượng tiền có khả năng mất trắng lên tới hơn 3.300 tỉ đồng, mà quan trọng hơn, vấn đề định tội danh với Huyền Như vẫn có 2 quan điểm trái ngược nhau ở ngay các cơ quan tố tụng. Đó là Huyền Như phạm tội “lừa đảo” hay “tham ô”? Nếu Huyền Như phạm tội “lừa đảo”, các bị hại sẽ có nguy cơ mất trắng và trách nhiệm của ngân hàng sẽ ở mức thấp nhất. Và ngược lại, nếu Huyền Như phạm tội “tham ô” thì hoàn toàn ngược lại, các bị hại có khả năng lấy lại được tiền và ngân hàng VietinBank sẽ chịu trách nhiệm rất lớn.

Tuy nhiên, việc xác định tội danh hiện vẫn còn tranh luận chưa đến hồi kết. Câu hỏi cần đặt ra là, tại sao cùng một hệ thống luật, các cơ quan chức năng lại có thể xác định tội danh khác nhau? Đấy là vấn đề cần làm sáng tỏ.

Thứ hai, một số ngân hàng thương mại cổ phần vì làm ăn bất chấp pháp luật, dẫn đến âm vốn rất lớn nhưng đã được ngân hàng nhà nước mua lại với giá không đồng. Diễn biến vụ việc cho thấy, những ông chủ ngân hàng này làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, nếu để nó đổ vỡ, hiệu ứng đô mi nô là khó lường cho hệ thống ngân hàng. Đó cũng là lý do quan trọng khiến ngân hàng nhà nước đã phải mua lại một số ngân hàng cổ phần với giá không đồng.

Nhưng nay, Chính phủ đã khẳng định, sẽ không còn việc mua ngân hàng yếu kém với giá không đồng. Quyết định này được dư luận hoàn toàn ủng hộ. Nhưng xử lý khủng hoảng như thế nào với các ngân hàng yếu kém này vẫn là thử thách rất lớn cho các cơ quan chức năng.

Vương Hà