Thay đổi thói quen về văn hóa cưới, tang và lễ hội sau dịch

(Dân trí) - Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà phải thực hiện cách ly, gián cách xã hội nên việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội đã được thực hiện đơn giản hơn, gọn nhẹ và tiết kiệm hơn

Thay đổi thói quen về văn hóa cưới, tang và lễ hội sau dịch - 1

Tranh minh họa: Ngọc Diệp

Có thể nói, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đang là vấn đề xã hội phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù đã được cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp cũng như tuyên truyền, vận động nhưng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vẫn còn phô trương, xa hoa, lãng phí, gây tốn kém tiền của, thời gian, công sức của người dân, xã hội.

Thời gian qua đối tượng chấp hành, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chủ yếu là cán bộ, công chức, thông qua các biện pháp, chế tài cụ thể. Tuy nhiên, ngoài đối tượng trên thì việc thực hiện trong toàn xã hội chưa được nghiêm túc, hiệu quả còn thấp, thậm chí tình trạng xa hoa, lãng phí trong tổ  chức việc cưới, việc tang, lễ hội còn gia ngày càng tăng phức tạp vì thiếu chế tài và do thói quen.

Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà phải thực hiện cách ly, gián cách xã hội nên việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội đã được thực hiện đơn giản hơn, gọn nhẹ và tiết kiệm hơn. Điều này vô hình chung đã tạo một bước tiến bộ rất quan trọng trong việc thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội trong toàn xã hội!

Bên cạnh đó, với việc ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã xử phạt nặng đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng đã góp phần quan trọng trong việc chấn chỉnh tệ nạn uống rượu, bia tham gia giao thông gây tai nạn đang diễn ra nhức nhối, phức tạp trong thời gian dài...

 Có thể nói, thông qua thời gian giản cách xã hôi và thực hiện Nghị định 100 thì ý thức của người dân trong việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội được nâng lên rất nhiều, văn minh hơn. Đơn cử như đã hạn chế mời khách, hạn chế thời gian tổ chức, hạn chế việc tổ chức ăn uống rìng rang, linh đình, phô trương, lãng phí... 

 Cho dù nguyên nhân chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh nhưng có thể coi đây là cơ hội, “dịp may” hiếm có để tạo đà thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bởi vì việc thay đổi thói quen, nếp sống văn hóa đã ăn sâu trong đời sống người dân là rất khó!

Nhân dịp này, cơ quan chức năng cần tăng cường khuyến khích, vận động người dân thay đổi thói quen trong tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội. Đó là tạo thói quen thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm và đơn giản. Theo đó, không những chỉ trong khuôn khổ vận động đối tượng là cán bộ, công chức mà còn rộng khắp ra toàn dân tham gia hưởng ứng nếp sống văn hóa mới.

Làm sao cho người dân, toàn xã hội nhận thức rõ những lợi ích thiết thực khi thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đồng thời, có biện pháp đấu tranh, lên án hành vi phô trương, xa hoa, lãng phí trong thực hiện nếp sống văn hóa mới không chỉ đối tượng là cán bộ, công chức mà cả mọi người trong xã hội.

Bởi lẽ, trách nhiệm tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội là của toàn xã hội.

                                                 ThS Phạm Văn Chung

                                            Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum