Thanh toán qua tài khoản liệu có vướng màn “Diễn viên đóng thế”?

(Dân trí) - Quy định cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn, được ngành thanh tra cho là một biện pháp mạnh trong những giải pháp mới được dự kiến xây dựng để tăng hiệu quả phòng chống tham nhũng. Dư luận ủng hộ, nhưng…

Thanh toán qua tài khoản liệu có vướng màn “Diễn viên đóng thế”?

 

Muộn còn hơn  không

 

Tính khả thi của việc thanh toán qua tài khoản này thì đa số người dân đều biết, bởi nó được hầu hết các nước trên thế giới sử dụng từ lâu và đã chứng minh hiệu quả qua thực tế. Vì vậy, góp thêm tiếng nói ủng hộ, Phan Đạt Dương dat.duong.phan@univ-poitiers.fr một  mặt khẳng định sự ưu việt của hình thức thanh toán tiện lợi này, mặt khác đề xuất mở rộng hơn đối tượng áp dụng: 

 

“Tôi nghĩ không riêng gì các quan chức, mà ngay cả người dân cũng cần thực hiện việc này. Tất cả mọi người khi mua bán, giao dịch có giá trị lớn (lớn bao nhiều thì cần cơ quan chức năng xem xét, ví dụ từ 50 triệu đồng trở lên chẳng hạn) thì nên quy định đều phải thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Làm được như vậy, tôi tin không những phòng chống được tham nhũng, mà nhà nước còn biết rõ hơn được nguồn tài sản trong dân, giúp ích cho việc quản lí, điều hành kinh tế. Trên thế giới cách này không còn là điều mới mẻ từ lâu rồi”.

 

Cùng chung quan điểm, Le Dinh Thao thaoledinh81@gmail.com cũng bày tỏ tin tưởng thông qua chia sẻ rất cô đọng:

 

“Ý kiến này hay đấy, nếu làm được thì chắc sẽ hạn chế được nhiều tham nhũng trong xã hội”.

 

Nguyễn Lê Minh leminh_ng22@yahoo.com lưu ý một thực tế là chúng ta vẫn đang chậm trễ so với thế giới trong không ít lĩnh vực, nhưng chậm còn hơn không:

 

“Những việc như thế này đáng lẽ phải tổ chức triển khai từ lâu rồi mới phải. Nhưng muộn còn hơn không! Hy vọng rồi tệ nạn nhũng nhiễu, tham ô, việc đưa hối lộ sẽ giảm. Đề nghị QH hãy ủng hộ đề xuất của cơ quan thanh tra!”

 

Song xét trên tình hình thực tế về thu nhập trung bình của người dân ta nói chung và CBCNVC nói riêng, những nỗi niềm băn khoăn lập tức đã xuất hiện trong chính “đối tượng bị nhắm tới”. Song chúng tôi hiểu, chắc họ than thở vậy cho… đỡ tủi thôi, chứ ai chẳng biết giải pháp này nhằm vào những túi tiền lớn (thì mới mua sắm được những tài sản có giá trị lớn), chứ đâu phải để kiểm tra, giám sát mấy đồng lương luôn chịu thua trong cuộc chạy đua với giá. 

 

“Ôi trời, với lương của CBCNVC chỉ khoảng 4 - 5triệu đ/tháng mà trả lương vào TK thì không biết phải nhịn ăn nhịn uống trong bao lâu mới mua được nhà để thanh toán qua TK đây?” - Em la...:  saxjazz@yahoo.com.vn 

 

“Nhưng lương tháng của cán bộ rút hết còn không đủ chi ăn tiêu, thì tài khoản còn đâu tiền để mua sắm qua thẻ nữa???”- Thanh:  thanhgh@yahoo.com.vn
 
Thanh toán qua tài khoản liệu có vướng màn “Diễn viên đóng thế”?

 

Có một loại “diễn viên đóng thế”

 

Phía không ủng hộ cho lắm vào tính khả thi của biện pháp này viện dẫn những “rào cản” từ những đặc thù của VN, xem ra có thể coi là khác lạ so với tình hình chung của các nước khác.

 

Trước hết đó là chiêu trò thật ra đã rất cũ nên người dân ai cũng biết, chỉ có những người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát thì… chắc chắn cũng biết, song có lẽ chưa tìm ra được giải pháp nào hữu hiệu để “chỉ tận tay, day tận trán” chăng? Đó là cái mà trong điện ảnh hay gọi là nghề đóng thế (cascadeur), và được dân gian sử dụng để chỉ những màn che dấu tài sản ngoạn mục của những vị có túi tiền to nhưng không tiện lộ diện sở hữu.

 

“Tôi thấy quy định đó không khả thi vì chắc họ sẵn sàng có "diễn viên đóng thế" đứng tên mua hộ, sở hữu hộ... Theo tôi, nên tính cách khác phù hợp hơn, dựa trên thực tại ở VN mua sắm và chi trả hàng ngày như thế nào? Đó là tiền mặt...” -  Nguyên Tường:  tuongvanpy@gmail.com nói về loại hình cascadeur rất khác với điện ảnh ở VN, mà chiêu trò nhiều khi cao siêu hơn hẳn các cascadeur "xịn". 

 

“Tôi nghĩ, quy định mua sắm qua thẻ đối với cán bộ là cách làm không khả thi ở VN. Vì tiền tham nhũng, nhận hối lộ chắc không ai nạp vào thẻ để đi mua đồ. Họ mua vàng, mua đô đưa cho vợ con... tiêu hộ, mua hộ chứ dại gì mà tự chi tiêu” - Nam:  Vivu.NamDinh@gmail.com chỉ rõ cách thức tích trữ vẫn được nhiều người dân VN ưa thích xưa nay bởi sự... kín đáo.

 

“Họ dại gì mà đứng tên mua sắm tài sản... Nên lâu nay có thấy đã lôi được ai ra ánh sáng trong việc kê khai tài sản đâu” -  Fong Hà:  phonglan577@yahoo.com  có ý kiến tương tự.

 

“Buộc thanh toán qua tài khoản thì họ có thể thanh toán qua tài khoản của vợ/chồng, con cái họ chứ. Mà họ cũng chẳng dại gì đứng tên mình, sẽ dùng tên con cái... đứng sở hữu biệt thự, bất động sản... chứ” - Trần Văn Dũng:  dungvn1900@yahoo.com nói về “bài” rất hiệu quả vẫn thường được sử dụng.

 

“Tôi thấy có tài sản lớn nào mà lại mang tên các vị ấy đâu, toàn họ hàng đứng tên mà” -  Cong Ly:  congly@hotmail.com cũng rút ra ra được một kinh nghiệm rất thực tiễn. 

 

 “Quy định như thế có khả thi không? Chúng ta cũng đã quy định nào là kê khai TS, nào là minh bạch TS... nhưng người dân chúng tôi vẫn có thấy ngăn chặn được tham nhũng đâu? Tham nhũng vẫn hiện hữu trước mắt mọi người, ai cũng biết nhưng chắc vẫn khó xử lý?”- Nguyên Hải:  dongtanhai@yahoo.com.vn liên hệ tới hiệu quả của quy định kê khai tài sản tới tình khả thi của chi trả qua tài khoản.

 

“Chừng nào người dân nơi các giới chức cư ngụ không biết họ kê khai gì thì vẫn khó mà giám sát nổi. Họ có cả 1.001 cách lách quy định, hơn nữa các vị ấy thường đa mưu lắm kế...” - Nguyễn Hùng:  anton_hungnguyen@yahoo.com chung quan điểm.

 

“Mấy vị ấy toàn được… người ta biếu chứ có mua đâu mà thanh toán qua tài khoản?” - Lê Đức Hiệp:  leđuchiep14105@yahoo.com nói về một chiêu “lách quy định” khác cũng rất phổ biến.

 

“Các bác cứ nói vậy, chứ tôi nghĩ dù có buộc cán bộ thanh toán bằng thẻ thì họ cũng chẳng sao cả đâu, vì các vị ấy có bao giờ cầm thẻ đâu... Nếu tài sản toàn đứng nhờ tên người khác thì sao? Chỉ  khi toàn dân dùng thẻ thì mới kiểm soát được ai thu nhập bất thường thôi, nhưng có lẽ cũng rất khó vì chưa chi ngân hàng đã nghĩ ra thật nhiều loại phí để thu khi rút tiền, không hiểu tới lúc giao dịch nhiều như vậy  thì còn phức tạp đến thế nào?” – Bat Binh:  quanehd@gmail.com liên hệ giữa tâm lý ngại dùng thẻ với các thủ tục của các ngân hàng còn bị nhiều người dân chê là chưa thật sự đơn giản và tạo thuận lợi cho khách hàng.
 
Thanh toán qua tài khoản liệu có vướng màn “Diễn viên đóng thế”?

 

Minh bạch cần nhưng… khó

 

Gần như trong tất cả những vấn đề vẫn còn nhiều bất cập của VN ta, điều người dân nhấn mạnh cần thực hiện vẫn là sự minh bạch. Có rõ ràng, sáng tỏ được mọi chuyện thì mới tạo dựng và củng cố được lòng tin, mới thu hút được ngày càng nhiều sự ủng hộ… Nhưng vấn đề vẫn lại nằm ở chỗ: có cương quyết làm không và ai sẽ chịu trách nhiệm thực thi công việc khó khăn này? Bởi  cuộc chiến chống tham nhũng luôn rất cam go, khiến những người dũng cảm dấn thân trên con đường chông gai này cũng dễ rơi vào cảnh “đấu tranh, tránh đâu” lắm lắm.

 

“Tôi thấy đưa ra phương án cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản qua mua sắm nghe không khả quan lắm. Ví dụ như vị cán bộ A nhờ người thân đứng ra mua tài sản thì sẽ xử lý thế nào? Rồi có vị nói là ông chú ông bác gì đó tặng.... Còn vấn đề minh bạch trong kê khai tài sản thì lại... dễ quá, vì vẫn nghe nói có những "rửa tiền" đó thì với họ có gì khó đâu.

 

Vì thế, theo tôi phương án tốt hơn là các thanh tra nên đi thẳng vào vấn đề: sẽ xử lý ra sao khi phát hiện lấy tiền của nhà nước ra để chi cho một DN hay một cơ quan nhà nước nào đó mua hay xây dựng một công trình nào đó. Tôi chỉ là một công dân bình thường, tôi hy vọng các giải pháp đưa ra hữu hiệu để giúp cho đất nước ta ngày càng phát triển, cuộc sống người dân được nâng lên. Nhưng tôi cũng nói thật là dân ta còn nghèo lắm, nhất là ở các buôn làng... Vậy rất mong các giải pháp cần được xem xét kỹ, tránh làm lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân mà hiệu quả khó thu được” - Cảnh Hào:  coffee_k37yk@yahoo.com

 

“Buộc cán bộ mua sắm tài sản lớn thanh toán qua tài khoản để phòng chống tham nhũng, vậy họ nhờ người khác mua hộ thì sao? Tôi nghĩ, điều quan trọng là cần đưa ra được khung hình phạt mạnh tay (ví dụ như ở TQ, tội tham ô, nhận hối lộ có thể bị tử hình + tịch thu tài sản) thì mới hiệu quả được”- Nguyễn Văn Hùng:  quynhcoi.thaibinh@gmail.com

 

“Theo tôi có lẽ cần có biện pháp khác triệt để hơn, mạnh tay hơn thì mới chống tham nhũng được. Tôi nghĩ chắc sẽ chẳng có vị nào "thật thà" và "minh bạch" đến độ mua những tài sản lớn lại đứng tên mình nếu thu nhập đó là không sạch cả. Có lẽ cần xem lại tính khả thi và hiệu quả của giải pháp này” - Nguyễn Tiên: hatien.ufm@gmail.com

 

Bắt đúng bệnh để bốc thuốc

 

Rõ ràng niềm tin của người dân vào những giải pháp lẽ ra đầy sức thuyết phục như thế này đã chẳng còn được bao nhiêu, bởi thực tế ở nhiều nơi, nhiều lúc dường như luôn chứng minh ngược lại. Để lấy lại và củng cố được niềm tin trong dân chúng chỉ có thể là từ chính những hiệu quả thiết thực mà các giải pháp đó khi được thực thi đem lại một cách cụ thể qua từng vụ việc dù lớn, dù nhỏ và không có ngoại lệ cho bất kỳ lĩnh vực nào.

 

“Nói thì đã nói nhiều rồi. Giải pháp, biện pháp thì đã tôi thấy cũng đã bàn cả 20 năm nay rồi. Nhưng vì sao tham nhũng vẫn gia tăng và thậm chí nhiều vụ việc còn công khai với mức độ tính bằng tỉ tỉ, chứ không còn "tinh vi" hay "kín đáo" nữa.... Mong các bác đừng bàn trên lý thuyết nữa. Thực tế là dù lương họ cũng chỉ 5-7 triệu mà vẫn xây nhà toàn tỉ tỉ, hỏi ra thì nói tài sản của...vợ, của...bố vợ cho... Buồn cười quá!” - Càrốt:  wenjunwu85@yahoo.com

 

“Về phòng chống tham nhũng thì em thấy có lẽ không thể giải quyết hết được, nó vẫn như 1 căn bệnh mà mình phải phòng chống là chính thôi. Nói đâu xa, gần nhất như trong ngành giáo dục đấy. Cứ đến ngày 20/11 hay ngày 8/3 mà xem có đứa trẻ nào không biết nhắc nhở bố mẹ đến nhà thầy cô giáo không? Chỗ em cũng không có những người  giàu đâu, nhưng nó là cái… tục lệ rồi. Cứ đến những ngày đó là tự phải đến nhà thầy cô, còn không thì sẽ được thầy cô nhắc khéo. Trẻ nhỏ còn biết những điều như thế thì thử hỏi khi lớn lên có hình thành nên tư duy gọi là "tham nhũng" không? Em xin góp ý 1 khía cạnh nhỏ trong ngành giáo dục như thế thôi, có gì các bác bỏ qua cho em với nhé” - Duy Tiến:  tran.198x@yahoo.com...

 

Để đề ra được các giải pháp với những vấn đề còn tồn tại trong XH cũng không phải là việc dễ. Nhưng với những thực tế nhiều khi cứ tréo ngoe ở nước ta, xem ra các nhà hoạch định chính sách vẫn tiếp tục phải đau đầu mới hy vọng bắt được đúng bệnh để bốc thuốc.

 

Thanh Nguyễn