Sửa bất cập trong tuyển sinh ĐH là cần thiết, nhưng đã trúng?

Để khắc phục 3 điểm bất cập trong đợt tuyển sinh đại học năm 2016, Bộ GD – ĐT đưa ra một số giải pháp trong dự thảo của mình. Hai trong số các giải pháp đó là bỏ điểm sàn và thí sinh muốn đăng ký bao nhiêu nguyện vọng tùy ý. Đây cũng chính là nội dung chúng tôi muốn đề cập: Có nên áp dụng hai giải pháp này?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Dư luận hoan nghênh, nhưng …

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, năm 2017 công tác tuyển sinh sẽ thay đổi một số nội dung nhằm khắc phục 3 bất cập: Thí sinh không đăng ký xét tuyển được ngành yêu thích vào những trường có tính cạnh tranh khác nhau; Các trường gặp khó khăn trong xác định tỉ lệ thí sinh trúng tuyển mà không nhập học khiến nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu; Không công bằng đối với thí sinh khi các trường hạ điểm trúng tuyển.

Khắc phục các bất cập là cần thiết và dư luận hoàn toàn ủng hộ. Vấn đề là khắc phục nó như thế nào?

Giải pháp quan trọng nhất, theo ông Ga, dựa vào nguyên tắc chung là các trường chủ động hoàn toàn trong công tác tuyển sinh.

Nguyên tắc cho các trường tự chủ trong tuyển sinh này đã đáp ứng được yêu cầu của rất nhiều trường, từ tốp cuối cho đến tốp đầu. Đây là điều họ đã mong mỏi từ lâu, đặc biệt là với một số trường dân lập đang rất khó tuyển đầu vào và luôn không đạt được chỉ tiêu mà Bộ GD – ĐT đã cho phép. Tuy nhiên, lý do để mong được tự chủ trong mỗi tốp trường, loại hình trường là cũng rất khác nhau. Nếu với một số trường luôn thiếu đầu vào trầm trọng, có nguy cơ phải đóng cửa trường, thì họ hy vọng nguyên tắc này sẽ là cứu cánh. Còn với các trường tốp trên, thí sinh ứng tuyển luôn rất lớn, thì việc cho phép chủ chủ động tuyển sinh, họ sẽ có giải pháp tối ưu nhất để lựa chọn được các thí sinh phù hợp nhất cho các ngành đào tạo của mình.

… liệu có xóa được các bất cập hay nảy sinh thêm những lo ngại khác?

Một nội dung sửa đổi lần này được dư luận rất chú ý là bỏ điểm sàn. Đây cũng chính là nội dung mà được một số trường dân lập đang không tuyển sinh đủ đầu vào kêu rất nhiều từ nhiều năm nay. Bởi lẽ, nhiều trường có nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh đủ. Việc đóng cửa này có thể diễn ra theo hai kịch bản: Hoặc tự phải đóng cửa vì không đủ kinh phí để duy trì trường, hoặc chính Bộ GD –ĐT cũng sẽ bắt phải đóng cửa nếu nhiều năm liền không tuyển sinh đủ. Như vậy, việc bỏ điểm sàn có lẽ chỉ đáp ứng được đòi hỏi của các trường này.

Vậy giải pháp bỏ điểm sàn liệu có giúp gì cho 1 trong 3 bất cập nêu trên mà Bộ GD – ĐT muốn giải quyết? Theo tôi là hoàn toàn không.

Mà ngược lại, việc bỏ điểm sàn này lại gây ra không ít lo ngại cho dư luận. Bởi lẽ, điểm sàn từ trước đến nay của Bộ GD –ĐT đưa ra không bao giờ cao, thí sinh chỉ cần mỗi môn đạt điểm trung bình là kiểu gì cũng đạt. Tuy có điểm sàn như vậy, chất lượng đầu ra của không ít trường đã rất không ổn. Càng không ổn bởi, thực trạng hiện nay, học đại học dễ và nhẹ hơn (trừ một số ít trường) học phổ thông rất nhiều, đã vào thì hầu hết sẽ tốt nghiệp.

Hậu quả, với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, một trong những điều họ đắn đo là thiếu nhân lực có đủ chất xám. Chúng ta hiện đang thừa thầy, thiếu thợ, nếu nay quá dễ dãi đầu vào, chắc chắn càng tăng thêm nguy cơ thiếu thợ, thừa thầy.

Mặt khác, nếu nói như thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm 2016 có qui định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Vậy dư luận có quyền đặt câu hỏi: Bỏ điểm sàn để làm gì?

Hoặc, cũng theo ông Ga, ngành giáo dục sẽ tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Nhưng thử hỏi, từ trước đến nay, thông qua công tác kiểm định chất lượng, Bộ GD – ĐT đã đưa ra được bảng xếp hạng năng lực, trình độ của sinh viên tốt nghiệp giữa các trường lần nào chưa? Thực sự, từ trước đến nay, không chỉ nhiều học sinh khi lựa chọn trường, mà ngay cả các doanh nghiệp tuyển dụng nhân lực cũng không thể tìm đâu ra bảng xếp hạng năng lực từng trường để làm căn cứ.

Còn với việc cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng, thoáng nghe thì rất tốt cho các em, nhưng liệu có giúp nhiều cho họ? Tôi tin là lợi ích mang lại cho các em không đáng bao nhiêu, nếu không muốn nói là không. Nhưng ngược lại, chắc chắn sẽ rất khổ cho các trường vì lượng thí sinh trúng ảo. Đây vốn là nỗi khổ của không ít trường từ lậu nay, dù chỉ có 3 nguyện vọng. Vậy có nên “mở cửa” để thí sinh đăng ký bao nhiêu nguyện vọng tùy thích?

Trong chương trình thời sự trưa 16.12, phóng viên VTV1 đưa ra câu hỏi với thứ trưởng Bùi Văn Ga: 3 năm gần đây liên tục sửa quy chế tuyển sinh, phải chăng Bộ chưa tiên lượng được hết những bất cập? Trả lời, ông Ga thừa nhận, dù công tác tuyển sinh vẫn diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó phát hiện ra những bất cập nên phải sửa.

Bộ GD có thái độ cầu thị như vậy thì quá tốt. Nhưng vấn đề là, nếu tiên lượng đầy đủ và đừng liên tục sửa như vậy thì chắc chắn tốt hơn rất nhiều. Mà không chỉ là thay đổi cách tuyển sinh đại học, mấy năm nay, phương pháp thi, nội dung thi tốt nghiệp THPT cũng thay đổi chóng mặt. Hệ quả, hiện các thầy, trò lớp cuối phổ thông đang phải vật lộn, thử nghiệm với phương án đề thi mới. Do đó, dư luận rất mong ngành giáo dục cần lường hết những khó khăn, những phát sinh có thể có để thầy và trò ổn định cách dạy và học. Đây mới là vấn đề dư luận mong mỏi ở ngành giáo dục.

Vương Hà