Phiếm đàm

Sự chậm chạp khó có thể chấp nhận

(Dân trí) - Trao danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 141 bà mẹ ở TP Hồ Chí Minh thì hầu hết bà mẹ vắng mặt vì đã mất do tuổi cao sức yếu, chỉ còn 4 bà mẹ đến dự lễ trao tặng.

>> Trao và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đến 141 Bà mẹ


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Đọc tin Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ trao và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đợt 25 cho 141 bà mẹ thuộc 16 quận và 4 huyện của thành phố, thấy vừa vui vừa buồn.

Vui vì đúng như Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang phát biểu, việc phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao to lớn và sự hy sinh cao cả của các mẹ. Sự cống hiến, hy sinh của các mẹ là vô cùng cao quý, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” đã làm nên những trang sử vàng chói lọi, hiển hách của dân tộc ta. Cuộc đời, sự hy sinh cao cả và sự cống hiến cực kỳ vĩ đại của các mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Còn buồn vì trong số 141 bà mẹ thuộc 16 quận và 4 huyện của thành phố được nhận danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng’ đợt này, hầu hết  bà mẹ vắng mặt vì đã mất do tuổi cao sức yếu, chỉ còn 4 bà mẹ đến dự lễ trao tặng..

Một câu hỏi đặt ra: Danh hiệu này được ban hành theo  pháp lệnh  Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước ngày 29 tháng 8 năm 1994 và pháp lệnh sửa đổi bổ sung số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng năm 2003 . Tiêu chuẩn đạt danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" cũng hết sức rõ ràng, đó là những bà mẹ:

- Có hai con trở lên là liệt sĩ

- Có hai con mà một con là liệt sĩ, một con là thương binh với thương tật từ 81% trở lên.

- Chỉ có một con mà người đó là liệt sĩ;

- Có một con là liệt sĩ, chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.

Thậm chí còn cụ thể đến mức: 1) Người con là liệt sĩ bao gồm con đẻ và con nuôi của Bà mẹ được pháp luật thừa nhận, và đã được Chính phủ tặng Bằng Tổ Quốc Ghi Công . 2) Bà mẹ có đủ 1 trong 4 trường hợp nêu trên do phải chịu đựng nỗi đau mất con, mất chồng mà bị bệnh tâm thần, vẫn được tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" 3) Người chồng là liệt sĩ nói ở trên đây là người đã được Chính phủ tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" mà Bà mẹ là vợ của người đó được hưởng chế độ tuất liệt sĩ. Danh hiệu do chủ tịch nước kí tặng hoặc truy tặng theo đề nghị của chính phủ Việt Nam. Người được tặng (truy tặng) được cấp bằng và huy chương Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ấy vậy sao Danh hiệu này được ban hành theo những pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước có từ năm 1994, 2012 và Quy định năm 2003 mà sau khi ban hành những pháp lệnh và quy định này, việc tổ chức triển khai pháp lệnh chậm trễ đến vậy, đến nỗi chỉ riêng trao danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 141 bà mẹ ở phạm vi thuộc 16 quận và 4 huyện của thành phố Hồ Chí Minh thôi, thì hầu hết số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn này do tuổi cao sức yếu, không thể chờ được, đã qua đời, chỉ còn 4 bà mẹ còn sống đến được để dự lễ trao tặng?

Có phải sự chậm trễ này là do việc thực hiện pháp lệnh quá khó, hay vì việc tổ chức triển khai Pháp lệnh và Quy định của các cơ quan quản lý liên quan chưa tốt và đội ngũ cán bộ thực thi công việc này chưa làm tròn trách nhiệm của mình? Chúng ta có day dứt khi 141 bà mẹ ở TP Hồ Chí Minh được trao tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng thì chỉ 4 người còn sống để đến dự lễ trao tặng và trăn trở hiện nay ở các địa phương trong cả nước còn bao nhiêu bà mẹ đủ tiêu chuẩn “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” mà vẫn chưa được trao tặng danh hiệu cao quý này và liệu còn đủ sức khỏe để đợi đến ngày đó không?

Ai trả lời cho nhân dân – những người khi uống nước luôn nhớ đến nguồn – câu hỏi này?

Nguyễn Đoàn