Phiếm đàm

Sợ về độ co dãn quá lớn của pháp luật

(Dân trí) - Từ đó xuất hiện một câu hỏi lớn cho các cơ quan tư pháp và hành pháp: Vì sao lại như vậy và chấn chỉnh thế nào để không còn tình trạng như vậy nữa?

>> Vụ áp thuế 5,7 tỷ: Bộ trưởng chỉ đạo “nóng”, UBND tỉnh Lâm Đồng “chuyển mình”


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Ngày 19/4, anh Nguyễn Văn Tấn ngụ P.An Lạc, Q.Bình Tân, TPHCM, chủ quán cà phê Xin chào, khi anh khai trương quán cà phê được 5 ngày thì công an huyện qua kiểm tra giấy phép kinh doanh. Mấy ngày sau, anh được cơ quan chức năng mời làm việc liên tục.Vi phạm hành chính, anh Tấn đóng phạt. Đóng phạt xong anh lại tá hỏa khi bị Cơ quan điều tra công an huyện Bình Chánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “Kinh doanh trái phép vì xác định là:nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an xã hội…. thấy Quyết định của chính quyền huyện Bình Chánh quyết tâm đẩy quán chủ cà phê này vào tù, trước bức xúc của dự luận xã hội và sự không đồng tình của báo chí cùng giới luật sư, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét toàn bộ nội dung hồ sơ và quá trình giải quyết vụ án "Kinh doanh trái phép" này của Viện KSND huyện Bình Chánh báo cáo, đã xác định ông chủ quán cà phê Xin chào không phạm tội "Kinh doanh trái phép" theo Điều 159 Bộ luật Hình sự hiện hành và yêu cầu Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với chủ quán cà phê Xin chào theo khoản 2 Điều 107 và khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng Hình sự, đồng thời công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông chủ quán theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Viện KSND huyện Bình Chánh quyết tâm bắt một người dân đi tù thì khi xem xét lại, thấy Viện KSND huyện Bình Chánh làm sai, Viện KSND Tối cao đã tuyên bố là người dân này không có tội.

Ngay sau vụ này thì lộ diện một vụ khác cũng khiến dư luận bức xúc về độ co dãn của pháp luật, đó là vụ áp thuế 5,7 tỷ cho 253m2 đất huyện . Cụ thể, cách đây khoảng nửa thế kỉ, gia đình cụ bà Đàm Thị Lích (Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã đổ mồ hôi, công sức khai phá mảnh đất hoang hóa rộng gần 4.000 m2 (3.925m2). Sau ngày đất nước thống nhất (1975), gia đình bà vẫn tiếp tục canh tác trên mảnh đất này đến năm 1986 thì góp vào hợp tác xã nông nghiệp, gia đình bà được cấp 610m2. Ngày 18/12/1993, UBND huyện Đức Trọng ban hành quyết định số 419/QĐ - UB công nhận lô đất thổ cư có diện tích 610m2 của gia đình cụ Lích. Song, không hiểu tại sao khi gia đình cụ Lích tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ để cấp quyền sử dụng đất thì chính UBND huyện Đức Trọng lại đột ngột ra quyết định chia 610m2 đất này thành hai lô, một lô 253,9m2 đất thổ cư (nhưng yêu cầu nộp tiền sử dụng đất 5,7 tỉ đồng) và 310m2 còn lại là đất nông nghiệp, khiến cụ Lích choáng váng vì bất ngờ trước tai họa đột ngột giáng xuống. Trước vụ việc một cụ bà có trong tay gần 4.000m2 đứng trước nguy cơ trắng tay và phải đóng nhiều tỷ đồng cho 253m2 đất đã được công nhận là đất thổ cư từ nhiều năm trước mà Báo Dân trí đã điều tra, phản ánh qua hàng chục kỳ báo, ngày 13/5/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo, giao cho Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai dẫn đầu đoàn công tác ngày 14/5 phải trực tiếp vào làm việc với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng và UBND huyện Đức Trọng kiểm tra sự việc. Và chỉ đúng 2 tuần sau ngày Bộ trưởng chỉ đạo (13/5 – 27/5), UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức quyết định áp thuế 0 đồng cho cả 563,9m2 đất thổ cư thay vì 253m2 của gia đình cụ Lích, đồng thời sẽ khẩn trương hoàn thành việc cấp sổ đỏ.

Như vậy, từ chỗ UBND huyện Đức Trọng quyết tâm bắt cụ Lích nộp áp thuế một số tiên khồng lồ đối với người nông dân là 5,7 tỷ cho 253m2 đất, khi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét lại, phát hiện ra UBND huyện Đức Trọng làm sai và cụ Lích được áp thuế 0 đồng không chỉ 253m2 đất mà cho cả toàn bộ 563,9m2 của cụ.

Từ hai vụ việc trên cho thấy các quan chức chính quyền ở huyện Bình Chánh (TP HCM) và UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) khi thực thi pháp luật đều căn cứ vào quy định này, quy định kia của luật để xét xử, nhưng họ muốn xử người dân đúng cũng được mà sai cũng được, mà sự đúng và sai đâu phải vênh nhau 100% và 99% mà độ co dãn kinh khủng tới mức vênh nhau 100% và 0%. Cái đáng sợ, gây bất an cho dân ở sự vận dụng pháp luật khi xử lý là ở chỗ đấy.

Từ đó xuất hiện một câu hỏi lớn cho các cơ quan tư pháp và hành pháp: Vì sao lại như vậy và chấn chỉnh thế nào để không còn tình trạng như vậy nữa?

Nguyễn Đoàn