Ý kiến chuyên gia

Smartphone và trẻ em

Dạy trẻ là dạy chúng làm chủ cái smartphone chứ không lệ thuộc nó.

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Hai bài báo này cho biết là nhiều trẻ em ở bên ta dùng smartphone, nhất là dùng chủ yếu để chơi games và xem you tube:

http://www.nguoidothi.vn/vn/news/sinh-quyen-cong-nghe/di-dong/8823/-can-benh-thoi-dai-mang-ten-smartphone.ndt

http://www.nguoidothi.vn/vn/news/sinh-quyen-cong-nghe/di-dong/8918/gan-90-tre-em-viet-nam-biet-dung-smartphone-chu-yeu-choi-game-va-xem-youtube.ndt

Trước khi trở về với smartphone, xin mở một dấu ngoặc và tình thế xã hội chung.

Sự cẩn mật là một điều cần thiết. Toàn cầu hóa, tức là các ông trùm công nghệ ồ ạt vào chiếm thị trường, dùng đủ loại truyền thông quảng cáo để bán hàng. Dân ta thiếu miễn nhiểm, thiếu chuẩn bị, nên bị huyễn hoặc và sập bẫy tiếp thị.

Rốt cuộc ta thấy gì?

-  Bia chảy lai láng khắp nơi. Bằng cớ, một nhà sản xuất bia của Bỉ, InBev, vừa tuyên bố cuối năm rồi là nhờ có thị trường Đông nam Á trong đó có Việt Nam mà thương hiệu không phá sản. Ung thư dạ dày, tai nạn giao thông và bạo lực gia tăng… trong đó có vai trò của rượu

- Thuốc lá nữa. Hầu hết các nước Âu Mỹ hạn chế tối đa vấn nạn thuốc lá. Việt Nam chưa cấm thuốc lá.  Ung thư phổi đang chờ đó.

- Hàng sang, hàng hiệu, thuốc nhuộm tóc và mỹ phẫm. Thị trường Việt Nam là một thị trường màu mỡ với hơn 90 triệu dân. Ta chưa giàu nhưng xài sang mà.  Nhuộm tóc và mỹ phẫm với rủi ro ung thư da, có ai nói với mọi người dân chưa?

Bây giờ tới lượt smartphone…

Cách đây gần một năm, Dân trí đã đăng bài Trẻ nhỏ và màn hình

http://dantri.com.vn/dien-dan/tre-nho-va-man-hinh-1426216556.htm

như một cách nói lên cái cần “quản lý” các màn hình đối với trẻ, trong đó có smartphone, vì những lý do vừa sinh học, vừa giáo dục và tâm lý.

Trẻ cần phát triển thể hình, cần liên hệ tình cảm với người chung quanh, cần phát triển vốn ngôn từ, cần học đạo đức, ...Nếu chỉ chơi smartphone thì tất cả những cái cần vừa kể sẽ không hoàn thành được. Dạy trẻ là dạy chúng khả năng dùng các “cửa sổ” của điện thoại thông minh và biết quyết định đóng hay mở các cửa sổ đó đúng cách, đúng lúc.

Với màn hình chung chung và smartphone nói riêng, trẻ có thể bị lôi cuốn bởi các ảnh nhảy múa trước mắt mà không cần biết đầu biết đuôi. Một đứa trẻ chưa biết đọc cũng có khả năng “chơi” ở đó. Chữ “chơi” này thể hiện đúng hành vi của người tiếp cận màn hình. Dùng thông tin, dùng trí nhớ làm việc (mémoire de travail) hay trí nhớ tức thời chứ không cần trí nhớ lâu (mémoire à long terme) vì chỉ cần một thao tác nhỏ là màn hình sẽ trực tiếp cung cấp tất cả thông tin hữu dụng. Chơi chứ không có học.

“Văn hóa” màn hình, từ việc tra khảo trên internet đến các trò chơi games, … là văn hóa zapping, tức là ấn chuột hay lướt mạng tùy hứng, đi từ …đông sang tây, bất kể giờ giấc,  không có thứ tự trước sau hay trên dưới, …

Màn hình vì thế không giúp trẻ phát triển khả năng về thời gian, không giúp phát triển trí nhớ, nhất là trí nhớ lâu dài.

Văn hóa zapping không rèn học trò những đặc tính như tìm tòi và kiên nhẫn. Với internet, nhiều trò có thể biết mà không cần hiểu. Sự lệ thuộc màn hình có những hậu quả cho việc phát triển trí tuệ và thể hình của trẻ và cuối cùng, màn hình không giúp mọi người liên hệ tốt hơn trong xã hội vì suốt ngày cứ ...cắm đầu nhìn vào màn hình riêng.

Dạy trẻ là dạy chúng làm chủ cái smartphone chứ không lệ thuộc nó.

Đối với trẻ, cha mẹ ở nhà cần suy nghĩ đến sự cần thiết cho con cái tiếp cận với các phương tiện thông tin mới, trong đó có smartphone, nhưng tiếp cận theo những thời điểm tốt nhất. Đối thoại với con để chúng dùng màn hình đúng cách, đúng lúc. Đồng thời cũng cần biết những khả năng và giới hạn của màn hình nói chung và internet nói riêng để dạy con một cách toàn diện.

Trường học, từ lớp mẫu giáo, cần khuyến khích trẻ nói về những gì chúng tiếp cận được trên màn hình – diễn tả ra thành lời để bù lại phần nào khiếm khuyết đó của màn hình, để cho sự tiếp cận này thành tiếp cận có hướng dẫn và có chiều sâu. Để khai thác những lợi ích của màn hình đồng thời bổ sung những vai trò mà màn hình không thể làm tròn.

Tức là ta không cấm các màn hình, các smartphone,  nhưng nên kiểm soát và hướng dẫn trẻ dùng smartphone một cách thông minh.

Nguyễn Huỳnh Mai