Sai phạm BOT của Út “trọc” gắn liền trách nhiệm của Bộ GTVT

(Dân trí) - Những ai đã được hưởng lợi từ những sai phạm trong BOT giao thông của Út “trọc”? Tất nhiên, không chỉ Út “trọc”, nên y và bộ sậu của mình đã bị khởi tố, nhưng lẽ nào, những cán bộ liên quan ở Bộ GTVT lại vô can?

Sai phạm BOT của Út “trọc” gắn liền trách nhiệm của Bộ GTVT - 1

 Út “trọc” được giao thầu nhiều dự án dù “tay không bắt giặc”.

 1- Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) đã và đang bị xét xử về những tội danh khác nhau, nhưng riêng với các dự án BT, BOT giao thông mà y dính vào mới được Thanh tra Chính phủ công bố kết luận làm rõ hơn mảng tối của các BOT giao thông khiến dư luận bức xúc lâu nay.

Từ trước đến nay, việc đặt “nhầm chỗ” trạm thu phí;  tổng mức đầu tư và thu phí thiếu minh bạch, dẫn đến thời gian thu phí kéo dài thêm cả trăm năm cho 47 dự án được kiểm toán; dấu hiệu tổng tiền thu phí thực tế bị teo tóp; mức thu phí của tuyến chỉ trải thảm cũng gần bằng tuyến đường làm mới… vốn đã gây bức xúc dư luận, có dấu hiệu ngày càng nóng.

Nóng bởi, những dấu hiệu sai phạm này, không được Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) nhìn thẳng vấn đề mà thường lý giải: Lúc đó cần lôi kéo các nhà đầu tư. Chẳng hạn, nếu không đặt trạm thu phí “nhầm chỗ”, thì các nhà đầu tư không đầu tư đường tránh; hoặc phần lớn chỉ định thầu là do ít nhà đầu tư muốn tham gia vào các dự án này.

Nhưng thực tế cho thấy, có chủ thầu đã từng bị “vỗ vai” để nhường lại dự án cho các “ông anh” và việc các ông chủ được chỉ định thầu đem bán thầu cho thấy, giải thích đó chỉ là ngụy biện cho sai phạm của mình.

2- Ngày 11.4 vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng ( Cty Thái Sơn BQP) không chỉ cho thấy rõ hơn bản chất những sai phạm, mà dư luận còn thực sự sốc về mức độ sai phạm và mức độ liều lĩnh với pháp luật của cả Cty Thái Sơn BQP và Bộ GTVT.

Từ khi thành lập đến khi được nhận thầu các công trình BOT giao thông (tháng 9.2009 – 12.2014), Cty Thái Sơn chủ yếu chỉ có nhân viên hành chính, thủ quỹ, kế toán, còn cán bộ kỹ thuật chỉ có 1 người, năm 2014 nhiều nhất là 4 người!! Cho nên, không có gì lạ khi Cty Thái Sơn được nhận thầu là đem … bán thầu.

Vấn đề đặt ra là, vì sao Cty Thái Sơn BQP, cán bộ kỹ thuật hầu như không có, tài chính không đáp ứng yêu cầu, kinh nghiệm cũng không nhưng vẫn được chỉ định thầu?

 Thứ nhất, TTCP khẳng định, các ban quản lý dự án phê duyệt yêu cầu hồ sơ mời thầu; Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư (Cty Thái Sơn BQP) không đúng quy định về vốn chủ sở hữu, dẫn đến đánh giá năng lực tài chính không chính xác. Mặt khác, nhà đầu tư đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ GTVT chấp thuận là vi phạm quy định.

Thứ hai, TTCP xác định, Cty này có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, Cty Thái Sơn BQP đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.

Thứ ba, TTCP cũng chỉ rõ, Cty Thái Sơn BQP thiếu năng lực cả về tài chính, máy móc, thiết bị, kinh nghiệm nhưng vẫn được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao thầu xây lắp Gói thầu số 23 thuộc Dự án Quốc lộ 20. Sau đó, Cty Thái Sơn BQP đã chuyển nhượng toàn bộ khối lượng công việc cho các doanh nghiệp khác, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Thứ tư, theo TTCP, công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình còn có nhiều tồn tại, thiếu sót, sai phạm đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị… nhưng chưa được Bộ GTVT kiểm tra, xử lý.

Dù những điểm trên, mới chỉ dừng ở sai phạm với những dự án BOT được Cty Thái Sơn BQP thực hiện nhưng đã làm rõ: Những sai phạm trên không thể lý giải là do khách quan, là do cán bộ thiếu năng lực, bởi sai phạm trên là một quá trình liên tục, có quan hệ hữu cơ với nhau: Không đủ năng lực về kỹ thuật, về tài chính, kinh nghiệm vẫn được chỉ định thầu; được chỉ định thầu là đem bán, nhưng khi nghiệm thu vẫn như không có chuyện gì xảy ra; đề xuất mức thu phí không đúng quy định nhưng vẫn được Bộ GTVT chấp thuận; đến khi các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm nhưng chưa được Bộ GTVT kiểm tra, xử lý.

Vậy những ai đã được hưởng lợi từ những sai phạm này? Tất nhiên, không chỉ Út “trọc”, nên y và bộ sậu của mình đã bị khởi tố, nhưng lẽ nào, những cán bộ liên quan ở Bộ GTVT lại vô can?

Dư luận mong các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ hơn kết luận của Thanh tra Chính phủ: “Chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, các ban quản lý dự án, Cty Thái Sơn BQP”.

  • Kết luận thanh tra cho thấy, nhà thầu bán thầu liên tục tới nhà thầu phụ thứ tư ( B’’’’), dù đó là dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh ở Cảng hàng không Pleiku.
  • Ngày 3.12.2017, CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đinh Ngọc Hệ - nguyên Phó tổng giám đốc TCT Thái Sơn; nguyên Chủ tịch Cty Thái Sơn BQP.

Cuối năm 2018, Tòa án quân sự T.Ư mở phiên xét xử phúc thẩm tuyên phạt Hệ y án sơ thẩm 12 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”.

Đầu năm 2019, Cơ quan CQĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hệ về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Vương Hà