Bạn đọc viết

Ra đường sợ nhất “xe điên”, vậy phải làm gì?

(Dân trí) -

Cần số 1 loại xe ô tô số tự động (ảnh: Nguyễn Thành
Lập)

Cần số 1 loại xe ô tô số tự động (ảnh: Nguyễn Thành Lập)

Vừa “hết xe điên” ở Hà Nội ngày 9/11/2014 trên đường phố Bà Triệu, làm chết oan uổng 1 nam thanh niên quá trẻ-sinh năm 1993, chưa vợ, có tài năng âm nhạc (1 chàng trai DJ). Đến ngày 10/2/2015 lại xảy ra vụ “xe điên” ở TP HCM (khi đi đón ca sỹ Hồ Ngọc Hà) trên đường nội bộ sân bay Tân Sơn Nhất, làm chết 1 người, bị thương 10 người; thì đến ngày 15/2/2015 (27 Tết Ất Mùi) lại xảy ra vụ “xe điên” trên đường Nghi Tàm (Hà Nội), làm 1 người đi mô tô bị thương; nghiền nát 1 xe mô tô, sây sát 2 xe ô tô đi ngược chiều với “xe điên”. Và đến ngày 22/2/2015 (mùng 4 Tết Ất Mùi) lại tiếp tục xảy ra vụ “xe tải chở rác điên” đâm hàng loạt mô tô, rồi đâm đổ 1 cột điện tại chân dốc Đoàn Kết (quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm bị thương 8 người. Trong đó có cả tài xế và 2 trẻ em.

Đúng là bây giờ ra đường sợ nhất “xe điên”, chứ không còn “sợ nhất Công nông”; nhất là đối với những người đi mô tô, xe gắn máy 2 bánh, đi xe đạp và kể cả những người quốc bộ.

Để hạn chế hiểm nguy mỗi khi chúng ta ra đường, đồng nghĩa với việc phải hạn chế “xe ô tô điên” bằng biện pháp trước tiên, tôi đề nghị các trường đào tạo lái xe ô tô có 3 pê đan (côn, phanh, ga-đối với xe số sàn) và có 2 pê đan (phanh, ga-đối với xe số tự động), cần dạy thật kỹ cho tất cả các học viên “thành” phản xạ có điều kiện: 1 bàn chân phải-đảm nhiệm 2 pê đan (ga và phanh). Nhằm thực hiện yêu cầu bắt buộc đối với người lái xe ô tô an toàn: khi phanh-không ga. Ngược lại, khi ga-không phanh.

Tuy nhiên, điều tối kỵ đối với người lái xe ô tô khi phanh lại đạp bàn chân phải nhầm và “dính chặt” vào pê đan ga-dẫn đến “xe ô tô điên”.

Riêng đối với xe ô tô số tự động, yêu cầu bắt buộc người lái xe phải đạp bàn chân phải vào pê đan phanh-khi thao tác cần số, khởi động từ chế độ N-số “mo” sang chế độ D-số tiến, sau đó mới nhả phanh (từ từ) và xoay gót chuyển bàn chân phải sang pê đan ga cho xe tiến an toàn. Và khi lùi xe (thao tác cần số về chế độ R) cũng phải làm như vậy.

Về biện pháp cơ bản (ngoài biện pháp trước tiên nêu trên), tôi kiến nghị cần 1 cuộc cách mạng-điều chỉnh điều 61, khoản 10 Luật Giao thông đường bộ, chuyển đổi lại nhiệm vụ sát hạch-cấp Giấy phép lái xe (GPLX) dân sự, từ cơ quan Giao thông vận tải (GTVT) sang cơ quan Công an (CA).

Bởi vì, cơ quan CA có chức năng nhiệm vụ “vĩ mô”-giữ gìn trật tự an toàn xã hội (trong đó, đương nhiên có lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ), nên lẽ ra họ (cơ quan CA) phải được sát hạch-cấp GPLX dân sự mới hợp lý, đúng lô-gích.

Nhưng công việc này, lại do cơ quan GTVT đảm nhiệm, là 1 chuyện “ép duyên”. Và thật bất hợp lý, trớ trêu.

Chứ không phải, theo luận điểm sai lầm cho rằng: CA sát hạch-cấp GPLX, ra đường cũng CA thổi còi bắt lỗi lái xe vi phạm Luật Giao thông, là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”…

Đấy là còn chưa kể chuyện “ngoài lề”: cơ quan GTVT có chức năng nhiệm vụ làm đường đầm nén, lu lèn thế nào? Thoát nước ra sao? Dùng vật liệu đá, nhựa gì? Mà không ít đường vừa làm xong đã hỏng, thì chẳng mấy khi thấy họ nêu ra. Song, họ lại hay nêu tình hình xe quá tải (chỉ là 1 nguyên nhân “tổn thọ” của đường), số vụ, số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến việc giữ gìn trật tự an toàn xã hội (nhiệm vụ của cơ quan CA). Và đặc biệt, ngay cả Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, cũng là người đại diện của cơ quan GTVT (chứ không phải đại diện của cơ quan CA) thì thật là kỳ.

Trở lại việc sát hạch-cấp GPLX dân sự, tất nhiên tôi không dám phủ nhận cơ quan GTVT đã tích cực biên soạn giáo trình đào tạo, quy trình, quy chế sát hạch lái xe và đầu tư các cơ sở sát hạch-cấp GPLX khá hiện đại…

Song, căn cứ nhiệm vụ “vĩ mô” của cơ quan chức năng và thực trạng “xe ô tô điên” gây mất trật tự an toàn giao thông nêu ở phần trên, hơn 1 lần tôi kiến nghị biện pháp cơ bản, cơ quan thẩm quyền cần giao cơ quan CA chịu trách nhiệm sát hạch-cấp GPLX dân sự, nhằm góp phần hạn chế “xe điên” nói riêng và hạn chế TNGT đường bộ hiện nay.

Đồng thời kiến nghị (cơ quan thẩm quyền) sửa đổi, bổ sung 1 số điều trong Bộ Luật Hình sự, cần nâng thật nặng khung hình phạt đối với người lái xe gây TNGT làm chết ngưòi. Chứ khung hình phạt này không thể như “muỗi đốt gỗ”.

Nguyễn Thành Lập

(Kỹ sư, cựu sỹ quan cao cấp Công an)