Quản lý phòng khám tư kiểu này thì còn nhiều hậu họa

Với việc này, một câu hỏi đặt ra là: Vì sao bệnh viên công có thiết bị đầy đủ hơn, giá rẻ hơn tới 10 lần nhưng người bệnh không đến? Phải chăng do công tác phục vụ quá kém hay công tác tuyên truyền đến người bệnh còn quá yếu?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Gần 50 cháu bé bị mắc bệnh sùi mào gà ở Hưng Yên gióng hồi chuông báo động chung về cung cách quản lý phòng khám, bệnh viện tư của ngành y tế. Đến chiều 24.7, Hội đồng chuyên môn vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cũng như đường lây bệnh sùi mào gà cho các cháu. Chỉ đến khi có sự cố với bệnh nhân, ngành y mới nháo nhác tìm nguyên nhân – thật khó hình dung.

Điều này cho thấy, khẩu hiệu “phòng bệnh hơn chữa bệnh” chưa được thực hiện tốt ở khâu kiểm soát các cơ sở chữa bệnh tư nhân. Ngay tại thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng không ít trường hợp bệnh nhân bị sự cố nghiêm trọng, kể cả những ca tiểu phẫu, thậm chí là tử vong.

Câu hỏi đặt ra là, sao hết năm nay qua năm khác, hết sự cố này đến sự cố khác cho bệnh nhân diễn ra ở một số cơ sở khám chữa bệnh tư? Tỉ lệ sự cố ở cơ sở khám chữa tư lớn hơn nhiều so với Bệnh viện công – đó là điều mà cơ quan quản lý phải lưu tâm để kiểm soát các cơ sở tư.

Những sự cố ở các cơ sở tư có đặc điểm chung: Khám chữa bệnh ngoài những danh mục được phép; không đủ bác sĩ chuyên khoa nên chuyên khoa A lại khám, chữa bệnh cho chuyên khoa B; cơ sở vật chất, kỹ thuật không đảm bảo… Thậm chí, phòng khám chữa bệnh không có giấy phép vẫn cứ vô tư hoạt động. Hậu quả, riêng về nâng ngực, trong cả nước có rất nhiều biến chứng, có trường hợp phải cắt bỏ cả đôi vú, thậm chí ngay ở Hà Nội, một số bệnh nhân đã tử vong.

Ở Hà Nội, cuối năm 2016, một BVĐK tư nhân khá nổi tiếng, trong khoảng 1 tiếng đồng hồ đã để 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Đặc biệt, đây là 2 căn bệnh thông thường: Một bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp, một bệnh nhân cắt amidan. Dù rằng, bệnh viện T.Đ này được công nhận là đa khoa nhưng không có trang thiết bị cấp cứu kịp thời dẫn đến hậu quả thật đau lòng cho 2 bệnh nhân đang ở tuổi sung sức.

Đặc biệt, các cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài, nhiều bác sĩ nước ngoài khám chui được phát hiện nhờ từ công luận, từ bệnh nhân chứ không phải lực lượng chức năng. Điều đó cho thấy, ngành y (đặc biệt với tuyến quận, huyện, tỉnh, thành phố) chủ yếu “chữa cháy” chứ không sớm phát hiện khi những cơ sở này có dấu hiệu hoạt động phi pháp. Không chỉ là bác sĩ nước ngoài khám bệnh chui, một số cơ sở khám tư này còn bán cho bệnh nhân những viên thuốc không nhãn mác, không hạn sử dụng. Quá nguy hiểm cho bệnh nhân.

Quay trở lại việc cắt bao quy đầu, ngày 27.4 vừa qua, trong lần kiểm tra đột xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến một số phòng khám tư ở TP Hồ Chí Minh đã phát hiện: Bác sĩ nội khoa khám ngoại khoa; phòng khám không dùng sổ y tế, bệnh án cũng không có; rất nhiều bàn khám không có bác sĩ, khi bộ trưởng hỏi thì được trả lời “bác sĩ nghỉ ốm”(?!); Có phòng khám có hai bác sĩ Trung Quốc phụ trách ngoại khoa, chủ yếu cắt bao quy đầu, cắt trĩ. Trong đó cắt bao quy đầu với giá 22- 35 triệu đồng cao gấp 10 lần bệnh viện công, dù rằng phòng khám này chẳng có máy xét nghiệm cũng như những dụng cụ hiện đại cần thiết.

Với việc này, một câu hỏi đặt ra là: Vì sao bệnh viên công có thiết bị đầy đủ hơn, giá cắt bao quy đầu rẻ hơn tới 10 lần nhưng người bệnh không đến? Phải chăng do công tác phục vụ quá kém hay công tác tuyên truyền đến người bệnh còn quá yếu?

Nói đến công tác tuyên truyền, vì sao ở huyện huyện Khoái Châu, Hưng Yên lại có “phong trào” cho các cháu đi cắt bao quy đầu? Bởi các chuyên gia cho biết, các cháu bị hẹp bao quy đầu cần phải can thiệp có tỉ lệ rất thấp. Do đó, việc các bậc phụ huynh đưa các cháu đi phẫu thuật vừa qua ở Hải Dương là việc bất thường, nhưng bất thường này lại diễn ra quá lâu. Đã vậy, người phẫu thuật chỉ là y sĩ ở một trạm y tế tự mạo danh bác sĩ thì … không còn gì để nói. Nếu còn như vậy, không có những tai biến bất thường cho bệnh nhân mới là … chuyện lạ.

Vương Hà