Phạt vi phạm giao thông: Đừng mãi bên trọng, bên khinh!

(Dân trí) - Đề xuất của Bộ GTVT về việc tăng mức phạt với người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, lại gây tranh cãi. Người phản đối có, người ủng hộ cũng có. Nhưng vấn đề được dư luận tập trung nhấn mạnh nhất là: trước tiên cần xoá “luật bất thành văn” – cưa đôi!

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Luôn luôn phạt... đúng

 

Đã vi phạm là phải chịu phạt. Lẽ ra với mức phạt tăng dần ở nước ta, tình hình giao thông đã phải được cải thiện nhiều lắm mới phải. Ngược lại, càng tăng mức phạt sự “nhờn luật” trong dân càng tăng. Điển hình nhất là thỏa thuận ngầm 50 – 50 đang rất phổ biến:

 

“Mình thấy cũng lạ đó. Không phải mức phạt cao là người dân sợ. Theo mình thì không cần tăng nhiều, chỉ cần CSGT phạt nghiêm minh và "luôn luôn" phạt để người dân chấp hành luật, qua đó cũng có thể tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Do chưa thực hiện phạt triệt để thôi, chứ tăng lên nhiều mà thực hiện phạt như bây giờ thì tình hình chắc cũng lại dẫm chân tại chỗ thôi” - Hai Lúa:  redhat1977@yahoo.com

 

“Luật đưa ra nhưng quan trọng nhất là người thực hiện phạt phải nghiêm túc thì toàn bộ tiền phạt sẽ được thu vào ngân sách, góp phần làm tăng Ngân sách Nhà nước. Chứ nếu phạt không nghiêm thì xe vẫn cứ vi phạm” - Jimmy Nguyễn:  long_daica_2005@yahoo.com

 

“Đồng ý nâng mức phạt với tất cả các lỗi vi phạm giao thông lên càng cao càng tốt, vì hiện nay ý thức của người tham gia giao thông… nằm trong ví của họ. Vật chất quyết định ý thức, rồi dần dần ý thức sẽ được nâng cao. Nhưng kèm theo đó, người thực thi luật pháp phải nghiêm mình, công bằng và công tâm trước” - VTV169:  truongvan169@gmail.com

 

“Phạt nặng để nâng cao tính tự giác của người tham gia giao thông, tăng việc thực thi pháp luật thì tôi tin là đa số người dân đều đồng tình.  Nhưng ai giám sát người thi hành pháp luật, hay chỉ ra QĐ tăng tiền phạt để cho CSGT & Thanh tra GT lấy mốc tiền  phạt lại hành dân thêm? Theo tôi, để được công minh thì nếu người dân có bằng chứng thực tế về những CSGT & Thanh tra GT ăn hối lộ thì sẽ được hưởng tỉ lệ bao nhiêu % trên mức phạt đó. Đồng thời đề nghị tri tố hình sự người có hành vi hành dân để moi tiền mà không ghi giấy phạt…” - Pham Van Trung:  phamvan.trung64@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Răn đe và giáo dục

 

Kỷ cương, phép nước phải nghiêm. Dù nại ra bất kỳ cớ gì, người dân cũng hiểu đó là chuyện không thể không tuân thủ. Đúng như Tony tony2006666@yahoo.com nêu rõ:

 

“Cần xử lý nghiêm để xây dựng đất nước văn minh, lịch sự và an toàn cho tất cả mọi người. Nhưng ngoài ra thì những bất cập về đường sá, hệ thống đèn tín hiệu GT,  thoát nước đô thị… cũng phải được giải quyết dứt điểm để tạo thuận lợi cho người tham gia GT”.

 

Luong luong_mmco@yahoo.com dẫn kinh nghiệm nước ngoài để nhấn mạnh sức nặng răn đe cho biện pháp xử phạt: 

 

“Tôi ủng hộ phạt nặng hơn nữa như: bấm lỗ trên bằng lái, phạt tới 10 triệu đồng.... Ở Singapore, trên lối cầu người đi bộ, họ cảnh báo cấm đi xe đạp, khuyến cáo chỉ được phép đẩy xe đạp thôi, vi phạm là bị phạt 1.000 đô la Singapore. Còn lỗi vượt đèn đỏ thì bị trừ điểm và phạt rất nặng, sau 3 lần bị phạt vượt đèn đỏ thì bị thu bằng lái luôn”.

 

Đỗ Đại Thắng century_eyes0983@yahoo.com cũng lưu ý:

 

“Mức phạt có thể cao nhưng ý thức của người dân tham gia giao thông mới quan trọng. Ở nước ngoài hầu như chẳng mấy khi thấy có CSGT, sao người dân họ ít vi phạm vậy. Theo tôi, nên lắp camera ở các nút giao thông để ghi lại các xe vi phạm rồi gửi giấy về nhà yêu cầu đến kho bạc nhà nước mà nộp phạt, thay vì CSGT xử lý tại chỗ. Có như vậy việc nộp phạt mới đúng pháp luật và khách quan, mà nhà nước cũng bớt kinh phí để trả lương cho một đội ngũ CSGT quá đông như hiện nay trong khi tác dụng chính là hướng dẫn GT lại chẳng được là bao”.

 

Song nói đi cũng phải nói lại, nhiều khi người dân muốn nghiêm chỉnh chấp hành luật GT cũng khó bởi nhiều lý do…rất riêng kiểu chỉ VN ta mới có:

 

“Vi phạm phạt là đúng tuy nhiên mức phạt phải đạt được mục đích trừng phạt và giáo dục. Trừng phạt đối với những hành vi cố tình, còn giáo dục với những lỗi vô ý. Thí dụ đối với lỗi vượt tốc độ, nếu chỉ từ 5-10 km/h thì chỉ nên phạt ở mức không quá 300 ngàn đ, chủ yếu để giáo dục và nhắc nhở vì nhiều khi lỗi này thường vô tình. Còn khi đã quá từ 10 km/h trở lên mới phạt thật nặng. Vì khi tham gia giao thông ở đường bình thường xe con được phép chạy 80 km/h, khi vào khu dân cư hạn chế 50 km/h, nếu xe chạy 57 km/h thì không thể nói là cố tình vi phạm được. Theo tôi lỗi này chỉ nên phạt từ 200 – 300 ngàn đ là được. Nếu xem xét kỹ mức phạt sao cho hợp lý thì vừa có tính giáo dục vừa giảm  hiện tượng hối lộ nhà chức trách. Tôi nghĩ, nếu đợt sửa đổi này mọi mức phạt được tính toán kỹ trên mọi phương diện thì mới có cơ giảm hiện tượng vi phạm và tai nạn giao thông” - Đặng Công Chiến:  chiendrcva@yahoo.com

 

 “Song song với đề xuất phạt thì Bộ GTVT cũng cần thay thế các loại đèn hiệu trên đường  để có báo thời gian, giúp người lưu thông chủ động trong việc dừng xe. Hiện nay dùng đèn tín hiệu không báo thời gian gây nguy hiểm cho người giao thông vì dừng đột ngột, có thể bị các phương tiện khác phía sau gây tai nạn. Các qui định cần rõ ràng, cụ thể, tránh phụ thuộc vào người điều khiển giao thông, vì nhiều CSGT hiện nay thiếu lòng tin với dân do hay kiếm cớ phạt tiền dân, thu lợi bất chính. Các phóng viên báo có thể kiểm chứng tình trạng này tại bất cứ nơi nào trên toàn quốc” – Nguyễn Thùy Dương:  thuyduong@gmail.com

 

Không cân bằng được sự nghiêm minh với cả 2 phía khi bức tranh GTVT vẫn rất rối ren như hiện nay, thì tình thế chắc sẽ lại đúng như “Gia Cát Dự” Tien thuytien_npv@yahoo.com cảnh báo:

 

“Lần nào cũng nói tăng mức phạt để răn đe, để giảm hành vi vi phạm luật, dẫn tới giảm TNGT. Nhưng thực thế bao năm qua dù đã tăng mức phạt mà ý thức vẫn không tăng, TNGT cũng không giảm. Chỉ ‘béo’… CSGT thôi bởi cái luật bất thành văn 50-50 ai mà chẳng biết”.

 

Khánh Tùng