Phát ngôn của bà chủ tọa, càng rõ hơn những khoảng tối

(Dân trí) - Trả lời báo chí của chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho thấy, những thiếu sót trong quá trình điều tra của vụ án vẫn còn đó. Vậy, bản án đã thấu tình, đạt lý chưa?

Phát ngôn của bà chủ tọa, càng rõ hơn những khoảng tối - 1

Ông Phước ngồi trước hàng lang TAND tỉnh Bình Phước vào sáng 29/5/2020 để chờ nghe tuyên án – (Ảnh của Luật sư Dương Vĩnh Tuyến).

Trong khi vụ án Hồ Duy Hải vẫn đang rất nóng dư luận, nay thêm một bị cáo bị kết án 3 năm tù phải nhẩy lầu tự tử khiến dư luận thêm bức xúc.

Trong vụ án này, ai cũng thấy rất rõ, tuy ông Phước có lỗi khi thiếu quan sát khi qua đường, nhưng gia đình người bị thiệt mạng không khiếu kiện, có cần thiết phải cách ly xã hội ông Phước với bản án 3 năm tù giam?

Câu hỏi trên đặt ra nếu bản án đúng người, đúng tội. Nhưng cần phải nói rõ, trong vụ án này còn có những khoảng tối lộ ra ngay trong những phát biểu của bà Lê Hồng Hạnh - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm – với báo chí. Trong phát biểu của mình, thẩm phán Hạnh cho rằng, các bị cáo liên tục kêu oan, nên các thẩm phán ngồi xét xử đều xem xét rất cẩn thận các chứng cứ, thậm chí còn cẩn thận báo cáo kịp thời với lãnh đạo, Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh Bình Phước và tham khảo ý kiến của các cơ quan tư pháp khác.

Đây có thể được coi là yếu tố “cẩn thận” như bà thẩm phán nói? Luật đã quy định, HĐXX độc lập trong xét xử. Chỉ có HĐXX mới đọc kỹ từng tình tiết trong vụ án, vậy mà nhiều khi vẫn đưa ra đánh giá, nhận định sai lầm, thì Ủy ban thẩm phán hay các cơ quan tư pháp khác liệu có đưa ra được những ý kiến chính xác, khách quan. Nói đúng bản chất, cách nói của bà thẩm phán, chủ tọa phiên tòa này là sự né tránh trách nhiệm.

Mặt khác, trong trả lời phỏng vấn báo chí của bà thẩm phán Hạnh, dư luận không khó thấy những điểm còn rất mờ khi buộc tội cho ông Phước. Trước hết là đối tượng Lâm Tươi – người điều khiển xe máy đâm vào xe ông Phước. Theo thẩm phán Hạnh, “Lâm Tươi không có giấy phép lái xe, điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn.” Mặt khác, mấu chốt rất quan trọng là tốc độ xe của Lâm Tươi, được bà Hạnh cho biết, cơ quan điều tra không xác định được vận tốc xe của Lâm Tươi lúc xảy ra tai nạn...” Đây là vụ trọng án, nhưng cơ quan điều tra cơ quan không xác định được vận tốc xe của Lâm Tươi mà vẫn được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, khiến dư luận hoài nghi là điều dễ hiểu.

Cũng theo bà thẩm phán, lỗi trực tiếp gây nên cái chết cho nạn nhân là “do bị cáo Phước đã qua đường nhưng không quan sát.” Vậy dư luận cũng có thể đặt câu hỏi với bà Hạnh: Lúc đó đường vắng, không bị che khuất tầm nhìn, vậy Lâm Tươi có quan sát không? Điều này không biết vô tình hay hữu ý, bà thẩm phán không nhắc đến. Nhưng luật sư Dương Vĩnh Tuyến (người bào chữa cho bị cáo Phước) cho rằng, “hiện trường không có vết thắng của xe Lâm Tươi.”  Nếu Lâm Tươi kịp thắng, ít nhất mức độ cú đâm chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều và khi đó, liệu có vụ án nghiêm trọng này. Vậy đâu mới là lỗi trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân?

Trước đó, HĐXX phiên tòa xét xử phúc thẩm lần đầu nhận định: Do có những thiếu sót trong quá trình điều tra, nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi hoàn toàn thuộc về ông Phước là chưa đủ căn cứ vững chắc. Trong khi đó, những vi phạm và thiếu sót này Toà án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên HĐXX tuyên: Huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Vậy nhưng, qua chính phát ngôn của chủ tọa phiên tòa phúc thẩm lần hai cho thấy, những thiếu sót trong quá trình điều tra những yếu tố quan trọng của vụ án vẫn còn đó. Như vậy, bản án phúc thẩm lần hai đã thấu tình, đạt lý chưa?

Diễn biến qua một số vụ án cho thấy, không ít bị cáo cho rằng mình bị kết án oan, dù mức án hoặc vụ việc không lớn, nhưng quá uất ức nên đã tìm đến cái chết. Cũng ở Bình Phước, trong vụ án tranh chấp đất đai năm 1999, ông Võ Chánh đã tìm đến cái chết khi bị tòa tuyên buộc trả cho người khác. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương phát hiện một loạt sai phạm của những người cấp sổ đỏ, trong đó có chữ ký giả ông Võ Chánh. Đoàn thanh tra đã kết luận ngược hoàn toàn với bản án đã tuyên: Diện tích đất mà tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm tuyên buộc vợ chồng ông Võ Chánh trả cho vợ chồng ông Lê Quang Dinh thuộc quyền quản lý, sử dụng của ông Chánh.

Về vụ án này, trả lời phỏng vấn báo chí, thẩm phán Lê Viết Hòa – người tham gia cả 2 vụ án có người tự tử này - cho biết, "Hiện nay tranh chấp giữa ông Dinh và ông Chánh đã có quyết định tái thẩm của TAND Tối cao.”

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Nếu ông Chánh không tự sát, liệu bản án này có được lật lại? 

Do đó, dư luận rất đồng cảm và đau xót trước nguyện vọng của ông Lương Hữu Phước đưa trên Facebook cá nhân: "Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ".

Vương Hà