Bạn đọc viết:

Phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng dưới con mắt một người yêu âm nhạc

(Dân trí) - Nhân đọc bức tâm thư của anh gửi các fans vừa qua, tôi buộc phải viết bức thư này để “phúc đáp” lại. Tôi cũng xin nói rõ, tôi không có ý định phán xét ai và càng không có ý định “bảo vệ” Thanh Lam...

Bốn huấn luyện viên chương trình Giọng hát Việt (Theo Voice)
Bốn huấn luyện viên chương trình Giọng hát Việt (Theo Voice)

 

... Mà tôi chỉ có một mục đích duy nhất là nhìn nhận sự việc “lùm xùm” vừa qua trên cơ sở sự thật, dưới con mắt của một khán giả và của một người yêu âm nhạc. Tôi cũng xin nói rõ, tôi đã đi xem nhiều show diễn của anh, cũng đã nhiều lần lắc lư theo giọng hát của anh tại Hồ Gươm Xanh, chứ tôi không phải là một anti fan của anh đâu.

 

+ Sự thật thứ 1:Thanh Lam không nói anh là một ca sĩ tồi hoặc không popular, hay Hồ Ngọc Hà là một nghệ sĩ biểu diễn không hấp dẫn. Cô ấy chỉ đặt câu hỏi về khả năng của hai bạn trong tư cách là huấn luyện viên của chương trình Giọng hát Việt.  Không ai có quyền cấm bất kỳ ai được đặt câu hỏi đó, vì đó cũng là câu hỏi của nhiều người, đặc biệt khi thấy các huấn luyện viên có lẽ đã chọn nhầm thí sinh (như anh làm tối 19/8).

 

+ Sự thật thứ 2:  The Voice là một cuộc thi tài năng - A talent show. The Voice được thiết kế khác với các format thi tài năng ca hát khác (như Idol, X-factor…) ở chỗ: giọng hát được đặt vào vị trí trung tâm, đặt lên trên mọi yếu tố khác của một nghệ sĩ biểu diễn  (dù rằng không ai phủ nhận các yếu tố khác cũng là rất quan trọng).

 

Chính vì mục tiêu như vậy nên format The Voice đã có các đặc điểm riêng như: có vòng đấu Giấu mặt (để các huấn luyện viên chỉ có thể đánh giá bằng giọng hát); các thí sinh tham gia có thể là ca sĩ chuyên nghiệp/bán chuyên nghiệp nhưng chưa có cơ hội tỏa sáng; và có các huấn luyện viên (chứ không phải ban giám khảo như trong các cuộc thi khác).

 

+ Sự thật thứ 3: Để thực hiện được tiêu chí đề ra của format “Giọng Hát”,  chương trình đề cao vai trò cá nhân của các huấn luyện viên tới mức tối đa trong việc lựa chọn các thí sinh thắng cuộc (cụ thể: cho tới tận vòng bán kết) mà không hoàn toàn giao phó vận mệnh các thí sinh cho khán giả bầu chọn.

 

+ Sự thật thứ 4:  Vì các huấn luyện viên có vai trò “tối cao” trong cuộc thi, nên các huấn luyện viên được chọn đều là những người có kiến thức thực sự về âm nhạc. Họ là musician đúng nghĩa  (theo đúng định nghĩa của từ này trong từ điển), chứ không chỉ hoàn toàn là entertainer. Và nếu Idol, X - factor hoặc Got Talent … có thể lựa chọn ban giám khảo là những người “nổi tiếng” – celebrity,  thì The Voice hoàn toàn không lấy celebrity làm huấn luyện viên. Điều này được thấy ở mọi quốc gia đã thực hiện format The Voice.

 

+ Sự thật thứ 5: Các huấn luyện viên có thể chỉ dẫn cho các thí sinh về nhiều thứ nhưng nhiệm vụ đầu tiên vẫn là Giọng Hát -  giúp các thí sinh tỏa sáng, xây dựng phong cách và cá tính âm nhạc định hình. Và vì vậy, nếu anh Hưng lưu ý thì sẽ thấy: ở nước ngoài, các huấn luyện viên được mời là những người đại diện cho các dòng nhạc khác nhau, thường là những người xuất sắc có cá tính nổi trội trong dòng nhạc đó. Và tất nhiên, các huấn luyện viên cũng chỉ lựa chọn những giọng ca thí sinh phù hợp với dòng nhạc đại diện của họ, vì họ biết rằng chỉ khi đó họ mới hoàn thành tốt vai trò huấn luyện viên của mình.

 

+ Sự thật thứ 6: Huấn luyện viên không phải là “ông/bà bầu” của các thí sinh.  Chắc anh hiểu hơn ai hết sự khác biệt giữa huấn luyện viên và bầu show. Nhưng tôi thấy dường như anh có phần nhầm hai vai trò này. Nhiều lúc nhìn anh lựa chọn và mời mọc các thí sinh, tôi thấy anh có vẻ như là ông bầu hơn là một huấn luyện viên. Việc giúp các em ăn mặc, ăn nói, trả lời báo chí là việc của nhà sản xuất chương trình và sau này là của các manager của các em, chứ không phải là nhiệm vụ trọng tâm của các huấn luyện viên. Thưa anh, hai vai trò này rất khác nhau, và title của anh như chương trình định rõ là: Huấn luyện viên.

 

+ Sự thật thứ 7: Nếu là huấn luyện viên, mọi người (khán giả và thí sinh) có quyền đòi hỏi đấy phải là người có trình độ chuyên môn chính thức về lĩnh vực người đó đang huấn luyện. Nó cũng đơn giản như là giáo viên thì phải có bằng sư phạm. Đòi hỏi đó, theo tôi là đương nhiên, có gì là xúc phạm đâu.

 

Thanh Lam đâu có hạ bệ gì anh và Hồ Ngọc Hà, đâu có nói xấu anh và Hồ Ngọc Hà. Điều cô ấy nói, theo thiển nghĩ của tôi chỉ là: các em thi hát và muốn trở thành ca sĩ thì phải học hát, và muốn học hát thì phải tìm thầy dạy hát…. Theo tôi, chỉ đơn giản vậy thôi…

 

+ Sự thật thứ 8: Và nếu nói về vai trò Huấn luyện viên thì có một sự thật là nhiều học trò ruột của anh trong thực tế đâu có tỏa sáng hơn khi làm học trò của anh. Điều đó cũng có nghĩa là anh có thể là ca sĩ giàu nhất, đắt show nhất, nhưng đâu chắc đã phải là huấn luyện viên phù hợp.  Và một điều không thể phủ nhận là khi nghe một số thí sinh hát, khán giả chúng tôi thấy họ có kỹ thuật cao hơn cả vài huấn luyện viên. Đấy là sự thật. Vậy thì thầy huấn luyện gì cho GIỌNG HÁT của trò đây? Mà khán giả của Giọng Hát cũng có quyền đòi hỏi Giọng Hát chứ?...

 

+ Sự thật thứ 9: Đó là cách hành xử của anh trước một lời nhận xét. Hãy cứ cho đó là lời nhận xét không khéo, nhưng nhận xét đó không nói xấu hai anh chị. Và đặc biệt là nó nói lên sự thật - như tôi đã nêu ở trên. Có lẽ anh đã quá quen với vị trí Ông Hoàng, với các chiêu trò và có lẽ là cả “quyền lực”… mà quên rằng Ông Hoàng cũng nên hành xử phải phép.

 

Với Hồ Ngọc Hà, những nỗ lực của cô trong nhiều năm qua đã làm tôi có cảm tình. Và sự im lặng của cô khi búa rìu dư luận “ném đá” cô lúc sinh con làm tôi có ấn tượng tốt và ủng hộ cô. Nhưng với hình ảnh phản ứng lại vừa qua, tôi buộc phải nghĩ lại: phải chăng…???

 

Thư đã dài. Tôi dừng bút và quay trở về xem tiếp chương trình The Voice, vì cái làm nên chương trình, nghĩ cho cùng, vẫn là giọng hát của các thí sinh…

 

Một khán giả yêu âm nhạc -  The unknown Voice.

 

Linh Tran 

email:  dangtranchauanh@gmail.com